Giải oan cho mì gói

Để ăn mì gói bổ dưỡng chỉ cần người dùng chú ý hơn khi nấu mì là có thể mang lại gói mì đủ dưỡng chất cho cả gia đình.

Th.S Lê Thị Hải – Phòng khám tư vấn dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết ăn mì gói nếu biết cân bằng dinh dưỡng vẫn đủ hàm lượng các chất cần thiết thì không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Làm sao để ăn mì thay cơm vẫn khỏe

Người ta thường ví von mì tôm với cái nghèo, với cái đói mới ăn mì nhưng thực chất mì gói không phải là thức ăn để ăn tạm cho đỡ đói nữa mà hiện nay nó trở thành thực phẩm thiết yếu trong tủ bếp mỗi nhà. Để ăn mì gói làm sao cho hiệu quả, ngon, bổ dưỡng rất đơn giản chỉ cần người dùng chú ý hơn khi nấu mì là có thể mang lại gói mì đủ dưỡng chất cho cả gia đình.

Các chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng ăn mì tuần vài bữa để đa dạng thực phẩm cũng không mang lại vấn đề về sức khỏe. Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết nếu ăn mì gói và ăn bổ sung thêm rau xanh, trứng, thịt các chất đạm, khoáng chất cần thiết khác thì vẫn đảm bảo dinh dưỡng, ngày ăn 1 bữa mì cũng không sao.


Nhiều người nội trợ không còn phải lo lắng vấn đề dinh dưỡng của mình gói nếu như biết chế biến đúng cách.

Bác sĩ Hải cho biết bà gặp rất nhiều trường hợp nghiện ăn mì. Bố mẹ hoặc chính bản thân người đó lo lắng đến nhờ bác sĩ tư vấn. Theo bác sĩ, nếu ngày 3 bữa mì gói chắc ít người ăn được thời gian dài.

Còn một tuần ăn 3- 4 bữa là phù hợp. Bác sĩ phân tích, mì ăn liền chủ yếu cung cấp bột và đạm thực vật, do đó, nếu thường xuyên ăn mì ăn liền một cách khô khan sẽ thiếu cân bằng dinh dưỡng bởi thiếu đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi. Để cân bằng nên đa dạng thực phẩm, thường xuyên thay đổi khẩu phần bữa ăn của gia đình.

Không có mì nào là mì nóng

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết không có loại thực phẩm nào là thực phẩm nóng hay mì tôm cũng thế.

Quan điểm nóng hay mát là của từng người và các bác sĩ dinh dưỡng cũng cho biết thực phẩm tùy thuộc vào từng người. Riêng đối với mì gói, mì chủ yếu là tinh bột làm từ bột mì, bột gạo được sấy khô cho giòn lên. Quan điểm mì là nóng không đúng vì nếu người không hợp với bột mì có thể chọn loại thành phần khác.

Vì hiện nay trên thị trường có nhiều loại mì gói ăn liền khác nhau như mì gạo, mì từ bột đậu xanh, mì từ dong, từ bột lúa mì nên người dùng có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp. Mỗi loại thức ăn ăn liền đều phù hợp với mỗi người khác nhau.

Khi nấu mì đặc biệt là cho trẻ em ăn, người nấu không nên cho nhiều gia vị của mì. Bác sĩ Hưng nhấn mạnh không ai phải kiêng cái gì chỉ tùy từng người, từng bệnh lý khác nhau để tránh những chất không tốt. Ví dụ người bị cao huyết áp, ăn mì gói như mì gạo, miến ăn liền phở ăn liền vẫn được nhưng khi ăn bổ sung thêm rau xanh hoặc sử dụng các loại mì làm từ đậu xanh, có rau chế biến sẵn trong các gói gia vị. Trẻ bổ sung thêm protein, chất xơ.

Theo tiến sĩ Hưng một gói mì rất rẻ chỉ vài nghìn thì không thể đòi hỏi chất lượng mì phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng vượt trội cho cơ thể được. Người tiêu dùng nên lựa chọn mì phù hợp với khẩu vị của gia đình và có các chế biến phù hợp.

Theo Ngọc Thúy ( PNO )