Lý do nông sản Việt bị Trung Quốc khống chế đầu ra

Bởi cách làm manh mún, chỉ biết lợi trước mắt nên nông sản Việt phải bán rẻ cho thị trường dễ tính Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 2 năm 2017 với 35,9% thị phần.

Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2017 đạt 242.000 tấn và 112,8 triệu USD, tăng 51,3%  về  khối  lượng  và  tăng  58,1%  về  giá  trị  so  với  cùng  kỳ  năm  2016.

Lý do nông sản Việt bị Trung Quốc khống chế đầu ra

Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cả về số lượng và giá trị. Ảnh minh họa

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Gana (giảm 63,5%), Hong Kong (giảm 43,8%), Malaysia  (giảm 43,1%),  Singapore (giảm 34,9%) và Bờ  Biển  Ngà (giảm 15,1%).

Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 năm 2017 đạt 426 USD/tấn, giảm 1,6%  so với cùng kỳ năm 2016.

Việc gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm về khối lượng và giá trị là điều dễ hiểu khi cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã "cổ lỗ sĩ" và cho đến nay không còn phù hợp.

TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NN-PTNT) từng chia sẻ, gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị chê chất lượng thấp, thậm chí, bán sang châu Phi còn bị “lắc đầu”.

Ông dẫn một nghiên cứu quốc tế so sánh giá lúa gạo thế giới, trong đó cùng loại gạo 25% tấm thì gạo của Việt Nam giá thấp nhất và là đại diện cho biến động giá lương thực nội địa của các nước đang phát triển như châu Phi.

"Có một điều rất buồn cười trong cách làm tiếp thị gạo của Việt Nam. Trong khi Thái Lan luôn tách riêng tấm và gạo, gạo chất lượng cao được họ bán với giá cao, còn tấm bán riêng với giá rẻ, thậm chí tại châu Phi, giá tấm của Thái Lan gần bằng giá gạo 25% tấm.

Nhưng Việt Nam không làm thế. Mặc dù năng lực xay xát của Việt Nam thừa sức làm ra gạo 5% tấm nhưng vì hợp đồng của Vinafood mang về yêu cầu gạo 25% tấm, thế nên doanh nghiệp lại phải trộn thêm tấm vào gạo cho dễ bán, vô hình trung kéo tất cả giá xuống thấp. Sự ngược đời này cực kỳ sai lầm, cho thấy sự hạn chế về cách tổ chức chuỗi giá trị lẫn chiến lược thị trường của Việt Nam", TS Đào Thế Anh cho biết trên Đất Việt.

Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp độc lập Vũ Trọng Khải cũng từng thẳng thắn chỉ ra rằng, với cách làm hám lợi, chụp giật thì nông nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có thể bán cho Trung Quốc.

Ông dẫn câu chuyện của chè Việt Nam ra làm ví dụ. Theo đó, Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất chè lớn nhất thế giới, tuy nhiên, giá xuất khẩu lại ở mức thấp nhất thế giới, thậm chí chè Việt Nam còn bị một số thị trường chê, trả lại hàng.

Cách đây vài năm, hàng loạt lô chè xuất khẩu sang châu Âu bị trả về do có hàm lượng hóa chất vượt quá mức quy định. Điều đáng nói các hợp chất này vẫn được Việt Nam cho phép sử dụng nhưng lại cấm bị sử dụng ở các nước châu Âu.

Đầu những năm 2000, thương lái Trung Quốc đổ xô thu mua chè vàng nguyên liệu tại Việt Nam với giá quá cao rồi mang về Trung Quốc sản xuất chè vàng chính hiệu. Lợi nhuận trước mắt đã làm người trồng chè đổ xô đi hái chè không tuân theo kĩ thuật. Người dân còn trộn cả các loại chè khác không phải chè Shan Tuyết, bỏ lẫn tạp chất vào và thương lái Trung Quốc không thu mua.

Một bài học cay đắng khác là vào năm 2011 thương lái Trung Quốc cố tình thu gom chè bẩn khiến người dân đã trộn cả trộn phân lân, bột đá, bùn, chất thải làm ngành chè lao đao.

"Một nền nông nghiệp không được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm là một nền nông nghiệp đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp thì không có nước nào dám mua sản phẩm của nền nông nghiệp ấy.

Một nền nông nghiệp mà nông dân sản xuất một cách manh mún và tùy tiện, công nghiệp chế biến nông phẩm lạc hậu, doanh nghiệp làm ăn chộp giật, chỉ biết lợi ích trước mắt, không tạo dựng được liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì tất nhiên điều đó phải xảy ra", chuyên gia Vũ Trọng Khải nói.

Ông cho biết, khi chất lượng và khối lượng nông phẩm không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước phát triển, buộc phải bán rẻ cho các thị trường dễ tính như Trung Quốc.

"Có người từng hỏi, Bộ Nông nghiệp có thể đa dạng hóa thị trường để giảm xuất khẩu sang Trung Quốc được không? Câu trả lời có thể khẳng định là không, Việt Nam không thể xuất cho ai ngoài Trung Quốc với nền nông nghiệp hiện nay", vị chuyên gia nhận định.

Theo Minh Thái/Báo Đất Việt