Nhập viện vì sụt cân, rối loạn tiêu hóa do tưởng bổ sung vitamin 'càng nhiều càng tốt'

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc bổ sung vitamin là cần thiết nhưng tránh lạm dụng vì chúng có thể gây ngộ độc cho người dùng.

"Rước họa vào thân" vì lạm dụng bổ sung vitamin

Do thấy con trai 13 tuổi chỉ cao 1,4m và nặng 35kg nên chị Lan đã lên mạng tìm hiểu và cho rằng con mình bị thiếu vitamin vì vậy chị quyết định chi hơn chục triệu mua về 4 hộp A, C, D, E để bổ sung canxi tăng chiều cao, sáng mắt, đẹp da..., được quảng cáo là "hàng xách tay". Nghĩ vitamin là thuốc bổ, chị cho con uống mỗi ngày, riêng tháng đầu uống hơn cả liều quy định để hiệu quả nhanh.

Tuy nhiên gần đây, trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, táo bón, thường xuyên đau bụng. Cân nặng của trẻ không tăng, thậm chí giảm 2 kg khiến chị sốt ruột. Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin, canxi trong máu tăng nhẹ, may mắn chưa gây hại đến gan, thận.

Trường hợp khác, hai bé trai 3 tuổi và 18 tháng nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng do ngộ độc vitamin D, suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài. Trước đó, gia đình muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho hai bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Người bà thấy hai cháu thích uống và nghĩ vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên cho uống tùy thích, nhiều hơn liều quy định và nhiều lần trong thời gian dài.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xác định hai anh em đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, chẩn đoán ngộ độc vitamin D, suy thận cấp.

nhap-vien-vi-sut-can-roi-loan-tieu-hoa-do-tuong-bo-sung-vitamin-cang-nhieu-cang-tot

Không nên lạm dụng bổ sung vitamin vì có thể gây tác hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Hiện, viên tổng hợp vitamin được bày bán tự do, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bổ sung cho cơ thể khi cần thiết. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm như "Hội chia sẻ kinh nghiệm bổ sung vi chất cho bé (Sắt, Canxi, DHA, Vitamin)” hay "Khỏe cùng vitamin"..., thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.

Ngoài ra, mọi người có thể mua sản phẩm ở hiệu thuốc, siêu thị, mua qua người quen hoặc đặt hàng xách tay. Mỗi loại có mức giá, nguồn gốc khác nhau khiến người mua như "lạc vào ma trận".

GS.TS Nguyễn Công Khẩn, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vitamin trong thức ăn hay trong viên tổng hợp đều rất tốt. Tuy nhiên, không phải cái gì tốt cũng cần phải bổ sung nhiều, thậm chí lạm dụng dẫn đến "rước họa vào thân".

Vitamin gồm có hai nhóm, nhóm tan trong dầu, gồm vitamin A, D, E, K và nhóm tan trong nước gồm B, C. Trong đó, nhóm vitamin tan trong dầu không thể đào thải qua thận mà lượng thừa đều được dự trữ trong mô mỡ của gan, nếu dùng quá liều sẽ tích tụ trong cơ thể và gây hại đến sức khỏe. Ngoài ra, vitamin vẫn là thuốc, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ uống khi thực sự cần thiết.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thói quen lạm dụng vitamin, giáo sư cho rằng nhiều người bán hàng chạy theo lợi nhuận, thổi phồng công dụng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng. Đặc biệt suy nghĩ "vitamin là thuốc bổ", uống càng nhiều càng tốt ăn sâu vào tư tưởng, khiến nhiều người dễ bị dụ dỗ hơn.

Nhóm dễ bị sập bẫy là người đang gặp vấn đề sức khỏe, mới ốm dậy hay đang trong quá trình hồi phục, kém hấp thu chất dinh dưỡng. Cuộc sống bận rộn, nhiều bà mẹ không có thời gian nên thường tự ý bổ sung vitamin cho con để bù đắp những thiếu hụt dinh dưỡng.

Vitamin chỉ có tác dụng hỗ trợ dùng quá liều sẽ gây ngộ độc

Theo giáo sư, tất cả viên uống vitamin trên thị trường chỉ có tác dụng hỗ trợ về một mặt nào đó dựa theo thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm, không thể thay thế thuốc chữa bệnh, dùng quá liều sẽ gây ngộ độc.

Ví dụ, sử dụng quá nhiều vitamin A dẫn đến làm ngộ độc gan, xơ gan, tổn thương tần kinh; thừa vitamin C gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ, ảnh hưởng tới dạ dày... Dùng quá liều vitamin E có thể gây chảy máu nhiều, viêm ruột, khiến cơ thể mệt mỏi, có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư; thừa vitamin B6 làm rối loạn thần kinh cảm giác; thừa vitamin D dẫn đến tăng canxi máu, tổn thương thận và phổi...

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo mọi người không được dùng thực phẩm bừa bãi kể cả thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc. Nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, bị thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, có bệnh lý tim mạch, bệnh lý tự miễn, người phải điều trị hóa chất hay xạ trị... nên tuân thủ đơn của bác sĩ, không tùy tiện bổ sung vitamin khiến bệnh chồng bệnh.

