Cô hàng nước được SV tặng thẻ hành nghề vì quá dễ thương


Cô Phan Thị Ánh Hồng bán nước trước cổng trường ĐH Văn Lang TP HCM từ năm 1966, được sinh viên yêu mến bởi sự hài hước, tốt bụng.

co-hang-nuoc-duoc-sv-tang-the-hanh-nghe-vi-qua-de-thuong

Cô Tư hào hứng khoe chiếc thẻ hành nghề do sinh viên tặng.

Chiếc thẻ hành nghề độc nhất vô nhị

Nhiều thế hệ sinh viên của ĐH Văn Lang TP HCM (cơ sở 2) chắc hẳn không ai không biết đến cô Phan Thị Ánh Hồng (51 tuổi) bán nước trước cổng trường. Cô được gọi với cái nick name dễ thương là "cô Tư sành điệu". Gần đây, cô Tư bất ngờ nổi tiếng khi thông tin và hình ảnh về chiếc thẻ hành nghề bán hàng được cựu sinh viên làm tặng lan truyền trên mạng.

co-hang-nuoc-duoc-sv-tang-the-hanh-nghe-vi-qua-de-thuong

co-hang-nuoc-duoc-sv-tang-the-hanh-nghe-vi-qua-de-thuong

Chiếc thẻ hành nghề của cô Tư được thiết kế giống với chiếc thẻ sinh viên của trường Văn Lang.

Buổi trưa, gian hàng của cô Tư nườm nượp sinh viên ra vào mua nước giải khát, số khác chọn quán để ngồi trò chuyện hay tranh thủ ăn trưa. Vừa thoăn thoắt tay chế biến đá me, nước dừa tắc, cô Tư vừa trò chuyện vui vẻ: "Cái thẻ này là do một cậu cựu sinh viên làm tặng. Từ hôm ông hiệu trưởng trường bắt sinh viên ra vào trường phải đeo thẻ sinh viên, bắt gặp tụi nó đi qua đi lại thường xuyên nên cô cũng muốn có một cái đeo".

"Có lần, một cô sinh viên để quên thẻ ở bàn nước, cô còn lấy đeo thử nhiều ngày liền. Trong một lần buột miệng nói vui với thằng bé cựu sinh viên rằng mình thích có một cái thẻ như thế. Không ngờ nói vui mà hôm sau thằng nhỏ mang đến cho một cái thẻ thật", cô Tư chia sẻ.

Chiếc thẻ được anh chàng Phạm Nghĩa (cựu sinh viên khóa 12 của trường Đại học Văn Lang) làm tặng cô Tư. Nhìn thoạt qua nhìn nó y chang chiếc thẻ sinh viên Văn Lang vẫn hay đeo. Mặt trước có in hình cô bán hàng cười tươi rói và dòng chữ "Bà Tư sành điệu". Mã số sinh viên chính là số điện thoại của Tư. Mặt sau là những dòng lưu ý, quy định vui nhộn.

"Vui lắm chứ. Ngày xưa mình đâu có những thứ này để mà đeo đâu. Đó cũng là một mơ ước của cả cuộc đời. Đeo nó mình cũng cảm thấy gần gũi với tụi sinh viên hơn nữa. Vậy là sau bao nhiêu năm bán hàng ở cái hẻm này, cuối cùng cũng được tụi nó cấp cho các thẻ hành nghề. Mà không biết ghi số điện thoại Tư lên đó chi không biết. Nếu nói trước Tư đã mách cho phải ghi như này nè: '090 không tái, không nạm, không hành, không bán hàng ăn'. Vậy nó mới độc (cười lớn)!".

co-hang-nuoc-duoc-sv-tang-the-hanh-nghe-vi-qua-de-thuong

Gian hàng nhỏ của "cô Tư sành điệu".

Ngoài ra cô Tư còn muốn thay đổi một số chỗ trên tấm thẻ như dòng Văn Lang University, phải đổi lại thành Front Văn Lang University (vì Tư bán ở trước trường mà); Cái tên "Cô Tư sành điệu" sẽ đổi thành "Cô Tư vượt sống". Cô chia sẻ, cuộc sống của mình ngày xưa cũng vất vả, bươn chải để nuôi hai đứa con khôn lớn. "Tư muốn để cái tên ấy cho nó ý nghĩa. Với lại để muốn nhắc nhở các cô cậu sinh viên phải luôn biết cố gắng, vượt qua khó khăn để nên người, thành tài. Còn cái tên 'Tư sành điệu' chỉ là để gọi vui  với sinh viên thôi".  

Từ ngày có chiếc thẻ đeo trước ngực, cửa hàng của cô Tư lại thêm rôm rả khi sinh viên đến mua nước lại tò mò, lại có chuyện để mà hỏi, hàn huyên hoặc trêu chọc cô Tư.

Sở dĩ có cái tên "cô Tư" này là do chồng của cô Ánh Hồng tên Tư nên mọi người gọi vậy cho dễ nhớ. Cô bán nước ở đây từ năm 1996, rồi khi trường Văn Lang xây dựng cơ sở mới tại đường Phan Văn Trị, Gò Vấp này, cô bắt đầu bén duyên với sinh viên. Hằng ngày, cô Tư dậy từ 2h30 sáng để chuẩn bị đồ và đẩy hàng ra. Tối khoảng 6h30 lại bắt đầu dọn hàng về.

