Chống ung thư: quá khó khăn

Mỗi năm có xấp xỉ 100.000/125.000 người mắc ung thư mới ở VN tử vong.

Số mắc ung thư mới ngày càng tăng, số chết cũng tăng, có đến 76% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tốn kém chi phí điều trị nhưng không kéo dài được cuộc sống.

Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Mai Trọng Khoa đã nói với Tuổi Trẻ như vậy ngày 8-12, bên lề hội thảo đa ngành trong phòng chống ung thư ở VN.

Theo ông Khoa, còn rất nhiều khó khăn trong phòng chống ung thư ở VN trong khi số mắc bệnh ngày càng tăng.

Thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên ngành

Ông Bùi Diệu, giám đốc Bệnh viện K, cho biết hiện cơ sở y tế đầu ngành của chuyên ngành ung thư có quy mô 1.800 giường bệnh, trong đó có 1.500 giường nội trú, tuy nhiên mới chỉ có 1.000 cán bộ y tế, tỉ lệ cán bộ/giường bệnh mới đạt 0,5-0,6 cán bộ/giường, trong khi tối thiểu cần 1,1 cán bộ/giường và nếu tính theo nhu cầu tối thiểu này, Bệnh viện K thiếu 50% cán bộ.

“Tuyển dụng bác sĩ cho chuyên ngành ung thư tối thiểu cần bác sĩ học xong ĐH y và qua chuyên khoa định hướng chuyên ngành ung thư, nhưng so với khả năng đào tạo thì lấy đâu cán bộ cho mạng lưới phòng chống ung thư ở các tỉnh. Tính chung về nhân lực trong mạng lưới phòng chống ung thư mới đáp ứng được 60% nhu cầu”, ông Diệu nhận định.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thêm hệ thống bệnh viện, khoa ung bướu hiện có mới đáp ứng được 70% nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, 30% còn lại đang bị quá tải.

Theo bà Xuyên, năm 2000 cả nước mới có 3 bệnh viện ung thư và 12 khoa ung bướu ở các bệnh viện địa phương. 15 năm sau, năm 2015 con số này tăng lên hơn gấp đôi với 6 bệnh viện ung thư và khoảng 50 trung tâm, khoa ung bướu.

Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Khoa, muốn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, mỗi tỉnh thành phải có một khoa, trung tâm ung bướu có khả năng phát hiện bệnh sớm và điều trị cơ bản. Ước tính phải năm 2025 VN mới đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân ung thư!

Một cuộc hội thảo đa ngành diễn ra ngày 8-12 đã chỉ ra quá nhiều khó khăn trong hệ thống điều trị ung thư tại VN. Trong ảnh: tình trạng quá tải bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sàng lọc, phát hiện sớm bằng cách nào?

Hơn một tháng qua, Bệnh viện Bạch Mai khám sàng lọc ung thư vú miễn phí cho 1.600 phụ nữ theo chương trình của Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng. Kết quả, có 6 phụ nữ trong 1.600 chị em tham gia được sàng lọc, phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm và theo ông Khoa, ở giai đoạn này gần 100% sẽ được chữa khỏi bệnh với chi phí khoảng 10 triệu đồng/ca.

Có nhiều loại ung thư có thể được phát hiện sớm nhờ các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm rất đặc hiệu, theo ông Khoa là phần lớn người dân có khả năng chi trả, trong đó có ung thư cổ tử cung, đại trực tràng, ung thư dạ dày...

“Vấn đề cốt lõi là cộng đồng có ý thức khám và phát hiện bệnh sớm, tối thiểu là 1-2 lần khám sàng lọc/năm ngay từ khi chưa có biểu hiện bệnh, còn nếu sờ thấy u, u đã di căn thì ngoài chi phí điều trị tăng cao còn là nỗi lo thời gian sống thêm sau khi phát hiện bệnh sẽ ngắn ngủi”- ông Khoa cho hay.

Qua điều tra trên gần 2.000 bệnh nhân ung thư (do Tổ chức Action thực hiện từ năm 2012-2014) đang điều trị ở ba bệnh viện của VN, chỉ 5% bệnh nhân ung thư ở VN được phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, 19% ở giai đoạn 2, đây là những giai đoạn điều trị bệnh có hiệu quả, nhưng đáng tiếc tới 76% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4.

Ông Khoa đánh giá đây chính là lý do khiến hiệu số số mắc ung thư mới và số tử vong do ung thư ở VN rất thấp, trong khi các nước (đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản) thì số mắc mới cũng tăng, nhưng số tử vong của nhiều loại ung thư không tăng và thậm chí ngày càng giảm...

Trao đổi với phóng viên, viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Trần Văn Thuấn đã bày tỏ quan điểm: chỉ có thể giảm được tình trạng bệnh ung thư tăng nhanh nếu bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.

Ông Mai Trọng Khoa cũng chia sẻ ý kiến này, nhưng ông Khoa cho rằng sẽ rất khó để chi trả đại trà vì quỹ bảo hiểm không chịu nổi. Nhưng có thể học tập mô hình một số quốc gia xung quanh, người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh ung thư; người làm việc trong môi trường có nguy cơ ung thư cao... sẽ được bảo hiểm chi trả? Hơn hết là truyền thông để cộng đồng hiểu được chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí để khám, phát hiện bệnh sớm thì hiệu quả điều trị ung thư cao hơn hẳn!

Miễn phí thuốc trị ung thư gan, thận cho người nghèo

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, thứ trưởng Bộ Y tế, giữa tháng 12 này Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng sẽ công bố một chương trình đặc biệt: có thể cung cấp miễn phí thuốc điều trị ung thư gan, thận thế hệ mới (thuốc nhắm đích) Nexavar cho người nghèo có chỉ định điều trị bằng thuốc này.

Theo bà Xuyên, đây là thuốc điều trị có hiệu quả cho người bị ung thư gan, thận, nhưng giá thuốc quá cao nên rất ít bệnh nhân có thể tiếp cận được (trung bình mỗi bệnh nhân phải uống 4 viên/ngày và mỗi viên có giá trên 600.000 đồng, bệnh nhân có bảo hiểm được bảo hiểm y tế tế chi trả 50% chi phí).

Toàn bộ gói hỗ trợ này kéo dài trong 2 năm và trị giá 160 tỉ đồng. Ngoài Nexavar, hiện còn 1.500 người ung thư máu được dùng thuốc nhắm đích Glivec miễn phí và sắp tới sẽ có một số chương trình tương tự để cung cấp thuốc cho người nghèo.

Theo Lan Anh (Tuổi Trẻ)