BSCKII Dương Công Minh, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cũng cho biết, vitamin là những chất xúc tác không thể thiếu cho sự chuyển hóa các chất trong cơ thể. Vitamin chia làm 2 loại gồm loại tan trong dầu (A, D, E, K) và loại tan trong nước như vitamin nhóm B, vitamin C...

Nhu cầu hằng ngày về vitamin cho cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Dù vậy, thiếu hay thừa đều có thể gây ra tác hại cho cơ thể. Nếu thiếu vitamin kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Ngược lại, nếu tự ý bổ sung, lạm dụng vitamin cũng gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe, làm phát sinh bệnh do dư thừa các sinh tố này. Thực tế đã có những trường hợp trẻ ngộ độc vitamin vì cha mẹ nghĩ rằng thuốc bổ sẽ không sao.

BS Minh phân tích trẻ em bình thường nếu không có bệnh tật nào, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ thường không thiếu vitamin. Do vậy, không cần phải bổ sung thêm. Tuy nhiên, với trẻ béo phì, bên cạnh ăn chế độ ít chất béo cũng cần bổ sung các vitamin. Vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Riêng đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy...) thì việc uống thêm vitamin là cần thiết.

"Bổ sung nguồn vitamin qua thực phẩm là cần thiết, uống vitamin tổng hợp cũng là giải pháp khi bị thiếu vitamin. Tuy nhiên, cách tốt nhất là tận dụng nguồn vitamin có trong thiên nhiên" - BS Minh lưu ý.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), cho biết mỗi loại vitamin đóng vai trò khác nhau trong cơ thể. Do đó, nếu thừa sẽ có tác hại khác nhau.

Cụ thể, vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nếu thừa sẽ gây dị tật thai nhi và hại gan. Đối với thai phụ thay vì uống bổ sung vitamin A, nên khuyến khích ăn các thực phẩm giàu vitamin A (đu đủ, cà rốt, trứng, sữa, rau ngót, mồng tơi, trứng vịt lộn...). Trong trường hợp ở những nơi không có điều kiện ăn đầy đủ các thực phẩm mới nên bổ sung vitamin A và cũng chỉ nên bổ sung 2.000 đơn vị.

BS Vũ nhấn mạnh, vitamin A có nhiều trong trứng vịt lộn. Vì vậy, trẻ dưới 5 tuổi, hệ tiêu hóa kém thì không nên cho ăn trứng vịt lộn để tránh tình trạng sình bụng, tiêu chảy, nếu ăn nhiều trứng lộn lại hóa độc dược. Với trẻ lớn hơn, mỗi lần ăn nửa quả trứng và 1 tuần chỉ 1-2 lần. Đối với người khỏe, chỉ nên ăn 2-3 quả/tuần. Riêng người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch... nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Lưu ý, nên ăn vào buổi sáng, tránh buổi tối vì có thể gây khó tiêu, ngủ không yên giấc.

Vitamin C có khả năng chống ôxy hóa cao, giúp phòng chống ung thư, tăng sức đề kháng, có tác dụng kháng histamine rõ rệt, làm trơn thành mạch, làm đẹp da... Thực tế, có nhiều trường hợp lạm dụng vitamin C bằng đường tiêm tĩnh mạch đã gây ra tác hại nguy hiểm như sỏi thận, làm toan máu, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu. Ngoài ra, thừa vitamin C cũng có thể bị chứng "metabolic acidosis" xảy ra khi lượng axít trong cơ thể tăng cao với các triệu chứng như đau đầu, đau lưng, lo âu, giảm sức nhìn, buồn nôn, nôn, đau bụng và mất nước.

Đối với vitamin D có vai trò tham gia chuyển hóa và hấp thu canxi dưới dạng phosphat tại ruột. Canxi đọng ở xương răng làm cho răng, xương được cứng chắc. Ngoài nguồn vitamin D hấp thu được từ thực phẩm, vitamin D còn có nguồn được tạo ra nhờ tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời mà ergosterin chuyển thành vitamin D2 dưới da.

Vitamin B12 điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hạ tỉ lệ cholesterol. Ngoài ra, còn tác dụng chống dị ứng, giảm đau. Thiếu B12 và axít folic làm tổn thương đến sự tổng hợp axít nucleic, ảnh hưởng tới chức năng tạo máu và hệ thần kinh, nhưng khi lạm dụng gây dư thừa vitamin B12 có thể gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim...

BS Vũ khuyến cáo, cách bổ sung vitamin tốt nhất là qua thức ăn, nước uống. Nếu sợ thiếu vitamin và cả chất khoáng, có thể thăm khám bác sĩ để được chỉ định dùng đúng liều. Lưu ý thận trọng với dạng thuốc sủi bọt bổ sung vitamin. Bởi dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat và natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với axít citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt) có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Đặc biệt, người cao tuổi đang điều trị bệnh tăng huyết áp không nên dùng thuốc bổ sung vitamin dạng sủi bọt.

Theo VietQ