Giữa thời khủng hoảng lợn: Gia cầm, lợn lần lượt... xuất ngoại

Thị trường nội địa đã quá chật hẹp, ngành chăn nuôi muốn tồn tại chỉ còn cách tìm hướng xuất khẩu. Đang có làn sóng các doanh nghiệp bắt tay với người chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất ngoại…

Nhìn về một hướng!

Công ty TNHH SX-TM Trại Việt (Vietfarm) vừa ký hợp đồng xuất khẩu 20 container trứng vịt muối sang thị trường Singapore. Dự kiến, lô hàng đầu tiên sẽ được đóng gói, rời cảng trong tuần này. Để có được số trứng muối đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Singapore, ngoài một trang trại tự nuôi vịt gần 40.000 con của công ty ở Tây Ninh, doanh nghiệp này còn phải liên kết với các trang trại chăn nuôi vịt đẻ ở khu vực Bà Rịa – Vùng Tàu, số lượng đàn lên đến nửa triệu con.

Theo ông Đàm Văn Hoạt, CEO Vietfarm, các trại liên kết phải cam kết quy trình chăn nuôi theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, chủ trại phải sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, cho ăn thức ăn công nghiệp, kiểm soát triệt để các dư lượng thuốc thú y, dư lượng chất cấm và đặc biệt, nguồn nước đảm bảo sạch, không tồn dư hoá chất.

  Giữa thời khủng hoảng lợn: Gia cầm, lợn lần lượt... xuất ngoại

Để có được số trứng muối đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Singapore, ngoài một trang trại tự nuôi vịt gần 40.000 con của Vietfarm ở Tây Ninh, doanh nghiệp này còn phải liên kết với các trang trại chăn nuôi vịt đẻ ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.

“Thị trường trứng vịt muối Singapore rất nhạy cảm với chất sudan, do đó, công ty phải yêu cầu các trại ký cam kết không trộn vào nguyên liệu thức ăn, nguồn nước cũng phải đảm bảo sạch để tránh rủi ro. Trước khi xuất khẩu, chúng tôi phải lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt sẽ thu mua hết sản phẩm, đảm bảo người nuôi có lời!”, ông Hoạt nói.

Ngày 1.7 vừa qua, liên doanh De Heus (Hà Lan), BELGA (Bỉ) cũng vừa ký kết xây dựng chuỗi chăn nuôi gà xuất khẩu sang thị trường Nhật và EU. Chuỗi này được hình thành dựa trên nguyên tắc “cùng nhìn về một hướng” – chia sẻ lợi ích, trách nhiệm để thực hiện cam kết nuôi gà theo chuẩn GlobalGAP nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trước đó, công ty Koyu & Unitek, một liên doanh khác cũng thành công trong việc xây dựng chuỗi chăn nuôi gà để xuất khẩu sang thị trường Nhật. Các chủ trại gà ở các tỉnh miền Đông Nam bộ được Koyu & Unitek ký cam kết bao tiêu sản phẩm, trước đó họ được liên doanh này giới thiệu nhà cung cấp con giống, thức ăn có uy tín để xây dựng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, một trong ba trại gà nằm trong chuỗi của De Heus và BELGA,đánh giá mặc dù ngành chăn nuôi đang gặp khủng hoảng đầu ra, nhưng việc “bắt tay” với các doanh nghiệp xây dựng mối liên kết vẫn mang lại nhiều cơ hội dành cho người chăn nuôi.

“Xây dựng chuỗi liên kết giúp ngành chăn nuôi có trình độ sản xuất hiện đại, văn minh hơn. Trước đây, chúng tôi chỉ nghĩ đến hiệu quả, còn nay, phải hướng thêm đến phúc lợi cho các đối tượng trong chuỗi, đó là cách làm khác biệt”, ông Ngọc tâm sự.   

Đầu ra rộng lớn

Singapore có hơn 5,5 triệu dân cả gốc lẫn lưu trú và 80% số này là người gốc Hoa, nên nhu cầu trứng vịt muối rất lớn. Hiện, Singapore đang nhập trứng muối từ Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam… lên tới 10 container/ngày. Ông Hoạt cho rằng, nếu tổ chức sản xuất tốt, thị trường láng giềng này là cơ hội lớn.

Nhiều năm nay, có một số doanh nghiệp đã, đang xuất khẩu mặt hàng trứng vịt muối sang Singapore, nhưng theo ông Bạch Đức Lữu, giám đốc trung tâm Thú y vùng 6, trứng vịt muối của Việt Nam hay bị trả về do nhiễm sudan.

Để khắc phục tình trạng này, công ty Vietfarm, phải liên kết với các trang trại nuôi vịt như Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc Tây Ninh, nơi có lợi thế nuôi vịt khô chứ không phải vịt chạy đồng. “Vịt chạy đồng rủi ro cao hơn vì khó kiểm soát quy trình nuôi, hơn nữa chất sudan có thể tồn dư trong nguồn nước sản xuất lúa!”, ông Hoạt phân tích.

Với con gà con heo, ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus châu Á, đánh giá cơ hội xuất khẩu đang trở nên sáng sủa nếu chúng ta biết cách liên kết sản xuất theo chuỗi. Chẳng hạn như con gà, thị trường Nhật Bản mỗi năm nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thịt, trong đó Brazil nhiều nhất với 420.000 tấn năm 2016, Thái Lan 320.000 và Trung Quốc 165.000.

Sắp tới, lần đầu tiên liên doanh Koyu & Unitek sẽ xuất được thịt gà chế biến của Việt Nam vào đây. Theo ông Fluit, ngành chăn nuôi gà, heo của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được do trình độ, giá thành nhân công, chế biến đang rẻ hơn các nước. Sở dĩ Thái Lan xuất được gà sang Nhật là họ biết cách tổ chức sản xuất theo chuỗi. Việt Nam bắt đầu làm được.

Ngoài ra Việt Nam cũng có thể xuất sang châu Âu. Các nước bên đó cũng lệ thuộc nhập đậu nành, bắp, lúa mì như Việt Nam nhưng năm ngoái, khu vực này vẫn xuất xuất khẩu được gần 1,3 triệu tấn thịt gia cầm.

Dù xuất số lượng lớn như vậy, nhưng mỗi năm, châu Âu cũng nhập khẩu gần 800.000 tấn ức gà. Lý do họ thích ăn ức gà, họ xuất chủ yếu cánh, đùi, chân. Trong khi chúng ta coi ức gà là khó xử lý, giá trị không cao bằng nước ngoài. Như vậy, trên lý thuyết, thì EU và Việt Nam bắt tay làm được.

“Châu Âu cũng đang nhập khẩu thịt gà từ Thái Lan, nhưng khi tôi gặp họ thì họ có nhã ý mua thêm một phần từ Việt Nam nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn. Hiện nay, thuế xuất gà từ Việt Nam sang EU cũng thấp hơn từ Thái Lan, do Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với EU”, ông Fluit khẳng định. Sắp tới, ngoài con gà, De Heus sẽ làm thêm chuỗi chăn nuôi heo GlobalGAP để xuất khẩu.

Ông Bạch Đức Lữu, giám đốc cơ quan Thú y vùng 6, cho biết cơ quan này đã tổ chức và chứng nhận cho hơn 400cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại khu vực phía Nam. Các cơ sở này, hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu.

Theo Bảo Ngọc (Thế Giới Tiếp Thị/DV)