Dụng cụ thủy tinh y tế: Tử thần giấu mặt trong các bệnh viện

Trong bệnh viện, những dụng cụ thủy tinh y tế nói chung đóng "vai trò" không nhỏ, đồng thời nó cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tai biến y khoa cho chính các bác sĩ, y tá.

Nhiều báo cáo tại các hội thảo về rác thải y tế đã chỉ rõ, thủy tinh là kẻ thù lớn gây hủy hoại môi trường và cuộc sống con người, góp phần vào con số 350 tấn rác thải độc hại mỗi ngày. Trong bệnh viện, những dụng cụ thủy tinh y tế nói chung đóng "vai trò" không nhỏ, đồng thời nó cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tai biến y khoa cho chính các bác sĩ, y tá.

Nguy cơ hàng đầu gây tai biến

Rủi ro và tai biến y khoa chưa bao giờ là câu chuyện có hồi kết của các bệnh viện và cơ sở y tế. Nếu lên mạng gõ từ khóa "tai biến y khoa" trên google, ngay lập tức, nhận được gần 1.000.000 kết quả trong vòng chưa đến 1 phút và nếu thay từ khóa là “Tai biến y khoa do ống thủy tinh” sẽ cho kết quả tương đương. 

Con số trên đã phần nào cho thấy những dụng cụ thủy tinh nói chung và nước cất ống thủy tinh nói riêng đóng “vai trò” không nhỏ và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tai biến y khoa. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, trong số 109 điều dưỡng, y tá tham gia nghiên cứu có tới 37,6% bị chấn thương do vật sắc nhọn như kim tiêm, thuốc tiêm hay nước cất thủy tinh…

Các ống tiêm thủy tinh hay ống thuốc bằng thủy tinh chính là những "tử thần" giấu mặt trong các bệnh viện

Minh chứng cho điều này là rất nhiều câu chuyện đã từng gây dư luận thời gian qua. Đó là trường hợp kỹ thuật viên khoa xét nghiệm của Bệnh viện nhiệt đới Trung ương từng bị phơi nhiễm HIV khi đưa ống máu của bệnh nhân AIDS vào máy xét nghiệm sinh hóa. Hay trường hợp một bác sĩ điều trị cai nghiện bị xi lanh bật ngược lại khi đang tiêm thuốc cắt cơn cho bệnh nhân hoặc chính 18 vị y bác sĩ bệnh viện phụ sản Hà Nội đã bị phơi nhiễm HIV… đã cảnh báo về tần suất và mức độ tác động của tai biến điều trị do các vật sắc nhọn mang lại.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm ở các nước phát triển và đang phát triển như Việt Nam sử dụng khoảng 16 tỉ mũi tiêm nhưng có nhiều mũi tiêm không an toàn, dẫn đến sự bùng nổ của các bệnh truyền nhiễm qua đường máu do tiêm truyền. Một trong số các nguyên nhân chính là việc quản lý vật sắc nhọn không được quan tâm chú ý, thiếu chính sách và tài trợ quốc gia.

Theo thống kê chưa cụ thể, tại các bệnh viện, mỗi ngày có hơn 1.000 lượt tiêm cho người bệnh, tương đương với 1.000 ống thuốc được bẻ để pha chế hoặc rút lấy thuốc. Và hầu như ngày nào cũng có điều dưỡng bị đứt tay do bẻ ống thuốc, kim đâm tay khi rút thuốc. Bên cạnh đó, việc đổ thuốc cũng thường xảy ra, nhất là khi việc tiêm được nhân viên mới vào nghề hoặc sinh viên thực tập thực hiện.

Một số giải pháp sáng chế như dụng cụ bẻ ống thủy tinh của bác sỹ ở Cần Thơ hay các khóa tập huấn về kỹ thuật bẻ ống được Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục nhắc đến trong Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Điều Dưỡng Việt Nam hôm cuối tháng 10 vừa qua cũng chỉ nhằm giảm thiểu mũi tiêm không an toàn chứ chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng. 

Khảo sát của trang “Điều dưỡng, chào em” cũng cho thấy, 100% điều dưỡng, y tá đều thừa nhận: Bẻ ống nước cất thủy tinh luôn là nỗi sợ hãi của các điều dưỡng viên do khó thao tác, đứt tay, chảy máu là chuyện thường xuyên xảy ra.

Không chỉ vậy, với số lượng người nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm nhiều như Việt Nam thì việc sử dụng các loại thuốc tiêm và nước cất ống thủy tinh đồng nghĩa với việc các y, bác sỹ và điều dưỡng cũng đang từng ngày đối mặt với nguy hiểm thậm chí là cả tử thần từ tai biến y khoa.

