Có được nhận con nuôi nếu giấu thông tin cá nhân người nhận?

Năm nay tôi đã ngoài 40 tuổi. Do mải mê công việc kinh doanh, cộng thêm một lần vấp ngã trong chuyện tình cảm nên vẫn đang độc thân và không có ý định lập gia đình. Hiện tôi muốn nhận một bé gái làm con nuôi nhưng lại không muốn ghi rõ về thông tin cá nhân của mình để đề phòng rắc rối sau này. Xin hỏi, tôi làm như vậy có được không? Thủ tục nhận nuôi con nuôi cần những gì?

Phạm Thị Ngà (TP Cần Thơ)

Trả lời:

Hồ sơ của người xin nhận con nuôi được quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 gồm: Đơn xin nhận con nuôi theo mẫu quy định (bản chính); Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (bản sao); Phiếu lý lịch tư pháp (bản chính, được cấp chưa quá 6 tháng); Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp; Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã/phường nơi người nhận con nuôi thường trú.

Về việc giấu địa chỉ của cha mẹ nuôi với cha mẹ đẻ của đứa trẻ, Điều 9 Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi quy định: Khi kiểm tra hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ, thì công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra việc cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi.

Như vậy, theo quy định này, quyền và nghĩa vụ đối với người con do cha, mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thỏa thuận, nếu cha mẹ nuôi của đứa trẻ có nguyện vọng về việc thăm nom hay cùng chăm sóc đứa trẻ cùng cha mẹ đẻ thì việc bạn muốn giấu địa chỉ sẽ không được chấp thuận. Mặt khác, theo quy định tại Điều 11 Luật Nuôi con nuôi 2010: “Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước”.

Để bảo mật các thông tin thì bạn có thể nhận một trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi không xác định được cha, mẹ đẻ để làm con nuôi. Việc khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau: “Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi".

Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi thì cán bộ tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu".

Luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) (Theo Gia đình)