Muôn kiểu thần dược giả khiến đại gia nếm trái đắng

Bỏ hàng chục, hàng trăm triệu mua "thần dược", thuốc quý về tẩm bổ, song không ít người ngã ngửa khi mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Chưa khi nào việc mua các loại thảo dược, thuốc quý lại dễ dàng khi chỉ cần lên mạng, tràn lan các loại "thần dược" với đủ công dụng, mức giá đắt rẻ. Trên mạng, sâm Ngọc Linh loại 10 củ/kg, giá lên đến 35 triệu đồng/kg. Còn loại nhỏ hơn (15 – 20 củ/kg), giá khoảng 20 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, tình trạng thần dược giả không hiếm. Tam thất hoang là một trong những loại được dân buôn lựa chọn để "nhái" sâm Ngọc Linh, bán với giá cắt cổ.

Tỏi đen thần dược được quảng cáo có những công dụng tốt cho sức khỏe nhưng cũng là loại được "nhái", giả khá nhiều, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Tỏi đen Lý Sơn khá quý và có giá đắt đỏ. Chúng có kích thước khiêm tốn, nếu so với tỏi Trung Quốc hay tỏi các nơi khách thì chỉ bằng một nửa hay hai phần ba. Tỏi Lý Sơn khi bóc ra không có lõi ở giữa.

Bỏ từ 2- 3 triệu đồng mua nấm lim xanh, được quảng cáo chữa ung thư, song không ít người nếm trái đắng, mất tiền oan vì các loại nấm không rõ nguồn gốc hoặc là nấm mọc trong rừng, không phải nấm mọc trên cây lim xanh.

Nấm lim xanh tự nhiên có hình thức xù xì, xấu xí hơn so với nấm được trồng trong môi trường nhân tạo. Nấm lim xanh tự nhiên có màu vàng hoặc nâu xám ngả đen. Mặt trên của cây nấm có nhiều chỗ bóng như sừng còn mặt dưới thì mịn màng như nhung và còn có những chỗ nhỏ li ti do sâu đục.

"Thần dược" cổ linh chi bồi bổ sức khỏe, được bán với giá bạc triệu từng gây "sốt" một thời gian dài. Tuy nhiên, không phải người mua nào cũng đủ kinh nghiệm để chọn nấm "chuẩn", mà chủ yếu dựa vào lời quảng cáo của người bán.

Theo các chuyên gia, việc phân biệt nấm bằng mắt thường rất khó, nhất là khi nấm cổ linh chi ở dạng khô và có hàng nghìn loại nấm khác nhau. Nhưng loại nấm cổ linh chi thật cũng chỉ có giá trị chữa bệnh khi nó được phát triển trên giá thể gỗ lim hoặc trên bột gỗ lim. Do đó, việc đổ xô mua nấm cổ trên mạng không tránh được bị lừa mà không hay biết.

Vì đông trùng hạ thảo hiếm nên hàng giả làm bằng thân củ của địa tàm và thảo thạch rồi cắm cỏ vào, có loại được làm từ bột ngô, bột mạch, thạch cao. Một số trùng thảo giả được sản xuất bằng cách gia công ép màng nên bên ngoài có màu trắng ngà, hình sâu non nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt. Khi cầm lên thấy nặng, không nhẹ bông như trùng thảo thật.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam: "Đông trùng hạ thảo thật thì ninh lâu vẫn dai, không mủn, cọng cỏ ở đầu không nát, khi ninh tỏa ra mùi thơm, tanh như cá… Hàng giả có cạnh gờ hơi cong, bên ngoài có màu vàng nhạt, dài độ 2 – 3cm, đường kính 0,1 – 1cm, giòn hơn so với thông thường, khi cắt ra thì có màu trắng".

Theo Ngọc Linh (KT)