Chỉ cần đứt tay nhẹ, liên cầu khuẩn lợn có thể "chui" vào cơ thể cướp đi mạng sống?

Có phải chỉ sử dụng thực phẩm từ lợn bệnh mới rước liên cầu khuẩn lợn vào người? Các bác sĩ khẳng định, con đường loại khuẩn chết người này tấn công con người tinh vi hơn nhiều.

chi-can-dut-tay-nhe-lien-cau-khuan-lon-co-the-chui-vao-co-the-cuop-di-mang-song

Một bệnh nhân đang điều trị nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí (ảnh bệnh viện cung cấp).

Không ăn thịt lợn cũng nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Ngày 5/9, BS Trịnh Thu Hoàn - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đặt tại Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 59 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Nguyên nhân khiến người phụ nữ mắc bệnh chết người này là trong khi cắt thịt lợn, bà bị đứt tay, liên cầu khuẩn lợn có trong thịt lợn bệnh đã thâm nhập vào cơ thể qua vết trầy xước. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, chóng mặt nhiều, đau chân phải hạn chế vận động.

Mỗi năm, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận từ 8-10 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ngoài trường hợp này, bệnh viện này cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 1977, ở thị xã Quảng Yên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do làm nghề giết mổ lợn 15 năm qua nhưng không mang đồ bảo hộ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, sốt cao, đau đầu nhiều, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ. Người nhà cho biết trước khi đến viện, bệnh nhân kích thích, giãy giụa, mắt trắng bợt, nhìn ngược khiến gia đình rất lo lắng.

Cũng bị lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ vết xước, một người đàn ông ở huyện Sông Mã, Sơn La đã bị tước đi mạng sống. Trước đó, do tiếc rẻ con lợn khoảng 5 - 6kg nhà nuôi bị chết, người đàn ông 48 tuổi đã đem đi mổ và chế biến cho cả nhà cùng ăn. Tuy nhiên, không có ai biểu hiện ngộ độc. Riêng người đàn ông này chỉ sau một ngày ăn thịt có biểu hiện sốt cao, hôn mê sâu, trên người xuất hiện những mảng tím, lập tức được người nhà đưa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã cấp cứu. Các xét nghiệm cho kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do bệnh liên cầu lợn. Nguyên nhân là do trong quá trình mổ lợn, bệnh nhân đã có vết xước trên cổ tay trái từ trước, nhưng chưa liền da nên vi khuẩn liên cầu lợn đã xâm nhập vào cơ thể qua đường máu. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn mới đây cũng cấp cứu thành công một nữ bệnh nhân 35 tuổi, người Campuchia bị suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó vài ngày, chị có làm thịt lợn bệnh nhưng do chủ quan nên không để ý có các vết xước trên tay. Vài ngày sau đó, bệnh nhân bắt đầu bị phù toàn thân và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết, suy đa tạng (suy thận cấp, suy hô hấp) phải chạy thận nhân tạo.

Trên thực tế, các cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị cho không ít bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù bệnh nhân không hề ăn thịt lợn. Trước đó, hai người dân ở huyện Định Hoá, Thái Nguyên được xác định mắc bệnh này vì trước đó có tiếp xúc với thịt dê bị bệnh. Bệnh nhân cho hay khi con dê nhà nuôi bị chết, móng chân đen, gia đình đem thịt ăn và uống rượu. Sau đó các bệnh nhân đau bụng, nôn rồi đi cấp cứu.

Điều trị rất tốn kém, trả giá bằng mạng sống

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh liên cầu lợn lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín như: Tiết canh, nem chua, nem chạo... 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn. Một số bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…). Hiện chưa có bằng chứng liên cầu lợn lây trực tiếp từ người sang người.

BS Trịnh Thu Hoàn cảnh báo, với những bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn đều có bệnh cảnh viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: Sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não. Khi trở nặng, người bệnh sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Tuy nhiên, cũng có có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.

Thời gian ủ bệnh liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Điều đáng nói là dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn lợn với nhiều người ban đầu là sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, nên dễ nhầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Việc điều trị nhiễm liên cầu khuẩn lợn hiện nay bằng kháng sinh, nhiều bệnh nhân bị suy thận phải chạy thận nhân tạo, lọc máu, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, thậm chí phải chạy máy trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO). Điều này khiến thời gian điều trị bệnh nhân thường kéo dài. Trong đó, bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải điều trị ít nhất 3 tuần, bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng. Khi phải lọc máu, chạy ECMO, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ. Rất nhiều bệnh nhân ôm hận chỉ vì con lợn chết rẻ tiền, hoặc bát tiết canh 10.000đồng mà gia đình phải bán đất bán nhà để chữa bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Các bác sĩ điều trị khuyến cáo bệnh nhân có thể tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục). 

Đáng lưu ý, người bị nhiễm liên cầu lợn vẫn có thể mắc lần sau. Vi khuẩn gây bệnh hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân trong mọi hoàn cảnh phải ăn chín, uống sôi.

Theo GiaDinh