Nguyên nhân gây Ung thư cổ tử cung bạn biết chưa?

95% trường hợp ung thư cổ tử cung do virus HPV. Phụ nữ hút thuốc nguy cơ mắc bệnh gấp 2 lần. Uống thuốc ngừa thai trong một thời gian dài làm tăng nguy cơ. 

Ung thư cổ tử cung gây tử vong khoảng 270.000 phụ nữ trên toàn thế giới mỗi năm, chiếm 85% trong số đó là ở các nước nghèo.

Đâu là các yếu tố nguy cơ của Ung thư cổ tử cung

- Nhiễm vi-rút HPV (vi-rút u nhú người): Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của UTCTC là nhiễm vi-rút u nhú người (Human papillomavirus - viết tắt là HPV). HPV là một nhóm gồm trên 150 vi-rút liên quan, trong đó một số gây ra các u nhú (còn được gọi là hột cơm hay mụn cóc). Các typ vi-rút nguy cơ cao có liên quan mạnh đến các ung thư của cổ tử cung, âm hộ và âm đạo ở nữ giới và ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn và ung thư miệng ở cả hai giới. 

- Suy giảm miễn dịch: Vi-rút HIV ở người bị AIDS gây tổn thương cho hệ thống miễn nhiễm và khiến cho người phụ nữ có nguy cơ cao bị nhiễm HPV, do đó dễ bị UTCTC. Ở những phụ nữ này, tiền ung thư cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn.

- Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục: HSV (herpes simplex virus, gây ra herpes sinh dục), HIV, chlamydia. Nguy cơ UTCTC có thể cao hơn ở những phụ nữ mà thử máu cho thấy các dấu hiệu của nhiễm chlamydia trước đó hoặc đang hiện hành.

- Hút thuốc: Các sản phẩm của thuốc lá tìm thấy trong niêm dịch cổ tử cung của phụ nữ hút thuốc, gây tổn thương DNA của các tế bào cổ tử cung và có thể gây ra UTCTC. Phụ nữ hút thuốc có thể bị UTCTC nhiều gấp đôi. Hút thuốc cũng làm cho hệ thống miễn nhiễm kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm HPV.

- Nhiều lần mang thai đủ tháng: Điều này chưa cắt nghĩa được. Có thể do quan hệ tình dục không được bảo vệ, phơi nhiễm nhiều hơn với HPV. Cũng có thể do các thay đổi hocmon khi mang thai làm cho dễ bị nhiễm HPV hoặc ung thư. Lần mang thai đủ tháng đầu tiên khi chưa đến 17 tuổi. Nguy cơ UTCTC cao gấp đôi so với người mang thai muộn hơn từ 25 tuổi trở lên.

- Dùng kéo dài các thuốc uống ngừa thai: Nghiên cứu cho thấy nguy cơ UTCTC tăng cao khi dùng các thuốc ngừa thai kéo dài, nhưng nguy cơ này sẽ giảm xuống sau khi ngừng sử dụng. Theo một nghiên cứu, nguy cơ UTCTC tăng gấp đôi ở những người dùng thuốc trên 5 năm, nhưng sẽ trở về bình thường sau ngừng thuốc 10 năm.

- Người nghèo, bần cùng: Nghèo khó cũng là một yếu tố nguy cơ. Nhiều người không được săn sóc y tế, kể cả việc làm nghiệm pháp Pap.

- Mẹ sử dụng Diethylstilbestrol (DES): DES là một hocmon được dùng để phòng sẩy thai từ 1940 đến 1971. Con gái của những người mẹ sử dụng DES khi mang thai thỉnh thoảng có gặp carcinôm tuyến tế bào sáng (cực kỳ hiếm gặp ở phụ nữ mà mẹ không dùng DES) và gặp nhiều hơn ở âm đạo so với cổ tử cung.

Tuổi trung bình là 19. Nguy cơ lớn nhất ở những người có mẹ sử dụng thuốc này trong 16 tuần đầu mang thai.

-Tiền sử gia đình có người bị UTCTC: Nếu được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư điều trị hiệu quả nhất. 

Ở Hoa Kỳ, tử vong trong ung thư cổ tử cung giảm trên 50% trong 30 năm qua. Điều này được cho là nhờ hiệu quả của việc tầm soát bằng thử nghiệm Pap. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm thêm các nguyên nhân khác gây ra ung thư cổ tử cung và các cách tốt nhất để tầm soát chúng.

Ở các nước đang phát triển, ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp nhất, tỷ lệ tử vong cao ở những phụ nữ còn khá trẻ, vì chưa có được các chương trình tầm soát và phòng chống có hiệu quả. Hiện tại các nước này sử dụng nhiều nhất là soi cổ tử cung (với bôi acid acetic hay Lugol) và thử nghiệm phân tử DNA của HPV, có thể kết hợp ‘tầm soát và điều trị’.

Theo PGS TS BS Ngô Thị Kim Phụng, ThS BS Lâm Hoàng Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: 

Mọi phụ nữ nên được tầm soát UTCTC bắt đầu từ 21 tuổi. Dưới 21 tuổi không nên thử. Phụ nữ 21 – 29 tuổi nên làm thử nghiệm Pap 3 năm/lần. Thử nghiệm HPV không nên dùng để tầm soát cho lứa tuổi này, trừ phi có thể làm sau một kết quả Pap bất thường. Bước sang tuổi 30, được ưa thích là kết hợp làm cả hai nghiệm pháp Pap và HPV 5 năm/lần và tiếp tục cho đến 65 tuổi.

Một lựa chọn hợp lý khác cho phụ nữ 30 – 65 tuổi là chỉ làm mỗi thử nghiệm Pap 3 năm/lần.

 Ở phụ nữ có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung vì  suy giảm miễn dịch (ví dụ bị nhiễm HIV, ghép tạng hoặc sử dụng steroid kéo dài) hoặc có mẹ dùng DES khi còn trong bụng mẹ thì cần được tầm soát thường xuyên hơn, theo khuyến cáo của thầy thuốc.

Phụ nữ trên 65 tuổi, được tầm soát đều đặn trong 10 năm trước cho các kết quả bình thường thì nên ngừng tầm soát UTCTC nếu không có một tổn thương tiền ung thư nào đó nghiêm trọng (ví dụ CIN2* hoặc CIN3*) tìm thấy trong 20 năm sau cùng. Phụ nữ từng có CIN2 hoặc CIN3 cần được tiếp tục làm các thử nghiệm trong ít nhất là 20 năm sau khi tìm thấy tổn thương bất thường cho dù vượt quá 65 tuổi.

Phụ nữ đã được cắt toàn bộ tử cung do các nguyên nhân lành tính (như u xơ tử cung, chảy máu nặng sau sinh…) thì nên ngừng việc tầm soát bằng các thử nghiệm Pap và HPV, trừ phi cắt tử cung là để điều trị tiền ung thư hay UTCTC. Phụ nữ cắt tử cung không hoàn toàn (để lại cổ tử cung) nên được tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung theo các chỉ dẫn nói trên.

Trong các thay đổi, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không còn khuyến cáo phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi nên làm các thử nghiệm Pap hàng năm hoặc làm với bất cứ một phương pháp tầm soát nào khác, vì phải mất nhiều thời gian hơn (thường từ 10 đến 20 năm) để phát triển thành UTCTC và việc tầm soát làm quá thường xuyên có thể dẫn đến việc tiến hành một số biện pháp không cần thiết.

Phụ nữ đã được tiêm chủng chống HPV vẫn nên tiếp tục theo dõi tầm soát theo nhóm tuổi.

Theo Nguyên Vy  (MTG)