Ngày đầu tiêm vắc xin đăng ký qua mạng và “góc khuất” thiếu công bằng

Nhiều người cho rằng, việc áp dụng đăng ký qua mạng khiến nhiều người ở ngoại thành khó tiếp cận dịch vụ nhưng để vừa lòng tất cả mọi người thì cũng là điều không thể.

Sau sự việc “vỡ trận” đăng ký tiêm vắc xin tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh (xảy ra ngày 25/12), ngành y tế nói chung và Hà Nội nói riêng đã phải họp bàn để đưa ra cách thức đăng ký làm sao để không còn tình trạng xô lấn, chen đẩy. Sau 3 ngày họp bàn các phương án, cuối cùng Hà Nội đã chọn cách thức đăng ký trực tuyến qua mạng và sẽ tiến hành vào “giờ đẹp” đó là 9 giờ ngày 29/12/2015.


Chỉ trong vòng hơn 3 phút, 3.200 liều vắc xin đều đã "có chủ".

Có lẽ do “giờ đẹp”, cũng như hiệu ứng của cơn “sốt” vắc xin dịch vụ, nên chỉ trong vòng 3 phút 40 giây, 3.200 liều vắc xin đã chính thức được thông báo đã “có chủ”. Chính vì sự nhanh chóng và “êm đẹp” quá mức này mà không ít người đặt ra nghi ngờ về tính minh bạch cũng như việc liệu có những con số ảo trong đó.

Tuy chưa biết “ảo” đến đâu, nhưng đối với những bậc phụ huynh đã đăng ký thành công liều vắc xin PENTAXIM với giá 730.000 đồng qua mạng thì mừng rơi nước mắt. Thậm chí có phụ huynh còn chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng: “Đã tập luyện mỏi tay, ngồi canh nhiều giờ đồng hồ liên tục và chỉ đợi đến giờ để bấm nút và kết quả là đã có một phiếu trong tay”.


Giá một liều vắc xin PENTAXUM được tiêm ở Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội là 730.000 đồng.


Tuy phải mất tiền, nhưng chỉ cần đăng ký và tiêm được vắc xin Pentaxim cho con đó là "món quà" lớn đối với nhiều gia đình trước thềm năm mới.

Niềm vui là không thể kể xiết đối với những bậc phụ huynh nói trên, tuy nhiên với nhiều ông bố, bà mẹ mặc dù cũng “canh vắc xin”, thậm chí là cả gia đình với 5-7 người cũng “canh” với hy vọng giành một phiếu đến 70 Nguyễn Chí Thanh, nhưng cuối cùng vẫn lắc đầu ngao ngán vì “chậm chân”.

Để chia vui với những gia đình đã đăng ký thành công và có phiếu hẹn trên tay, sáng 30/12, phóng viên đã có mặt tại điểm tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh. Theo thông tin từ GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, trong ngày 30/12 trung tâm sẽ tiêm 300 liều, mỗi buổi 150 mũi và để tránh ùn tắc trung tâm chia 50 trẻ một khung giờ.

Tại đây, theo quan sát của phóng viên ngoài những nét mặt “tươi rói” của những ông bố, bà mẹ đã có phiếu tiêm trong tay, thì nhân viên thu tiền cũng vui ra mặt vì lâu rồi mới có một đợt vắc xin về và mới được đếm nhiều tiền đến vậy(!)?


Niêm vui của phụ huynh đưa con đi tiêm và cả của nhân viên y tế.

Thậm chí, đối với các bậc phụ huynh, sau khi tiêm xong cho trẻ và ngồi theo dõi 30 phút họ cười đùa rôm rả, chia sẻ râm ran về việc đăng ký thành công mũi vắc xin như: “Tôi phải làm như thế này? Tôi phải dùng thủ thuật, hay 4 người ngồi 4 máy tính, may là có 1 người đăng được…

Tâm trạng này hoàn toàn khác so với cách đây 2 tháng cũng tại phòng tiêm này,  khi đó tôi đưa con gái đi tiêm vắc xin Quinvaxem. Trong phòng tiêm, phòng chờ tiêm lúc đó, ngoài những tiếng khóc thét của trẻ vì mũi tiêm chọc vào cơ thể, thì các ông bố bà mẹ mặt đều đăm chiêu lo lắng, thậm chí có người đã tiêm nhưng lo sợ không dám về nhà sau 30 phút vì sợ làm sao thì “nước xa chẳng cứu được lửa gần”.


Dù muốn nhưng mẹ con chị Thủy không có điều kiện để tiêm vắc xin Pentaxim cho con.

Thực tế, trong ngày 30 /12 này cũng vậy, ngay tại 70 Nguyễn Chí Thanh, trong một góc khuất của khu khám sàng lọc, cháu Nguyễn Đăng Phong (18 tháng tuổi) con chị Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) đã trực tiếp nói với vị đứng đầu ngành y tế Hà Nội trong sự ấm ức: “Các bác làm thế là không công bằng, có phải ai cũng có mạng để đăng ký đâu. Chồng tôi mới tai nạn, con tôi đến này đã 18 tháng chưa được tiêm nhắc lại, mà đâu phải nhà nào cũng có máy tính, có người thành thạo mạng để đăng ký”.

Ngay lúc đó, cả cán bộ y tế và hai vị giám đốc (GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền và GĐ Trung tâm y tế Dự phòng Nguyễn Nhật Cảm) đều khuyên nhủ và tư vấn chị Thu tiêm vắc xin Quinvaxem, sau đó vì công việc gia đình bộn bề, và chẳng biết bao giờ mới có vắc xin PENTAXEM nữa nên chị Thu đã nhận lời tiêm vắc xin Quinvaxem với vẻ mặt chẳng được vui tươi như những người đã đăng ký thành công Pentaxim qua mạng trước đó.


Hai vị giám đốc "vi hành" kiểm tra trong ngày đầu tiêm Pentaxim bằng cách đăng ký qua mạng.

Nói về vấn đề này, GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho rằng, đăng ký qua mạng vừa tiết kiệm thời gian, công sức của người dân và vừa khách quan công bằng. “Việc đăng ký qua mạng cũng như xếp hàng, ai đến trước thì được trước, ai đến sau thì hết số…Do số lượng vắc xin có hạn, nên chúng tôi cũng không biết phải làm sao”, vị giám đốc cho biết.

Thiết nghĩ, nhu cầu tiêm vắc xin cũng như chọn loại vắc xin nào để tiêm cho con là quyền của mỗi phụ huynh. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào đi chăng nữa, các nhà quản lý cũng nên cân nhắc tính công bằng.

Bởi, ngay ở nơi gọi là Thủ đô của đất nước, điều kiện sống của những người sống tại Ba Vì khác hoàn toàn so với ở Đống Đa, có thể họ có đủ tiền để tiêm dịch vụ cho con, nhưng họ không thể vì thế mà mua một bộ máy tính mới, kéo đường dây mạng về để đăng ký.

Theo Minh Phương (GĐVN)