Cô hàng nước có nụ cười dễ thương, tính cách "bá đạo"

Nói về cô Tư, sinh viên Văn Lang phải dùng những tính từ như hài hước, dễ thương, bá đạo để nhận xét. Cái nick name "cô Tư sành điệu" được nhân vật chính thú nhận là do mình tự đặt. "Đặt thế cho nó vui và gần gũi với tụi trẻ. Với lại tôi cũng thích sự nhí nhảnh lắm", cô Tư vừa cười vừa nói.

Một nữ sinh Văn Lang tâm sự: "Cái nick name đó đúng là chẳng sai tý nào đối với Tư. Cứ vào quán Tư mua nước là sẽ được cười vì Tư lúc nào cũng luyên thuyên chuyện. Ăn mặc thì khá xì tin và nói chuyện thì vừa hài hước, đáng yêu khỏi nói. Có đứa còn bảo rằng: chắc cô Tư được thiên sứ phái xuống đây để bán nước, mua vui cho dân Văn Lang mình".

co-hang-nuoc-duoc-sv-tang-the-hanh-nghe-vi-qua-de-thuong

Sinh viên yêu mến cô Tư nên đã làm cho quán hàng những chiếc menu dễ thương như thế này.

Nhận xét về cô Tư, nhiều bạn còn dùng từ vi diệu để nói về tính cách cũng như sự quan tâm của cô. "Bình thường cô Tư không thích cái gì là nói thẳng, thậm chí là la mắng nhưng chẳng đứa nào dám hỗn lão lại đâu. Nhiều đứa nói cô Tư dữ dằn, thì đúng là khó tính thật đó nhưng được cái điều cô Tư nói đều đúng. Cô dạy dỗ, góp ý, động viên sinh viên như cha mẹ vậy đó", Lê Bảo Tuấn K18 chia sẻ.

Tuấn còn cho biết cô Tư là người quan tâm, giúp đỡ sinh viên rất nhiều. "Thỉnh thoảng cô lại lân la hỏi chuyện học hành, ra khỏi phòng thì hỏi 'hôm nay thi có tốt không', không có tiền uống nước thì cô Tư sẵn sàng bán chịu. Mình còn nhớ có lần một bạn sinh viên thiếu tiền để đóng tiền thi lại, lúc đó lại cận Tết sắp sửa về quê. Thế là cô Tư móc tiền túi ra cho hẳn mấy trăm ngàn".

Cô Tư bán hàng nhiều, quen mặt hầu hết sinh viên. Bảo Tuấn lâu lâu lại ra quán phụ cô bán nước, nhiều lúc cô còn tin tưởng giao hẳn cho cả sạp hàng để trông coi. Tuấn còn kể, có một lần cô Tư ốm 2 ngày không mở quán nên sinh viên hỏi thăm nhiều lắm. "Hôm nào, không thấy cô Tư bán hàng ở đây cũng thấy trống vắng lắm", Tuấn chia sẻ.

"La thì la vậy thôi chứ mình cũng thương tụi nó lắm. Đứa nào hiểu thì mừng, không hiểu thì giận hay không nhìn mặt cũng chẳng sao. Tính Tư nó thế lâu nay rồi, giúp được cái gì thì Tư giúp. Những lời mình góp ý cũng chỉ mong tụi nó sống tốt hơn mà thôi. Mai này ra trường dù có thành công hay thất bại thì hãy cứ về thăm Tư, uống với Tư một ly trà đá là Tư thấy vui rồi. Đừng vì những lời mắng mỏ của Tư mà sợ không dám quay lại cổng trường này", cô Tư trải lòng.

co-hang-nuoc-duoc-sv-tang-the-hanh-nghe-vi-qua-de-thuong

Cô Tư mong muốn sinh viên ra trường sẽ thành tài và thỉnh thoảng nhớ ghé hàng nước của cô chơi.

Không chỉ vui tính, dễ gần cô Tư còn được nhiều sinh viên khen là có khả năng giao tiếp tiếng Anh. Thỉnh thoảng cô lại bắn một vài tràng khi nói chuyện hay trong lúc tính tiền. Một nam sinh tiết lộ: "Cái này mình nghe cô Tư kể lại rằng ngày xưa có học được một ông thầy đi du học ở nước ngoài. Có nhiều từ ngữ chuyên ngành khi cô Tư hỏi mình cũng giật mình, ngơ người vì không biết. Sau một lần đó, mình lại khám phá được ở cô nhiều thứ và học hỏi được thêm một từ vựng mới cho việc học".

Hiện cuộc sống của cô Tư đã bớt khó khăn hơn trước, con cái cũng đã trưởng thành nhưng cô vẫn mong muốn có được sức khỏe để gắn bó với tụi trẻ. "Hằng ngày ra đây gặp gỡ tụi nó, trò chuyện thấy trẻ được lâu. Hôm nào không bán cũng thấy nhớ đấy", cô Tư tâm sự.

Theo Xuân Tân (ione)