Mỹ phẩm ngoại: Từ hư da đến ung thư

Thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng, nhập khẩu có chất gây ung thư, làm rộp da và mảng trắng bất thường có thể khiến quý cô chùn tay mua hàng hay phải đổi nhãn hiệu.

Cục quản lý dược đã đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. HCM lấy mẫu mỹ phẩm Revlon để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trước đó, có tin sản phẩm này có chứa chất gây ung thư.

Theo đó, các chất cần tập trung xác định hàm lượng bao gồm butylated (BHA, BHT), Quanternium-15, Formanderhyde, Parabens, Octinoxate, Resorcinol, p-Phenylenediamin trong một loạt dòng hàng làm đẹp như thuốc nhuộm tóc, mascara, phấn trang điểm, chì kẻ mắt.

Nhà nhập khẩu, công ty TNHH TM DV Nối Kết Mới (TP. HCM) sẽ phải phối hợp vá báo cáo về tình hình nhập khẩu, chất lượng và phân phối. Trước đó, Trong một cuộc khảo sát mới của Quỹ Ung thư vú và Chiến dịch Mỹ phẩm An toàn tại Mỹ đã công bố, mà báo trong nước đưa lại, những thông tin gây hoang mang cho phái nữ. Hai tổ chức này cho rằng các sản phẩm mỹ phẩm của công ty Revlon có gây ung thư và các hóa chất phá vỡ hormone.

                              Những sản phẩm chăm sóc da Derma Energy. Ảnh minh họa

Trong khi đó, một tên tuổi lớn khác, Daiichi Sankyo của Nhật Bản, khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, tuyên bố một đợt thu hồi khá lớn đối với sản phẩm chăm sóc da Derma Energy, theo Japan News.

Daiichi Sankyo Healthcare Co. cho biết họ đã ngừng bán loại kem dưỡng da chủ yếu dành cho khách hàng trong độ tuổi 40 trở lên sau khi nhận hơn 270 phàn nàn từ người Derma Energy khi da của họ bị phồng lên hoặc bị ngứa sau khi dùng sản phẩm này. Daiichi Sankyo đưa ra thông báo: "Nếu khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm, triệu chứng của họ sẽ giảm bớt trong hai hoặc ba tuần. Chúng tôi thực sự xin lỗi đã gây phiền phức cho người sử dụng”. Công ty cho biết họ sẽ bồi thường cho khách hàng có yêu cầu.

Có 137.000 sản phẩm Derma Energy đã được bán ra kể từ tháng 7 năm ngoái. Một thương hiệu Nhật Bản khác, Kanebo Cosmetics Inc,.hồi tháng 7 năm nay, đã thông báo tự nguyện thu hồi mỹ phẩm thành phần có chứa Rhododenol – có thể gây ra các mảng trắng bất thường trên da. Việc này khiến công ty nhập khẩu, công ty TNHH TM LK (Hà Nội), phải ra công văn thu hồi đến 17 sản phẩm. Từ đó, Cục quản lý dược đã đình chỉ lưu hành danh sách 17 mỹ phẩm làm trắng da này.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có gần 800 cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, trong đó khoảng 70 doanh nghiệp nhập khẩu, 20 cơ sở sản xuất, trên 100 cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và trên 400 cửa hành kinh doanh, tập trung chủ yếu tại địa bàn các quận nội thành cũ như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Bên cạnh việc mỹ phẩm ngoại chưa chắc đã an toàn và hiệu quả về chất lượng, còn không ít những trường hợp mỹ phẩm ngoại bị làm giả, trà trộn vào thị trường Việt Nam. Ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, sức khỏe và tiền bạc của người tiêu dùng. 

                                              Cẩn trọng mỹ phẩm giả. Ảnh minh họa

Ngoài việc kinh doanh mỹ phẩm có giấy phép lưu hành của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, đa phần cơ sở kinh doanh do hám lời hoặc thiếu hiểu biết đã kinh doanh nhiều loại mỹ phẩm không có giấy phép lưu hành, bán các loại mỹ phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng… Điển hình như ngày 14/10, QLTT Hà Nội kiểm tra phát hiện 2 cửa hàng tại  C2 Phạm Ngọc Thạch và phố Hàng Điếu, đã phát hiện tạm giữ trên 150 sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, phấn, nước hoa, nước tẩy trang, chải mi, dầu dưỡng tóc… giả các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như L'Oréal, Maybelline và Lancôme.

Chỉ trong 2 năm qua, lực lượng chống buôn lậu Công an Hà Nội đã phát hiện, xử lý trên 50 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, trị giá hàng tịch thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính với mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Trong khi lợi nhuận cao, từ 20-30% nên hoạt động kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu đến nay vẫn còn phức tạp.

                                                                                                                          Theo Hồng Nhung (NTD)