Bình cứu hỏa trên xe ô tô: Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn

Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định ôtô từ bốn chỗ trở lên phải được trang bị bình cứu hỏa đã gây tranh cãi khá nhiều trên các mặt báo.

binh-cuu-hoa-tren-xe-o-to-loi-thi-co-loi-nhung-rang-chang-con

Bình chữa cháy hay “bom” ở trên xe? Ảnh: Internet.

Có lẽ chưa bao giờ có một quyết định nào lại mang đến những lợi ích kinh tế “đa dạng” như vậy.

Cái lợi đầu tiên đương nhiên phải kể đến đó là tăng doanh thu những ngày cuối năm cho những nhà phân phối, bán lẻ trang bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Cái lợi tiếp theo là tăng nguồn thu ngân sách nhà nước khi hàng loạt chủ phương tiện tuyên bố thẳng thắn rằng: “Thà bị phạt chứ không bao giờ ôm bom!”.

Kể ra họ nghĩ vậy cũng đúng thôi. “Hên xui” thỉnh thoảng mất 300.000 đến 500.000 đồng còn hơn sau một ngày mùa hè nắng ấm chan hòa, bước từ nhà bước ra, thấy con xe bạc tỉ của mình trở thành một màn pháo hoa chan đầy nước mắt.

Lúc đó thì hỡi ôi, biết bắc thang lên hỏi ông nào?

Chẳng những vậy, cái lợi mà ít người nghĩ đến nhất nhưng lại “rất đáng kể” đó là tăng doanh thu cho ngành xăng dầu và cho các xưởng bảo dưỡng ô tô.

Nhiều người không thể cứng rắn quả quyết được nên rất “băn khoăn đứng giữa hai dòng nước”: Hàng ngày nộp phạt vài trăm hay một ngày đẹp trời nào đó, chiếc xe của mình sẽ trở về với cát bụi?

Nên có lẽ họ chỉ còn một cách “dĩ hòa vi quý” nhất đó là luôn hô vang khẩu hiệu: Bật điều hòa, xóa nhòa cháy nổ! Bật mọi lúc, mọi nơi, đi hay không cũng cứ phải bật!

Thế đó, với quyết định mang đầy “lợi ích thương mại” này, những người chủ ô tô chỉ biết đau khổ mà than rằng: Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!

Theo Bảo Trang (Người đưa tin)