Cách rút ngắn thời gian phục hồi sau sinh mổ

Sinh mổ thường có quá trình phục hồi lâu hơn sinh thường chính vì thế, sản phụ cần phải chú ý những điều sau để quá trình phục hồi trở nên nhẹ nhàng hơn.

Sau sinh mổ nên tăng cường vận động an toàn

Theo Sức khỏe và đời sống, ngay khi rút ống xông xong thì sản phụ nên cố gắng vận động nhiều, có thể nhờ tới sự giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc người nhà nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Đừng vì sợ đau mà nằm lì trên giường, như thế chỉ làm cơn đau trở nên dai dẳng hơn mà thôi. Tuy nhiên, cũng không nên quá nóng vội khi vận động mà phải từ từ từng bước một, tránh tình trạng cố quá sức ảnh hưởng tới vết mổ và sức khỏe cơ thể.

Sản phụ sau sinh mổ nên tập vận động đi lại để nhanh phục hồi (Ảnh minh họa)

Sau sinh mổ sản phụ phải cố gắng đi vệ sinh, không mang vật nặng. Hãy cố đi vệ sinh chứ đừng nhịn vì nó có thể ảnh hưởng tới vết mổ khiến quá trình phục hồi trở nên kéo dài hơn. 

Sản phụ lúc này chỉ có thể được bế em bé chứ tuyệt đối không được nâng vác bất cứ vật gì để tránh gây áp lực lên vết mổ. Chú ý cho tới 2 tuần sau khi sinh mổ thì vết thương mới có thể liền ở bên trong lại được. 

Sau sinh mổ tuyệt đối không được ăn cay

Sau sinh mổ và qua thời gian truyền tĩnh mạch thì theo lời bác sĩ không được ăn gì, nhưng khi được cho phép ăn thì tuyệt đối không được ăn đồ cay bởi nó sẽ gây trào ngược axit trong dạ dày thực quản, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phục hồi của vết thương.

Không luyện tập ngay sau khi sinh mổ

Đừng vì nóng vội muốn lấy lại vóc dáng sau sinh mà cố “cắn răng” đi tập luyện với các bài tập nặng nề. Điều này cực kì nguy hiểm bởi có thể gây áp lực lên ổ bụng và gây chảy máu. 

 

Mẹ sau sinh mổ chỉ nên đi dạo bộ, mặc quần áo vừa vặn, thoải mái để vết thương có thể lành lặn hoàn toàn, các bộ phận trong ổ bụng được trở về đúng vị trí an toàn trước rồi lúc đó hãy nghĩ tới tập luyện.

Việc đeo vòng bụng để giảm eo ngay sau sinh cũng là điều kiêng kị với sản phụ sinh mổ bởi nó có thể làm tăng nguy cơ thoát vị về sau cho mẹ bé. Vòng bụng sẽ tự nhỏ lại, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi cho sức khỏe hoàn toàn ổn định rồi mới tập luyện bài bản để vòng eo thon gọn.

Tư thế nằm ngủ của sản phụ sinh mổ

Dù cho vết mổ đã liền lại thì mẹ bé cũng không nên nằm ngủ ở tư thế nữa bởi điều này sẽ khiến bạn phải chịu cơn đau rất nhiều. Tốt nhất nên nằm nghiêng cho tới khi vết mổ hoàn toàn tốt lên. 

Sau sinh mổ không được để cơ thể bị táo bón

Mẹ bé sau sinh mổ phải uống đủ nước để tránh táo bón. Khi cơ thể bị táo bón, đi vệ sinh sẽ gây áp lực lên ổ bụng cực kỳ nguy hiểm. 

Tăng cường cho con bú 

Tăng cường cho con bú sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi sau sinh mổ. Đây là một điều kì diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho tình yêu của mẹ và bé.

Quan hệ tình dục

Theo lời khuyên của bác sĩ thì trong 6 tuần đầu tiên sau sinh nên tránh quan hệ tình dục nhưng có nhiều phụ nữ không còn hứng thú hoặc chưa chuẩn bị tâm lý để trở lại với chuyện “chăn gối”.

Hãy tâm sự giữa vợ chồng khiến tình cảm xích lại gần hơn, hiểu và cảm thông hơn chứ không nên né tránh bởi rất dễ gây hiểu nhầm và tạo stress cho mối quan hệ. 

 

Nếu thấy xuất hiện triệu chứng gì khác thường sau sinh mổ cần tới bác sĩ ngay (Ảnh minh họa)

Không được chủ quan 

Cũng theo Khỏe và đẹp, sau sinh mổ có thể xuất hiện một số triệu chứng như buồn nôn, sốt, nhức đầu,… thì không nên bỏ qua mà hãy thông báo cho bác sĩ biết bởi đó rất có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng.

Đặc biệt tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc bạn cho con bú, rất nguy hiểm nên nếu tình trạng đau kéo dài quá 6 tuần mà không thuyên giảm thì nên thông báo với bác sĩ.

Sau sinh mổ, mẹ bé không cần tự mình làm hết mọi thứ mà hãy mở lời nhờ đến mọi người xung quanh. Việc của mẹ bé lúc này là giữ gìn sức khỏe để chăm sóc con thật tốt.

Theo Nhật Mai (GĐVN)