Doanh nghiệp "ngại" tân cử nhân: Lòng tin vào tấm bằng ĐH giảm sút

"Số người vào ĐH bắt đầu giảm từ ba năm qua, cùng lúc số lượng du học tự túc tăng nhanh, là những điều cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút rất nhiều".

dạy nghề

Sinh viên thất nghiệp, doanh nghiệp vẫn “đói” người

Đó là nhận định của TS. Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế, ĐHQG TP HCM tại Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) tại Việt Nam do Bộ GDĐT tổ chức ngày 18/12.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Siep Littooij, Giám đốc Dự án POHE2 cho rằng chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với những thách thức nổi lên trong hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam, đó là kinh nghiệm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Khi tôi dành một vài phút lướt web, tôi đã nhận thấy nhiều có rất nhiều nguồn tài liệu với những con số thống kê khác nhau, nhưng nhìn chung đều đề cập đến chất lượng của hệ thống giáo dục ĐH không đạt yêu cầu. Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp lên đến 60%. 

Trong đó chúng ta đổ lỗi nhiều cho việc sinh viên thiếu kỹ năng. Không chỉ vậy, các nhà tuyển dụng thì cho rằng họ không hài lòng với chất lượng đào tạo, trong khi bản thân sinh viên cũng không xác định được rõ nghề nghiệp họ lựa chọn”

Về phía các đơn vị sử dụng lao động, ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam cũng cho rằng việc triển khai mô hình đào tạo theo hướng nghề nghiệp trong các trường ĐH, CĐ hiện nay là rất cần thiết. 

“Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất cao, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn đang phải “loay hoay” tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu và phải phụ thuộc vào các kênh tuyển dụng, các công ty “săn đầu người”. Trong khi, 50% sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ phải đối mặt với thất nghiệp hoặc làm không đúng chuyên môn”, ông Thắng chia sẻ.   

Bàn về kết quả dự án giáo dục POHE, một dự án giáo dục ĐH lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, đồng Giám đốc Dự án POHE2), cho biết, dự án POHE giai đoạn 1 đã xây dựng và triển khai thành công 10 chương trình đào tạo POHE ở 8 trường ĐH phân bố đều khắp từ Bắc vào Nam. 

Từ năm 2010 đến nay, đã có gần 2000 sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo POHE và được thị trường lao động hài lòng đón nhận. Và hiện đang bước vào giai đoạn 2, triển khai mở rộng trong toàn hệ thống giáo dục ĐH.

“Tư duy của chúng ta không phải là dạy cái chúng ta có mà phải từ yêu cầu của thị trường lao động, thị trường việc làm và từ nhu cầu của xã hội để xây dựng lại chương trình đào tạo hay các bài học. Đây là điều góp phần rất quan trọng trong việc cải thiện những điều kiện nâng cao chất lượng trong giáo dục ĐH của nước nhà”, ông Tuấn nhấn mạnh.

TS. Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế, ĐHQG TP HCM cho rằng, thách thức trong việc thực hiện chương trình POHE trước hết là vấn đề động lực và sức ỳ trong nhận thức. 

“Chừng nào các trường vẫn còn được ngân sách bao cấp với rất ít trách nhiệm giải trình, chừng nào lối dạy chay, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bằng cấp của người học vẫn có đất sống, thì chừng đó các trường chưa có động lực thay đổi. Hiện nay nhu cầu bằng cấp gần như đã bão hòa, thể hiện qua mức độ “xuống dốc không phanh” của con số sinh viên hệ tại chức”, bà Ly nói.

Theo bà Ly, tình hình cử nhân thất nghiệp, lạm phát bằng cấp, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực, số người vào ĐH bắt đầu giảm từ ba năm qua, cùng lúc số lượng du học tự túc tăng nhanh, là những điều cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút rất nhiều. Do đó, đòi hỏi các trường phải tự cải thiện để tồn tại.   

Cần hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị định hướng nghề

Ngoài việc cải tiến chương trình đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển mối quan hệ trường học với doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình đào tạo ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Chính vì thế cần có khung pháp lý và chính sách cụ thể.

Ông Bùi Văn Chương, trường ĐH Nông lâm Huế cho rằng, mối quan hệ giữa trường ĐH và các doanh nghiệp mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu phát triển, tuy nhiên hiện sự chủ động của các trường ĐH vẫn đang lớn hơn phía các doanh nghiệp. 

Vì vậy cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo để thêm động lực cho các doanh nghiệp, bởi có một thực tế là các trường ĐH tìm đến nhưng các doanh nghiệp cũng chẳng mấy “mặn mà”.

Bà Nguyễn Thị Thúy, phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi gặp khó khi không có cơ chế mang tính pháp lý về sự phối hợp giữa trường tôi với Sở GDĐT và các trường phổ thông. Mà thực hiện được hoàn toàn nhờ mối quan hệ với các cựu sinh viên của trường. Nếu không, có muốn cũng không thể triển khai được”

Cũng vướng mắc về điều này, và chỉ có thể cho sinh viên đến doanh nghiệp nhờ “quen biết”, đại diện trường ĐH Kinh tế quốc dân, ông Đinh Tuấn Dũng đề xuất việc thành lập “quỹ đào tạo” ở các doanh nghiệp, và đưa vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Khi sinh viên đến doanh nghiệp thì các doanh nghiệp sẽ sử dụng quỹ này để chi cho các phí đào tạo các em. Nếu doanh nghiệp không dùng hết thì quỹ đó hoàn lại cho cấp trung ương. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp không còn ngần ngại khi đón sinh viên vì đã có quỹ và từ đó họ sẽ chủ động hơn”, ông Dũng nói.

Theo Thanh Hùng (infonet)