Lên đời Tổng công ty, MobiFone chọn ai làm đối tác?

“Nên để các công ty tư vấn độc lập nước ngoài đánh giá, thẩm định năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm quản lý kinh doanh để đưa ra được đánh giá công minh, chính xác nhất về các "ứng cử viên", ông Mai Liêm Trực bình luận.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc nâng cấp MobiFone thành Tổng công ty viễn thông.  Theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến 2020, MobiFone hướng tới sẽ trở thành một trong những TĐ, TCT mạnh trên thị trường viễn thông Việt Nam.

Việc nâng cấp MobiFone thành tổng công ty sẽ làm tăng thêm giá trị của DN khi cổ phần hóa. Vậy sau khi đã “lên đời” Tổng công ty,  những bước tiếp theo mà  MobiFone cần làm chuẩn bị cho cổ phần hóa sẽ là gì?

 

mobifone

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc trở thành Tổng công ty sẽ giúp MobiFone thực hiện tốt hơn các hạng mục quan trọng trong quá trình cổ phần hóa như: định giá giá trị công ty, chọn đối tác chiến luợc…

Định giá cao hay thấp?

Là một nhà đầu tư lâu năm ở các thị trường nước ngoài, TS Alan Phan nhìn nhận: Sau Viettel, MobiFone vẫn là một DN thành công và có mạng lưới rất tốt tại Việt Nam. Do đó, việc nâng cấp MobiFone sẽ là bước quan trọng để DN này tiếp tục phát triển.

Để tính toán cho bước cổ phần hóa tiếp theo, ông Alan Phan gợi ý: DN cần tính hết các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá: thị phần công ty, thống kê tài chính, thương hiệu và hệ thống phân phối, công nghệ đặc thù, môi trường địa phương, kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng, bộ máy quản lý….

Chuyên gia tư vấn tài chính thuộc một  ngân hàng lớn ở Bỉ, bà Nguyễn Thị Tường Vân lưu ý, giá trị của MobiFone khi đưa ra cổ phần hóa sẽ phụ thuộc vào giá trị hiện tại và giá trị đồng tiền tương lai. Những số liệu quan trọng như tình hình kinh doanh, doanh thu, chi phí các năm vừa qua, các loại tài sản, nợ, cầm cố… đều cần được công bố đầy đủ và đảm bảo tính trung thực, chính xác để tổ chức tư vấn độc lập có thể đánh giá đúng và đầy đủ giá trị hiện tại của MobiFone.

Theo bà Vân, bài học nhãn tiền cần rút kinh nghiệm là khi hợp tác liên doanh và cổ phần hóa DN nhà nước đã không dự báo được đầy đủ tiềm năng phát triển trong tương lai của một số DN nên giá trị đưa ra cổ phần hóa hoặc góp vốn liên doanh thấp hơn nhiều giá trị thực.

Để khắc phục hạn chế này, tới đây, các công ty tư vấn độc lập có thể giúp MobiFone trong vấn đề này.

Đứng trên quan điểm một nhà đầu tư, TS Alan Phan cho rằng, hãy cứ để thị trường quyết định.

Theo quan điểm cá nhân ông, những tổ chức được gọi là cơ quan định giá độc lập ngay cả như PricewaterhouseCoopers hay Morgan Stanley khi nhận tiền từ doanh nghiệp muốn cổ phần hóa thì cũng đã không độc lập được nữa, làm cho việc định giá về cơ bản đã bị “méo mó”. Chỉ có một nơi định giá chính xác nhất là người bỏ tiền ra mua “món hàng” đó, thành ra chỉ có giá thị trường mới là tổ chức định giá độc lập nhất.

Trong khi đó giá thị trường luôn luôn điều chỉnh. Ví dụ như cổ phiếu Facebook khi IPO, thị trường không tin doanh nghiệp này có giá khoảng 160 tỷ USD nên khi chào bán, giá giảm 15-20%. Nhưng thời gian sau đó, với doanh thu và lợi nhuận mang lại tăng cao, giá trị Facebook lên đến 200 tỷ USD.

Lựa chọn đối tác chiến luợc

Một bước quan trọng khác mà MobiFone cần lưu ý đó là chọn đối tác chiến lược.

Trong quá khứ, MobiFone từng bén duyên với Comvik International Việt Nam (CIV) thuộc tập đoàn Kinnevik (Thụy Điển. Comvik đã sát cánh với MobiFone từ lúc còn hai bàn tay trắng, giúp đỡ trong việc xây dựng mạng luới và cử chuyên gia giỏi làm việc trong thời gian đầu thành lập. Đến 2005, Comvik và Mobiphone chính thức chia tay, Comvik đã rút khỏi thị trường VN.

“Sau 10 năm, chúng tôi dự kiến doanh thu chia ra khoảng hơn 350 triệu USD cho mỗi bên nhưng kết quả mỗi bên nhận được đến 550 triệu USD (gần gấp rưỡi dự tính ban đầu)”, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin truyền thông)– Đỗ Trung Tá nhớ lại.

Chính vì mối cơ duyên nói trên, nên hiện nay rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới việc MobiFone sẽ chọn ai làm đối tác chiến lược. Trong hay ngoài nước?

Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT, ông Mai Liêm Trực, người đã từng phụ trách doanh nghiệp này nhận định: “MobiFone nên lựa chọn từ một đến hai cổ đông chiến lược, trong đó có thể có một Doanh nghiệp nước ngoài, vì MobiFone đã có 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động liên doanh cùng Comvik của Thụy Điển, rất chuyên nghiệp và đạt hiệu quả tốt”.

TS Trực cho rằng cần xác định rõ những tiêu chí, yêu cầu đối với một cổ đông chiến lược. Ở đây nên để các công ty tư vấn độc lập nước ngoài đánh giá, thẩm định năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm quản lý kinh doanh để đưa ra được đánh giá công minh, chính xác nhất về các "ứng cử viên".

TS Alan Phan phân tích thêm, trên thị trường DTDD thế giới, cung hiện nay nhiều hơn cầu và tại phần lớn các thị trường Âu Mỹ, sức cạnh tranh rất lớn nên mức lợi nhuận không cao. Việc đầu tư vào công nghệ mới và hệ thống 4G, 5G khá tốn kém. T-Mobile muốn bán công ty đang hoạt động ở Mỹ 2 năm nay, nhưng chưa có người mua.

“Không tính các nhà đầu tư quốc nội, tôi nghĩ câu hỏi nên là những đối tác quốc tế nào sẽ chọn liên doanh hay làm cổ đông chiến lược cho MobiFone hơn là ngược lại”, ông Alan Phan nói.

Theo Vietnamnet