Kẻ thù lớn của môi trường và con người

Theo thống kê, mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 350 tấn rác thải y tế độc hại, trong đó có phần không nhỏ từ các sản phẩm ống thủy tinh như thuốc tiêm ống thủy tinh, nước cất ống thủy tinh. Đây là loại rác “cứng đầu”, đặc biệt khó xử lý, nhiều nơi chỉ biết chất đống và chôn lấp. Loại rác thủy tinh cần phải được đốt ở nhiệt độ từ 8.000 đến 10.000 độ C mới cháy được nhưng sau đó lại vón cục và vẫn không phân hủy được khi đưa ra môi trường.

Bên cạnh đó, với một lò đốt rác thủy tinh nhập từ Mỹ, giá mua khoảng 500 triệu đồng, có thể xử lý 1.000 lít thủy tinh trong vòng 10 giờ, chi phí phải bỏ ra cho lượng rác này là 3,33 triệu đồng. Nhưng với điều kiện hiện tại của các bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam thì đây hẳn là một vấn đề không hề nhỏ.

Chưa dừng lại ở đó, khi sử dụng các sản phẩm ống tiêm và nước cất thủy tinh này sẽ phát sinh thêm rất nhiều rác thải khác như: gạc, bông lót cầm tay khi bẻ ống… Các loại rác thải này không gây nguy hiểm trực tiếp chảy máu, thương tổn nhưng gây hại cho môi trường và con người. Nó gây ô nhiễm môi trường, không khí, ảnh hưởng đến đất và nguồn nước khi mang đi chôn lấp và từng ngày, từng giờ những chất độc hại đó đang ngấm vào người chúng ta lúc nào không hay. Nó không chỉ để lại hậu quả cho chúng ta mà còn gieo mầm nguy hại đến cả thế hệ sau, những mầm non của đất nước.

Dùng ống nhựa đựng thuốc hay dùng làm nước cất khá an toàn và tiện lợi

Phương hướng giảm thiểu tai biến y khoa trong các bệnh viện

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ở rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh và một số nước châu Âu họ đã đưa vào sử dụng loại nước cất và thuốc tiêm ống nhựa nghệ BFS để thay thế các sản phẩm ống thủy tinh. Ở Việt Nam, mới chỉ có hơn 100 bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương và tỉnh đưa vào sử dụng như: Chợ Rẫy, Việt Đức, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, bệnh viện E, bệnh viện Nhi TW,... Các trạm xá, y tế huyện, xã phường dường như vẫn chưa có khả năng tiếp cận với các sản phẩm có tính an toàn cao như thế này dành cho các điều dưỡng hoặc y tá.

Để giảm thiểu tai biến trong y khoa, ngành y tế cũng đã khuyến cáo các bệnh viện tập trung vào việc tiếp cận các công nghệ mới, cải tiến quy trình làm việc để nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động chuyên môn. Thời gian gần đây, việc sử dụng nước cất ống nhựa công nghệ BFS và đã được kiểm nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu-thay cho nước cất ống thủy tinh đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu rủi ro trong ngành y. 

Khi sử dụng nước cất ống nhựa, đầu sản phẩm dễ bẻ hơn loại thủy tinh nên nhân viên y tế không sợ mảnh thủy tinh vỡ làm đứt tay, hay cặn, bụi thủy tinh lọt vào tĩnh mạch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, nước cất ống nhựa còn góp phần tiết kiệm chi phí từ những chiếc gạc sạch mà trước kia các y tá, điều dưỡng viên vẫn thường phải dùng lót để bẻ ống.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần đẩy mạnh việc mua bảo hiểm trách nhiệm. Theo quy định của Chính phủ, kể từ năm 2012 các bệnh viện phải triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm cho thầy thuốc về các tai biến, rủi ro trong khám chữa bệnh. Điều này sẽ tạo tâm lý an tâm hơn cho các y, bác sĩ khi làm việc.

Thực tế cho thấy mặc dù đã được đầu tư nhiều nhưng các bệnh viện quá tải, cộng với sự thiếu chuyên nghiệp trong ngành y nên những trăn trở về việc giảm thiểu tai biến trong y khoa vẫn chưa thể hoàn thành được trong một sớm, một chiều và rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự hợp tác chặt chẽ từ hai phía bệnh nhân và bệnh viện.

Theo Minh Khuê ( MTG )