Chênh lệch giàu nghèo tăng khiến 300 triệu người sống dưới mức nghèo khổ

Người dân Trung Quốc đang lo lắng tốc độ tăng trưởng kinh tế dường như đang mở rộng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở quốc gia. Bởi vì hiện nay, mức chênh lệch giàu nghèo đã kéo 300 triệu người sống dưới mức nghèo khổ ở Trung Quốc.

Chênh lệch giàu nghèo tăng khiến 300 triệu người sống dưới mức nghèo khổ

Ảnh: Business Insider

Theo một báo cáo từ tờ People’s Daily của Trung Quốc, cuộc tranh luận về vấn đề chênh lệch giàu nghèo đang diễn ra mạnh mẽ vào cuối tuần qua, khi Thứ trưởng Tài chính của Trung Quốc, Zhu Guangyao cho biết, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 100 nghìn tỷ Nhân dân tệ ( tương đương với 16,11 nghìn tỷ USD) vào năm 2020, đưa tỷ lệ GDP bình quân đầu người của Trung Quốc lên tới 10.000 USD, tăng từ 7.485 USD trong năm 2014.

Theo đó, tốc độ gia tăng này của Trung Quốc sẽ hoàn toàn chỉ mang lại lợi ích cho giới nhà giàu của quốc gia này, chứ không phải là lớp người ở mức trung và mức nghèo.

Ở Trung Quốc, chênh lệch giàu nghèo kéo 300 triệu người sống dưới mức nghèo khổ.

Hệ số Gini của Trung Quốc (một thước đo về sự bất bình đẳng kinh tế dựa trên sự phân bố thu nhập của cư dân của một quốc gia) đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua, đạt 0,469 vào năm 2014, theo báo cáo trích dẫn số liệu từ Cục Thống kê của Trung Quốc.

Theo thang điểm của chỉ số Gini, 0 điểm là con số thể hiện sự bình đẳng tuyệt đối và 1 điểm thể hiện sự bất bình đẳng toàn diện.

Chỉ số này hiện đã giảm trong 6 năm liên tiếp, cho thấy rằng sự phân chia giữa người giàu và người nghèo đang ngày càng tăng ở Trung Quốc. Yu Pingkang, nhà phân tích kinh tế vĩ mô tại Sàn Chứng khoán Huatai cho rằng, Chính phủ cần phải hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo khoảng cách không tiếp tục gia tăng.

"Các nhà chức trách cần đẩy mạnh cải cách phân phối lại tình trạng giàu nghèo, chẳng hạn như cắt giảm lương giữa các giám đốc điều hành cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước và cải cách hệ thống lương hưu của đất nước để cho phép xã hội được hưởng những lợi ích từ sự phát triển kinh tế một cách bình đẳng", ông Yu nói.

Năm ngoái, Wei Shangjin, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng chỉ ra, Trung Quốc có khoảng 30%  dân số tương đương với 1,35 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ.
Theo đó, Wei Shangjin cho rằng, Chính phủ nên ổn định lại mức phân chia giàu nghèo, đưa ra những cải cách phát triển kinh tế mà giúp cho cả hai tầng lớp người giàu và nghèo đều được hưởng những lợi ích như nhau.

Tuy nhiên, một trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc lại nhận định rằng khoảng cách giàu nghèo lớn là hiện tượng bình thường trong các nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc cần sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào của mình để trong ngắn hạn hỗ trợ những người dân thu nhập thấp đồng thời cải thiện giáo dục để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về lâu dài.

Trong năm 2010, chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc cũng đã ở mức báo động, khiến nước này bị liệt vào diện bất bình đẳng nhất thế giới. Hệ số Gini là 0,61 - cao hơn nhiều so với mức độ báo động là 0,40.

Lúc đó, chỉ số 0,61 đã làm cho Trung Quốc đứng đầu trong danh sách 16 nước bất bình đẳng được đánh giá theo chỉ số Gini năm 2010 tại trang web của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo Tuyết Nhung (Business Insider/Motthegioi)