Cần làm gì khi bị đâm kim vào người?

Điều trị phơi nhiễm HIV là cách duy nhất bảo vệ chúng ta sau các hành vi có nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên khi điều trị, người bệnh buộc phải chấp nhận tác dụng phụ không mong muốn.

Thông tin từ công an phường Tân Phú, quận 9, TPHCM cho hay 9 công nhân nữ  làm việc tại công ty N., Khu Công nghệ cao TP HCM (quận 9, TP HCM) đã bị một nam thanh niên tấn công, nghi cầm kim tiêm đâm vào ngực các nạn nhân.

Vụ việc xảy ra hôm 7/12, khi các nữ công nhân đang đi trong đường nội bộ Khu Công nghệ cao để vào công ty thì xuất hiện một nam thanh niên, mặt bịt kín khẩu trang tiếp cận dùng tay sờ vào ngực. Sau đó, khi thay đồng phục, những công nhân này phát hiện trên ngực có vết đâm nhỏ như bị chích, máu dính trên áo.
Hiện tất cả số nạn nhân này đều đã được uống thuốc chống phơi nhiễm HIV và nghỉ 20 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Phơi nhiễm HIV là gì?

Trả lời Zing.vn, bác sĩ Hoàng Hải Hà – Khoa Nội – Bệnh viện 09, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).
Khả năng bị phơi nhiễm cũng xảy ra tương đối phổ biến khi bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sĩ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…


Bác sĩ Hoàng Hải Hà điều trị cho một bệnh nhân AIDS tại Bệnh viện 09.

Trong đó, nguy cơ nhiễm HIV chỉ cao trong trường hợp tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều hoặc máu và các dịch của người có H bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Với các tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít, máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét, nguy cơ mắc bệnh rất thấp.

Trong trường hợp bị máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương, chúng ta sẽ không bị lây nhiễm.

Bác sĩ Hà cho biết, trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tuỳ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó.

Điều trị phơi nhiễm có hiệu quả?

Vẫn theo bác sĩ Hà, để biết kết quả chính xác nhất một người có bị HIV hay không ngay sau hành vi có nguy cơ lây nhiễm cần phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên cách này lại phải chờ lâu mới có kết quả. Do đó, để tránh khả năng dương tính với căn bệnh, tốt nhất nên điều trị phơi nhiễm trong vòng 72 h đầu ngay sau khi có hành vi nguy cơ. Điều này con tùy thuộc vào mức độ tổn thương của nạn nhân, nếu càng nặng nề càng cần phải tiến hành điều trị phơi nhiễm sớm.

Trong trường hợp 9 công nhân ở TP HCM bị tấn công mới đây, bác sĩ Hà cho hay khả năng lây nhiễm chỉ có thể xảy ra nếu trong kim tiêm của kẻ biến thái có chứa máu có virus HIV. Tuy nhiên, nếu đã được điều trị uống thuốc phơi nhiễm ngay sau bị tấn công, những công nhân này có thể yên tâm về khả năng không bị lây nhiễm H.

“Khi kim đâm vào lòng mạch, áp lực của mạch máu sẽ đẩy ngược máu ra ngoài kim. Khi tiêm cho người khác vô tình tiêm virus HIV đó vào người họ. Nhưng nếu lượng máu ở đầu xilanh ít, tức là số lượng virus nằm trong máu ít, khi vào cơ thể chưa kịp sinh sôi nảy nở, chúng đã bị hàng rào của cơ thể tiêu diệt, mất khả năng lây bệnh.

Do đó, khi vô tình bị kim tiêm của người bị HIV đâm vào cơ thể, nếu đầu mũi tiêm không có máu, bạn sẽ không có khả năng lây bệnh” – Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09

Cẩn thận tác dụng phụ của thuốc

Bác sĩ Hoàng Hải Hà thông tin thêm, phác đồ điều trị phơi nhiễm HIV là một tháng. Sau đó, bệnh nhân được xét nghiệm lại sau 3 và 6 tháng.

Việc điều trị thuốc chống phơi nhiễm có thể điều trị tại nhà, nhưng cần theo dõi rất kỹ các vấn đề xảy ra, cần đến các cơ sở y tế ngay khi có các biến chứng. Việc đáp ứng thuốc cũng như biến chứng từ thuốc phụ thuộc vào cơ địa từng người phản ứng lại với thuốc ra sao.

Người điều trị có thể chỉ bị tác động rất nhẹ như ngứa thoảng qua, gặp ác mộng nhưng cũng có thể rất nặng nề như bị bỏng loét toàn thân, bỏng da, sốt, bỏng nước, nặng hơn như suy hô hấp, trụy tim mạch, suy tủy.

Những tác dụng phụ này còn phụ thuộc vào từng loại thuốc phơi nhiễm. Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị phơi nhiễm nhưng tùy vào xét nghiệm của các cá nhân cũng như bệnh lý, tình trạng của từng người để có loại thuốc điều trị phù hợp. Mỗi một loại sẽ có những phản ứng phụ khác nhau.

Đặc biệt, bác sĩ Hà cho hay trong trường hợp mang thai vẫn có thể điều trị bình thường. Thực tế, ngay cả các phụ nữ là bệnh nhân HIV vẫn có thể mang thai và sinh con không bị bệnh. Theo đó, họ được điều trị thuốc phơi nhiễm thời kỳ trước, trong khi có thai, thậm chí ngay sau khi sinh, đứa trẻ được uống thuốc để không bị lây nhiễm.

Về chi phí thuốc điều trị phơi nhiễm, bác sĩ Hà cho biết, hiện tại vẫn đang được nhà nước bảo trợ, nếu bệnh nhân tự ra ngoài mua, giá dao động từ 1,1-1,7 triệu đồng.

Khi có hành vi nguy cơ, mọi người có thể đến tất cả các trung tâm y tế dự phòng, của tất cả các tỉnh hoặc các quận huyện để được điều trị phơi nhiễm sớm nhất.

"Tôi từng lết không nổi khi điều trị ARV"

Đó là trải nghiệm của bác sĩ Hoàng Hải Hà sau một tai nạn nghề nghiệp vào năm 2001. Anh bị một đối tượng nghiện ma túy đâm trực tiếp xilanh chứa 0,4 ml máu chứa virus HIV vào người. Khi sự việc xảy ra, ngay cả các bệnh viện lớn và chuyên gia hàng đầu lúc đó cũng không dám đưa ra kết luận về tình trạng của bác sĩ.

Những ngày uống thuốc chống nhiễm, thân thể anh gầy rộc, thậm chí đi không vững, phải lết từng bước nặng nề do phản ứng làm suy tủy, thiếu máu của thuốc. May mắn, kết quả xét nghiệm sau cùng cho âm tính.

Theo Hà Quyên (zing )