Mất 13 năm xây dựng nhưng mộ của Từ Hy vẫn bị trộm một cách thô thiển

Được xem là người phụ nữ quyền lực nhất Trung Hoa vậy nên có nằm mơ thì thái hậu Từ Hy cũng khó mà tưởng tượng nổi nơi an nghỉ tôn nghiêm của mình lại bị những kẻ phàm phu xâm phạm và cướp bóc đến mức chẳng còn gì.

Mất 13 năm xây dựng nhưng mộ của Từ Hy vẫn bị trộm một cách thô thiển

Tên trộm mộ to gan này chính là Tôn Điện Anh, do khuôn mặt bị rỗ nên còn được gọi là Tôn Ma Tử. Vốn là kẻ mê cờ bạc và thông thạo các ngón cờ bạc bịp, lại lăn lộn trên giang hồ từ nhỏ nên tính tình của y rất ngang tàng và liều lĩnh.

Tại sao Tôn Điện Anh đi trộm mộ?

Mất 13 năm xây dựng nhưng mộ của Từ Hy vẫn bị trộm một cách thô thiển
Chân dung Tôn Điện Anh - kẻ to gan dám trộm mộ của vị thái hậu quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc.

Nhờ những mánh khóe và sự gian manh của mình mà Tôn Điện Anh quen biết rộng với nhiều tay đại ca máu mặt. Sau khi gia nhập và nhanh chóng leo lên chức thủ lĩnh của Miếu Đạo hội – một hội chuyên buôn bán thuốc phiện với vỏ bọc là tổ chức tôn giáo tốt đẹp được thành lập từ cuối thời nhà Thanh. Hoành hành cả vùng Lạc Dương đến năm 1922 thì y bị bắt. Cất công nhờ vả các mối quan hệ cũ, y không những thoát nạn mà còn được cất nhắc lên làm phó quan, tập hợp các giáo đồ Miếu Đạo hội về dưới trướng và rồi quy thuộc lực lượng quân phiệt của Tưởng Giới Thạch.

Năm 1928, các thế lực quân phiệt đấu đá tranh giành quyền lực khiến dân chúng lầm than, quốc khố cạn kiệt. Lo sợ cứ tình hình này thì chẳng mấy chốc mà lính tráng tan rã và bản thân thì khó giữ được mạng giữa buổi chiến loạn. Bần cùng sinh đạo tặc, Tôn Điện Anh như bừng tỉnh và liền lên kế hoạch tỉ mỉ cho phi vụ trộm mộ động trời sắp tới. Trùng hợp làm sao khi lúc này quân của Tôn đang đóng ở Tuân Hóa, kề cận Thanh Đông lăng.

Dùng thuốc nổ phá lăng và vơ vét sạch sẽ 

Mất 13 năm xây dựng nhưng mộ của Từ Hy vẫn bị trộm một cách thô thiển
Lối vào lăng mộ của Từ Hi Thái hậu.

Lăng mộ trải qua 13 năm xây dựng, hao phí hàng triệu vạn lượng bạc, được xưng là "Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt", Thái hậu Từ Hy và đội ngũ cận thần lo việc xây mộ thời đó kỳ vọng đây sẽ là khu vực bất khả xâm phạm. Và quả thực khu lăng mộ của Từ Hy đã được yên ổn trong suốt 20 năm cho đến một ngày tháng 10 năm 1928. Tôn Điện Anh – quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của Quốc Dân Đảng dùng pháo binh phá sập cánh cửa làm bằng nhiều tầng đá hoa cương cứng rắn. Đây cũng là lần đầu tiên thuốc nổ được đưa vào phục vụ cho việc trộm phá lăng mộ.

Dù đã có sự chuẩn bị nhưng những toán lính đầu tiên bước vào vẫn không khỏi rợn người bởi từng luồng khí lạnh trong hầm mộ theo cửa hang thoát ra. Bên ngoài cửa mộ, họ Tôn đã cho một toán vệ binh canh gác chặt chẽ nhằm xử lý tại chỗ những kẻ có ý đồ muốn hớt tay trên.

Đặc biệt nhất là lúc bật nắp quan tài, Thái hậu Từ Hy có diện mạo như vẫn còn sống, cộng với luồng ánh sáng từ ngọc ngà châu báu khiến binh lính nhìn đến ngơ ngẩn. Tương truyền khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu có thể phát sáng trong đêm; trên cổ đeo 3 xâu chuỗi trân châu và ngọc bảo thạch; mình mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc.

Mất 13 năm xây dựng nhưng mộ của Từ Hy vẫn bị trộm một cách thô thiển
Quan tài của Từ Hy Thái hậu bị phá nát.

Đáng tiếc, dù đã suy tính cẩn thận cho sự an nghỉ của mình thì vị Thái hậu quyền uy bậc nhất một thời cũng không thể ngăn nổi lòng tham của những kẻ phàm phu. Thi hài của Từ Hy Thái hậu bị lôi ra khỏi quan tài, hạt minh châu đang ngậm bị binh lính cạy miệng lấy ra. Trong lúc tranh giành báu vật, có 3 sĩ quan đã bị bắn chết. Cuối cùng, theo những gì sử sách Trung Hoa còn ghi lại, trong đợt đạo mộ này, Tôn Điện Anh đã vơ vét sạch sẽ và chỉ để lại cho Từ Hy đúng một... chiếc quần lót trên người.

Thông tin về vụ trộm mộ vô tiền khoáng hậu của họ Tôn nhanh chóng lan ra toàn Trung Quốc. Trước sức ép của dư luận, Tưởng Giới Thạch phải ra mệnh lệnh: "Những kẻ liên quan phải truy bắt tới cùng, ra sức điều tra, không được buông lỏng". Thấy nguy hiểm gần kề, Tôn Điện Anh móc nối các mối quan hệ để “được dâng tặng” cho Tống Mỹ Linh – đệ nhất phu nhân của Tưởng Giới Thạch nhiều báu vật trộm được, trong đó có chiếc mũ phụng hoàng gắn ngọc trân châu cực lớn của Từ Hy Thái hậu.

Mất 13 năm xây dựng nhưng mộ của Từ Hy vẫn bị trộm một cách thô thiển
Từ Hy Thái hậu với kiểu búi tóc sang hai bên rất phổ biến trong triều Thanh khi đó.

Đồng thời, Tôn Điện Anh hối lộ cho nhiều quan chức có máu mặt khác những món đồ cổ có giá trị liên thành hòng thoát tội. Và y đã được bình an vô sự như mong muốn, cho đến khi bị bắt giữ và chết năm 1946.

Dù với lý do gì đi nữa thì vụ trộm mộ của họ Tôn đã trở thành một sự kiện cực lớn, thu hút sự bàn tán và chỉ trích của nhiều người. Đặc biệt là những tổn thất cho ngành sử học trong quá trình phục dựng lại khu lăng mộ hoành tráng bậc nhất này. Bên cạnh đó, việc Từ Hy Thái hậu với quyền lực tối thượng lúc còn sống, khi mất đi được an táng với muôn vàn bảo vật để rồi thu hút bọn trộm đến quấy phá đến thảm hại cũng là vấn đề khiến người người phải cảm thán thay.

Ảnh: Internet

Theo Bestie