Chè hột gà trà lạ miệng

Chè hột gà trà là món lạ của người Hoa, vừa có vị đắng của tang ký sinh, vừa có vị thơm béo của trứng và vị ngọt thanh của đường...

Trong nhiều món chè của người Hoa, có lẽ chè hột gà trà là món lạ nhất, vừa có vị đắng của tang ký sinh, vừa có vị thơm béo của trứng và vị ngọt thanh của đường, tất cả hòa quyện lại thành món chè lạ miệng và độc đáo.

Với những người chưa từng ăn chè hột gà trà, có thể sẽ… “mất cảm tình” khi thấy chén chè với quả trứng đen thui, trơ trụi, ngập trong phần nước đường cũng đen không kém. Hơn nữa, người ta thường nghĩ, trứng vốn có mùi tanh, làm sao có thể nấu thành chè được. Thế nhưng khi thưởng thức, bao nhiêu nghi ngại chợt tan biến.

Chè hột gà trà là món tráng miệng truyền thống của người Hoa, đã “định cư” lâu đời ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn. Gọi là trà nhưng nguyên liệu để làm nên hương vị lạ lẫm cho món chè chính là tang ký sinh.

Tang ký sinh là thân cành và lá cây tầm gửi sống ký sinh trên cây dâu tằm, được xếp vào loại thuốc quý, vị đắng, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, hạ huyết áp và trừ phong thấp. Cây tầm gửi có thể ký sinh trên nhiều loại cây trồng khác như chanh, bưởi, khế, mãng cầu, mít… mỗi loại tầm gửi có tác dụng chữa bệnh khác nhau. Thông thường, tang ký sinh được bán dưới dạng cắt nhỏ phơi khô. Người mua nếu không quen rất khó phân biệt với các loại cây tầm gửi khác, tốt nhất nên mua ở nơi tin tưởng.

Cách chế biến chè trứng gà trà cũng không quá cầu kỳ. Trứng gà luộc chín, bóc vỏ. Tang ký sinh cho vào nước sôi chần sơ, sau đó rửa sạch dưới vòi nước lạnh, bỏ vào túi vải cột chặt miệng. Nấu nồi nước sôi khác, thả túi tang ký sinh và trứng gà vào đun trên lửa nhỏ, đến khi lòng trắng trứng gà được nhuộm màu đen sẫm thì cho đường phèn vào, nấu thêm chừng mười lăm phút cho trứng gà thấm đường là đã hoàn thành nồi chè hột gà trà.

Nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi người nấu phải khéo léo canh lửa và thời gian nấu để trứng mềm mà không dai, vị béo ngậy hấp dẫn. Nước trà sóng sánh đen, có vị ngọt đậm pha lẫn vị đắng chát, uống tới đâu thấm tới đó. Trứng gà thoang thoảng hương thơm nhẹ nhàng của tang ký sinh, vị ngọt đậm đà. Trà và trứng tưởng chừng như rất khó kết hợp, vậy mà vẫn đủ sức níu kéo những tín đồ mê chè.

Chè hột gà trà còn có vài biến tấu khác, tùy theo khẩu vị người ta có thể thêm vào hồng trà hoặc trà ô long. Hồng trà ngăn cơ thể thoát nhiệt ra ngoài, tăng cường sức đề kháng chống lạnh, nên thích hợp với mùa lạnh để làm ấm bụng, giữ ấm cơ thể.

Ngược lại, trà ô long giúp cơ thể thanh nhiệt, tăng cường khí huyết lưu thông, thường phù hợp với mùa nóng. Mùi thơm và vị chát của trà càng làm tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món chè, ăn riết thành ghiền.

Ngoài ra, nếu không quen kiểu chè lạ miệng này, có thể cho hạt sen và táo đỏ vào nấu cùng, vừa có tác dụng an thần, vừa thơm ngon, khoái khẩu. Chè có thể ăn nóng hoặc lạnh. Nhưng theo những người sành ăn, ăn chè nóng ngon hơn, có hương vị nồng đậm hơn, nhất là vào những ngày trời lạnh.

Ở TP.HCM, có thể thưởng thức món chè hột gà trà tại 186 Ngọc Hân Công Chúa, Q.11; 138 Châu Văn Liêm, Q.5; 85 Cô Giang, Q.1.

Theo Dương Thảo ( PNO )