Gần 1 tỷ lít bia đã được người Việt tiêu thụ

Trong 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng bia các loại của Việt Nam ước đạt 935,9 triệu lít, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng 4/2015, sản lượng bia các loại trong nước ước đạt 262,8 triệu lít, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng bia các loại của Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội ước đạt 56,2 triệu lít, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn ước đạt 114,8 triệu lít, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng bia các loại ước đạt 935,9 triệu lít, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng bia các loại của Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội ước đạt 145,9 triệu lít, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn ước đạt 325,8 triệu lít, giảm 1,8% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất của ngành Rượu - Bia - Nước giải khát có xu hướng tăng do sắp vào mùa nắng nóng. Các doanh nghiệp trong ngành đang tập trung chuẩn bị sản xuất để tiêu thụ trong các tháng hè sắp tới.

Đứng thứ 8 về thu nhập trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, với 3 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam đang trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia cao nhất khu vực, đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

bia

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, trong khi mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người của thế giớilà 6,2 lít/năm, không thay đổi trong 15 năm qua và đã đạt ngưỡng bão hòa thì ở VIệt Nam, mức này đã tăng lên 6,6 lít/năm so với gần 4 lít/năm giai đoạn 2003-2005.

Bà Hạnh cũng cho biết thêm, mức sử dụng rượu bia bình quân đầu người của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt, mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu.

“Chúng tôi từng đi một số nơi để tìm hiểu cách sản xuất rượu của người dân như thế nào. Hiện rất ít nơi còn sản xuất truyền thống theo kiểu chưng cất mà sử dụng cồn công nghiệp. Ví dụ ở Sơn La, người dân mua men Trung Quốc về ngâm gạo sống 2 ngày là đã có rượu uống. Ở phía Nam người ta thường cho cồn vào can nước 20 lít, phơi dưới ánh nắng 8-9 tiếng là được. Tác hại của những loại rượu này rất lớn”, thạc sĩ Hạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh rượu bia thì thuốc lá cũng là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh ở Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ lớn.

Theo thông tin mới đây được ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cung cấp, sản lượng thuốc lá điếu của Việt Nam hiện nay khoảng 100 - 110 tỷ điếu/năm, xuất khẩu 20 - 22 tỷ điếu/năm, nộp ngân sách nhà nước từ 900 triệu đến 1 tỷ USD/năm. Như vậy, tính ra mỗi năm, người tiêu dùng trong nước tiêu thụ trên 80 tỷ điếu thuốc lá.

Theo Người đưa tin