Hàng giả ồ ạt tràn vào Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có biểu hiện gia tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm.

Chiều 14.1, Cục Quản lý thị trường tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường năm 2015 và quán triệt chỉ thị số 30/CT-TTCP của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Kinh doanh hàng giả ngày càng gia tăng

Báo cáo của Cục quản lý thị trường chỉ ra, năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 168.837 vụ, tăng 7.598 vụ so với năm 2013, xử lý 93.278 vụ vi phạm, tăng 8.785 vụ so với năm 2013.

Cụ thể, về sản xuất và kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có biểu hiện gia tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm. Tình trạng hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản có biểu hiện gia tăng. Hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau cả tiểu ngạch và chính ngạch. 

Trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 17.396 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giá trị 36 tỉ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện, xử lý tăng 3.388 vụ (24%), giá trị vi phạm tăng 3,9 tỉ đồng (12,1%). Điển hình, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 7,8 tấn vỏ bao bì nilon giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, Knorr, Vedan… Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ trên 3.200 nồi cơm điện và ấm điện giả nhãn hiệu Panasonic.

Về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu diễn ra phức tạp, tập trung vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có thuế nhập cao như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, xăng dầu… Trong năm 2014, lực lượng Quảng lý thị trường đã phát hiện xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với giá trị lên đến 191, 7 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện tăng 4.115 vụ (32,4%), giá trị hàng vi phạm giảm 31,7 tỷ đồng (14,2%).

Để đảm bảo bình ổn thị trường dịp cuối năm 2014 và phục vụ Tết Nguyên đán 2015, Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã chủ trì trên 400 Đoàn, tham gia trên 300 Đoàn công tác liên ngành của địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. 

Về gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp, chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, công nghệ đơn giản, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, nguyên liệu phụ gia thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục phụ gia cho phép sử dụng.Theo Cục Quản lý thị trường tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu đã giảm đáng kể so với trước. Tuy nhiên, do tình trạng ùn tắc hàng hóa phía biên giới Trung Quốc cùng với việc nhiều chủ hàng nâng mức chi phí cho người mang vác thuê dẫn đến hoạt động buôn lậu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những diễn biến mới.

Năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 59.056 vụ vi phạm gian lận thương mại, an toàn thực phẩm với giá trị 121 tỉ đồng. So với năm 2013 tăng 1.282 vụ (2,2%), giá trị vi phạm tăng 15 tỉ đồng (14,6%). Trong đó, việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm có giá trị hàng hóa lớn như: Chi Cục quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ 6 tấn thịt gà phế phẩm quá hạn sử dụng, 230.000 ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật có nguồn gốc Trung Quốc, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai bắt giữ 700kg thịt lợn sữa hôi thối…

Để góp phần hạn chế nhiều hơn nữa việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, năm 2015, Cục quản lý thị trường đề ra kế hoạch đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn thuốc lá điếu nhập lậu, kiểm tra các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng tàng trữ, vận chuyển buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, kiểm tra chất lượng xăng dầu, khí hóa lỏng lưu thông trên thị trường, vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng...

Cần sự phối hợp giữa quản lý thị trường với các bộ, ngành

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hoạt động quản lý thị trường ngày càng phức tạp, lượng hàng hóa lưu thông tăng nhiều cùng với sự hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới và khu vực trong khi khả năng của lực lượng quản lý thị trường chậm được nâng lên để đáp ứng tình hình mới về chất lượng, số lượng, con người và trang thiết bị để làm việc.

Ngoài ra, một bộ phận cán bộ công chức quản lý thị trường tinh thần trách nhiệm chưa cao, thậm chí có những tiêu cực làm cho hiệu quả của quản lý nhà nước về thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu như Chính phủ đề ra và nhân dân kỳ vọng.

Theo Bộ trưởng Hoàng, để đảm bảo ổn định thị trường, cần tập trung rà soát lại hệ thống khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống gian lận thương mại nói chung trong đó hoạt động quản lý thị trường nói riêng nếu không có khuôn khổ thì căn cứ pháp lý triển khai tác nghiệp quản lý thị trường, xử phạt, khắc phục hiệu quả sẽ bị hạn chế. 
Đồng thời, phải phối hợp tốt hơn giữa lực lượng quản lý thị trường với các cơ quan chức năng như bộ đội biên phòng, cơ quan thuế, cảnh sát biển, cơ quan hải quan để có được sự tổng hòa cũng như tận dụng lực lượng của tất cả các ngành chức năng tạo thành sức mạnh tổng hợp để công tác quản lý thị trường được nâng cao hơn.

Theo An Nhiên (Một Thế Giới)