Hồ sơ Panama phơi bày “thế giới tài chính ngầm” ở châu Á

Theo BBC, Hồ sơ Panama tiết lộ nhiều người giàu có và quyền lực trên thế giới đã chuyển hàng trăm nghìn USD tới các tài khoản ở Panama, Hong Kong, Singapore cùng nhiều nơi khác. Sự việc trên có thay đổi được “thế giới tài chính ngầm” ở châu Á?

BBC cho rằng, không chỉ ở Panama, có thể thấy nhiều trung tâm ngân hàng hải ngoại lớn ở châu Á. Singapore, Macao, Dubai và Hong Kong là những điểm đến hàng đầu mà giới siêu giàu toàn cầu thường nghĩ tới khi muốn mở tài khoản ở nước ngoài.

Bản thân hoạt động ngân hàng như vậy không bất hợp pháp. Vấn đề ở chỗ các trung tâm cung cấp dịch vụ từ chối chia sẻ thông tin về các chủ tài khoản và nơi đến của các khoản tiền.

Chuyện gì sẽ xảy ra với thế giới tài chính ngầm của châu Á sau vụ Hồ sơ Panama?

Với câu hỏi liệu vụ việc về Hồ sơ Panama có buộc chính phủ các nước phải minh bạch hơn về thuế hay không? Ông Andy Xie, một nhà kinh tế độc lập tại Trung Quốc và Hong Kong cho rằng, điều đó khó có thể xảy ra bởi hầu hết các khoản tiền như vậy đều được kiếm một cách bất hợp pháp.

Ông đặt câu hỏi: “Bạn sẽ thuyết phục mọi người mở cánh cửa kiểu đó bằng cách nào?”.

Tránh thuế hay trốn thuế

Việc mở tài khoản ở nước ngoài hoặc mở một công ty ở nước ngoài đều hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, có sự khác biệt giữa việc trốn thuế và việc tránh thuế.

Theo ông Paul Lau, chuyên gia về thuế của hãng kiểm toán PricewatherhouseCooper (PwC), trốn thuế là khi một người không trình báo về một khoản thu nhập cần phải báo cáo theo quy định.

Như vậy, nếu bạn có thu nhập ở một tài khoản nước ngoài nhưng lại không khai báo với cơ quan thuế ở đất nước mình đang sinh sống, mà theo luật phải khai báo, thì đó là việc làm bất hợp pháp.

Nhưng tránh thuế lại không rõ ràng như thế. Ông Lau cho rằng, tránh thuế là việc lợi dụng một số điều khoản thuế hay “lỗ hổng” để tránh phải trả thuế.

Các tài khoản ở nước ngoài hầu hết để nhằm trốn thuế.

Điều đó có nghĩa là, nếu bạn tìm được một cách thức hoàn toàn hợp pháp, dựa vào một lỗ hổng nào đó trong luật thuế, để tránh phải trả thuế thì khi đó bạn có thể được cho là không làm điều gì bất hợp pháp.

Không chỉ cá nhân mà còn các tập đoàn khổng lồ

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhận định: "Thế giới này đầy những quốc gia và các vùng lãnh thổ cung cấp các dịch vụ đặc biệt nhằm hỗ trợ che giấu tài sản".

TI cho rằng, đã đến lúc các quốc gia này cần cải tổ thế giới tài chính ngầm mà họ đang điều hành, cũng như cần minh bạch hơn.

Ông Casey Kelso từ TI nói: "Các kế toán, luật sư, những người thành lập doanh nghiệp đều có liên quan. Họ đều kiếm được rất nhiều tiền theo tỷ lệ phần trăm các lợi nhuận từ những giao dịch như vậy".

Tuy nhiên, việc cải tổ những trung tâm ngân hàng như trên không phải dễ. Loại hình kinh doanh này thu hút hàng tỷ USD mỗi năm và nó không phải chỉ từ các cá nhân. Các tập đoàn thu lợi khổng lồ thường đặt văn phòng tại những nơi đánh thuế thấp để tránh phải trả những khoản thuế cao.

Ảnh minh họa.

Theo BBC, những tên tuổi nổi tiếng như Google, Apple, Microsoft, BHP Billiton và Rio Tinto đều thừa nhận đang bị Văn phòng Sở Thuế Australia (ATO) kiểm toán khi đặt đầu mối tiếp thị và cung cấp dịch vụ ở Singapore để nộp thuế ít hơn.

Những hãng trên báo cáo thu nhập hàng trăm triệu USD tại Singapore, nhưng trả thuế ở mức thấp hơn so với mức họ lẽ ra phải trả tại Úc, bởi thuế ở Singapore thấp hơn.

Họ cho biết mình không làm gì sai bởi Singapore là trung tâm kinh doanh quan trọng đối với họ. Trong khi đó, Australia cho rằng, nếu tiền được kiếm từ việc kinh doanh ở Australia thì phải trả thuế ở Australia.

Dù cam kết nhưng khó thực hiện

Trong khi đó, cả Singapore và Hong Kong đều khẳng định rất quan tâm đến việc ngăn trốn thuế và ủng hộ các nỗ lực quốc tế trong việc xử lý các vấn đề xuyên biên giới. Họ cũng cho biết đang nỗ lực ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore khẳng định: "Singapore có quan điểm nghiêm túc đối với hành vi trốn thuế và sẽ không bỏ qua bất kỳ trung tâm kinh doanh và tài chính nào đang hỗ trợ cho các hoạt động tội phạm liên quan tới thuế".

Bộ Tài chính Singapore nói thêm: "Chúng tôi đang xem xét thông tin liên quan tới Hồ sơ Panama và sẽ tiến hành những kiểm tra cần thiết. Nếu như có bằng chứng về việc làm sai trái của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tại Singapore, chúng tôi sẽ có hành động cứng rắn".

Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Á đã cam kết đến 2018 sẽ trao đổi thông tin về thuế theo thỏa thuận Tự động Trao đổi Thông tin do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất.

Singapre, Nhật Bản, Hong Kong và Australia đã đồng ý tham gia thỏa thuận này.

Theo đó, nếu một công dân Australia mở tài khoản tại Singapore thì về mặt lý thuyết, chính phủ Australia sẽ biết được chuyện đó.

Dù vậy, việc thực hiện sẽ rất khó khăn bởi chìa khóa lợi nhuận của các trung tâm tài chính hải ngoại nằm ở việc giữ bí mật cho khách hàng. Nếu không thể giữ bí mật thì khách hàng sẽ không tìm đến để giấu tiền.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.

Theo PHẠM KHÁNH (infonet)