Ngày khai trường và nỗi niềm "tự nguyện"

Tiếng trống trường rộn rã đang tiếp bước hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới.

Tiếng trống trường rộn rã đang tiếp bước hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới. Đã từ rất lâu nay, song hành với niềm hân hoan của trẻ, là sự thấp thỏm của các bậc phụ huynh về các khoản phí ngoài danh mục vẫn được gắn với cái tên thân mến “tự nguyện”.

Đôi khi có một chút le lói cải thiện tình hình từ những chủ trương, quy định đầy nghiêm khắc từ Bộ Giáo dục về việc cấm lạm thu, nhưng dần rồi các bậc làm cha làm mẹ cũng hiểu ra rằng hai chữ “tự nguyện” đã có thể nắn mềm mọi quy tắc.

Trong buổi họp phụ huynh lớp 1 cho con đầu năm ngoái, cô giáo chủ nhiệm đề xuất với ban phụ huynh rằng 2 chiếc máy điều hòa của lớp giờ đã cũ, không đảm bảo chất lượng và... không sửa được, đặc biệt khoản này nằm ngoài danh mục bao cấp, nên đề nghị tập thể phụ huynh góp kinh phí mua mới.

Vậy là cả tập thể 45 con người đều rất nhanh trí và tự nguyện hiểu rằng mỗi người cần nộp một khoản để thay thế 2 chiếc điều hòa, kèm theo đó là lời hứa “khi các con lên lớp 2 sẽ tháo ra và lắp theo lớp cho hết 5 năm thì tặng lại cho trường”.

Mọi đề xuất mua điều hòa rẻ tiền đều bị cô giáo chủ nhiệm gạt phăng và quyết phương án loại xịn nhất. Trường còn yêu cầu phụ huynh lấy hóa đơn mua và đưa tất cho trường để... tiện quản lý.

Năm nay lên lớp 2, các phụ huynh nhao nhao đề xuất lắp điều hòa lên phòng mới, nhưng nào ngờ lớp bị chia nhỏ làm 5 phần tản mát, vậy là bộ điều hòa thuộc về nhà trường.

Và đáng nói là các em học sinh lớp 1 mới vào lại phải đóng góp khoản... mua mới điều hòa nữa.

Trong khi theo lời những người thợ lắp điều hòa thì những chiếc máy kia còn rất mới, chỉ bảo dưỡng là chạy tốt, và kho của nhà trường đang đầy ắp những bộ điều hòa như vậy sắp được bán thanh lý.

Ngày khai trường và nỗi niềm “tự nguyện”

Rồi buổi họp phụ huynh lại tiếp tục với la liệt các khoản đóng góp khác mà nghe qua đều hợp lý, nhưng phân tích ra thì đều trùng lặp. Nào là kinh phí xây dựng trường, tiền mua máy chiếu, loa đài, dụng cụ học tập, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, tiền báo Nhi đồng (dù các em chưa biết đọc)...

Tất cả những khoản phí này, nếu khoản nào có trong danh sách được phép thu của Bộ Giáo dục thì phụ huynh chỉ ký nộp, tất cả các khoản còn lại phụ huynh vừa phải nộp tiền vừa phải làm đơn “tự nguyện” xin nộp với lý do đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt cho các cháu.

Chỉ vài ngày nữa thôi là khắp toàn quốc lại có những buổi họp phụ huynh đầu năm mà ai cũng đã phát ớn khi biết nội dung chính là những khoản thu và hàng loạt các loại đơn kiểu này.

Bộ Giáo dục có biết không, xin thưa và chắc chắn rằng họ đều biết cả, nhưng đành chịu bó tay với 2 chữ “tự nguyện” vì nó chính đáng và hợp lý quá.

Xoay góc nhìn khỏi các tỉnh, thành phố lớn, đến với những vùng còn nhiều khó khăn. Cách đây ít ngày, nhiều người đã phải lặng đi khi đọc thông tin về một học sinh buôn làng Tây Nguyên bước vào năm học lớp 6 với bộ đồng phục cũ.

Em thấy tủi thân cộng với sự bốc đồng tuổi mới lớn, em đã lẳng lặng đi thẳng vào rẫy cà phê trên đường và tự tử. Cái chết thương tâm của em đã thức tỉnh chúng ta rằng, vẫn còn vô số sự khó khăn đang hiển hiện ở đâu đó, chỉ có rằng nó không ở bên cạnh để nhắc nhở ta mà thôi.

Hiện vẫn còn không ít nơi, ngày khai giảng, tiếng trống trường không nổi lên thúc giục, thay vào đó các thầy cô giáo trẻ phải vất vả lặn lội đến từng nhà người dân vận động trẻ em đi học; vẫn còn nhiều em nhỏ, ngày ngày qua sông, qua đò, vượt đồi băng núi đi tìm con chữ với đôi chân trần và cái bụng lép kẹp.

Dẫu biết rằng niềm vui không bao giờ là hoàn toàn trọn vẹn, nhưng hẳn cách ứng xử của nhà trường, thầy cô giáo ở các thành phố lớn, sẽ tác động rất nhiều đến cảm nhận của các em.

Muốn dẹp bỏ tư tưởng thực dụng “tiên học phí, hậu học chữ”, để phụ huynh hoàn toàn tin tưởng nơi dạy dỗ con em mình nên người, tất cả đều phải bắt nguồn từ tấm lòng của lãnh đạo trường đến tất cả các thầy, cô.

Theo suckhoedoisong