Khoe tài khoản có giao dịch số tiền 'khủng' dễ là bẫy cho người nhẹ dạ

Hiện nay, hóa đơn giả (fake bill) đang được rao bán công khai trên mạng xã hội. "Mặt hàng" này giao thương nhộn nhịn như chợ.

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần phát đi cảnh báo nhưng thời gian gần đây, tình trạng mua bán hóa đơn giả chuyển tiền (bao gồm hóa đơn chuyển tiền và hóa đơn mua hàng – PV) chưa bao giờ nhộn nhịp, công khai như thời điểm này.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "fake bill", "fake bill chuyển khoản", "hóa đơn chuyển khoản hộ", "chuyển khoản hộ"… trên mạng xã hội Facebook sẽ cho ra rất nhiều hội/nhóm "hỗ trợ" lĩnh vực này.

Không chỉ hoạt động bằng các tài khoản cá nhân, mặt hàng này còn được rao bán trên các fanpage, với lượt tương tác cao.

khoe-tai-khoan-co-giao-dich-so-tien-khung-de-la-bay-cho-nguoi-nhe-da

Các hội/nhóm giao dịch hóa đơn chuyển tiền giả (fake bill) hoạt động công khai.

Trong vai người cần hóa đơn chuyển tiền giả để "sống ảo" trên mạng xã hội, fanpage "fake bill chuyển khoản biến động số dư" báo giá dao động từ 45.000 – 100.000 đồng/sản phẩm. Theo fanpage này, sản phẩm ở đây không chỉ là hóa đơn chuyển tiền giả, mà bao gồm cả hình ảnh ghi tin nhắn báo biến động số dư, ảnh chụp căn cước công dân giả…

Liên hệ với nickname Bùi Thoa, người này cho biết, mọi yêu cầu được trao đổi qua Zalo, giá dao động từ 45.000 – 100.000 đồng tùy theo độ khó của sản phẩm.

"Em làm demo trước rồi chuyển cho chị xem, thanh toán thì em trả sản phẩm. Cái gì cũng làm được, kể cả căn cước công dân giả hay tin nhắn biến động số dư, hóa đơn mua hàng nước ngoài…", nickname Bùi Thoa cho hay.

khoe-tai-khoan-co-giao-dich-so-tien-khung-de-la-bay-cho-nguoi-nhe-da

Hiện nay, hóa đơn giả (fake bill) đang được rao bán công khai trên mạng xã hội. "Mặt hàng" này giao thương nhộn nhịn như chợ.

Cũng theo nickname này, khách hàng của những dịch vụ này chủ yếu là những người thích khoe "con số", khoe thu nhập để sống ảo trên mạng, là những người kinh doanh cần tăng độ uy tín để bán được nhiều đơn hàng, hoặc lợi dụng tâm lý cả tin để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Hình thức lừa đảo bằng hóa đơn chuyển tiền giả, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (ANM và PCTPCNC), Công an thành phố Đà Nẵng vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị L.H (trú tại Đà Nẵng) bị lừa đảo chiếm đoạt 70 triệu đồng.

Theo đó, chị L.H là chủ một cửa hàng bán quà tặng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Vào đầu tháng 11/2023, có 01 tài khoản Zalo tên "Mỹ Duyên" kết bạn với chị L.H và tự giới thiệu là giáo viên của một trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

"Mỹ Duyên" ngỏ ý muốn đặt mua một số lượng lớn quà tặng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

khoe-tai-khoan-co-giao-dich-so-tien-khung-de-la-bay-cho-nguoi-nhe-da

Một hóa đơn chuyển tiền giả đang được "dựng" bằng phần mềm photoshop.

Đến ngày hôm sau, tài khoản "Mỹ Duyên" tiếp tục liên hệ chị L.H để nhờ chị đặt hàng 50 giường tầng và 200 nệm cho ký túc xá của nhà trường nhưng chị L.H từ chối vì không kinh doanh mặt hàng, nhưng "Mỹ Duyên" nhanh chóng giới thiệu một tài khoản Zalo khác tên "Quang Phát Coltd" và nhờ chị đứng ra mua hàng hộ với lý do là nhà trường có mâu thuẫn với người này nên không tiện tự đặt.

Khi chị L.H liên hệ với tài khoản "Quang Phát Coltd" thì được người này báo là có sẵn hàng tuy nhiên phải đặt cọc trước 30% tiền hàng là hơn 70.000.000 đồng, mới vận chuyển và hứa sẽ có hoa hồng chênh lệch.

Chị L.H báo tiền cọc cho "Mỹ Duyên" thì "Mỹ Duyên" gửi qua Zalo cho chị hình ảnh chụp hóa đơn chuyển tiền ngân hàng (bill) với số tiền 237.500.000 đồng và liên tục nhắn tin gọi điện hối chị L.H chuyển tiền cọc cho "Quang Phát Coltd" để kịp chuyển hàng trong đêm phục vụ đoàn thanh tra.

Vì cả tin, chị L.H đã ngay lập tức chuyển số tiền hơn 70.000.000 đồng cho "Quang Phát Coltd".

Ngay sau khi lệnh chuyển tiền được thực hiện, chị L.H không thể liên lạc được với tài khoản "Mỹ Duyên" và "Quang Phát Coltd".

khoe-tai-khoan-co-giao-dich-so-tien-khung-de-la-bay-cho-nguoi-nhe-da

Bill chuyển khoản thật sẽ không có đường link như trên hình, đó là trang web giả mạo. Ảnh: Công an Đồng Nai

Khi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng và chưa nhận được số tiền cọc 237.500.000 đồng, chị L.H mới "tá hỏa" phát hiện hóa đơn chuyển khoản đối tượng gửi là giả và đã bị lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo Công an TP Đà Nẵng, hóa đơn chuyển tiền giả không chỉ được thực hiện bằng các phần mềm/công cụ như photoshop, mà còn được thực hiện bằng website. Những hóa đơn chuyển khoản ngân hàng giả rất giống hóa đơn thật. Do đó, nếu người mua hàng, người dân sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đối tượng cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

Bên cạnh đó, nếu để ý kỹ thì hình ảnh "giao dịch thành công" bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...

Ngoài ra, đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng phát đi cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng biên lai chuyển tiền thành công giả của các ngân hàng.

Theo công an tỉnh Đồng Nai, hiện nay các bill chuyển khoản rất dễ bị làm giả thông qua các trang web và ứng dụng như: Fake Money Fake Pay, Fake Money Guide,...

Tuy nhiên, các ngân hàng đều có dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS (tin nhắn) nên người dân nên đăng ký nhận thông báo qua tin nhắn để nhận được thông báo biến động số dư nhanh nhất ngay cả khi không có mạng Internet.

Theo GiaDinh