Những chuyện lạ về hang Tám Cô trên cung đường 20 - Quyết Thắng

Hang Tám Cô không chỉ là biểu tượng của sự hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường của các thế hệ Thanh niên xung phong, mà còn trở thành một địa điểm tâm linh, gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí.

Nơi tuổi trẻ hóa những chiến công bất tử

Nói về tuyến đường 20 - Quyết Thắng, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình từng nhấn mạnh, đây là con đường của tuổi trẻ Việt Nam, nơi mà hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) "xẻ ngang Trường Sơn" đi cứu nước.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Một đoạn của tuyến đường 20 - Quyết Thắng huyền thoại.

Nói "xẻ ngang Trường Sơn" đi cứu nước là bởi lẽ trên con đường chi viện cho chiến trường miền Nam, khi đến Quảng Bình, quân và dân ta phải mở đường ngang vắt qua Lào, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Một phần nhằm tránh hàng rào điện tử Mc Namara của Mỹ tại Quảng Trị.

Tuyến Đường 20 - Quyết thắng có chiều dài gần 125 km, bắt đầu từ Km 00 thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vượt núi đồi, khe suối đến ngã ba Lùm Bùm (huyện Ăng – Khăm, tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9.

Có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối mới mở xong tuyến đường này.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Trong khói lửa chiến tranh, từng mét đường đã trộn lẫn máu xương, mồ hôi và nước mắt của các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và lực lượng TNXP.

Trong khói lửa chiến tranh, từng mét đường đã trộn lẫn máu xương, mồ hôi và nước mắt của các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và lực lượng TNXP. Để rồi khi đất nước yên bình, trên tuyến đường 20 - Quyết thắng, những tượng đài, đền tưởng niệm, bia đá được dựng lên để khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng, Liệt sĩ.

Tại km 16, đường 20 - Quyết Thắng, nơi từng là "tọa độ lửa" những năm 1971-1972 là di tích lịch sử hang Tám Cô hay còn gọi là hang 8 thanh niên xung phong.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Hang Tám Cô.

 

Theo các tài liệu, hơn 50 năm trước, tại Km16 có hang núi sâu 20m, rộng khoảng 10m, thuận lợi để bộ đội và TNXP trú ẩn. Cạnh hang động là một trạm giao liên, mỗi đợt có 8 người thay nhau. Có những đợt, nhóm tiếp quản trạm là 8 cô gái trẻ tính tình hiền lành, vui vẻ, nên người dân yêu quý đặt luôn là hang Tám Cô.

Ngày 14/11/1972, trong lúc các lực lượng đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, máy bay Mỹ đến đánh phá. 8 TNXP gồm 4 nam, 4 nữ chạy vào hang đá trú ẩn, không may khối đá rất lớn lăn xuống bịt kín cửa hang.

Đồng đội lấy ống tuy-ô, luồn qua kẽ hở để đưa nước uống và lương khô quấy nhuyễn vào cho những người bị kẹt trong hang. Lực lượng bên ngoài thử nhiều phương án để di chuyển tảng đá, cứu đồng đội nhưng đều bất thành. Thời gian trôi qua, phía trong hang tiếng kêu yếu dần, 8 TNXP anh dũng hy sinh.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống thắp nén tâm nhang trước hang Tám Cô.

Những câu chuyện ly kỳ gắn với số 8

Hang Tám Cô không chỉ là biểu tượng của sự hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường của các thế hệ TNXP, mà đã trở thành một địa điểm tâm linh, gắn với nhiều huyền tích.

Anh Nguyễn Tứ Vỵ, Trưởng Ban Quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng với nhiều năm công tác chứng kiến những câu chuyện diệu kỳ tại "địa chỉ đỏ" này.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Anh Nguyễn Tứ Vỵ, Trưởng Ban Quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng.

 

Theo anh Vỵ, trước cửa hang thường mọc cây chuối rừng, cây chuối lớn lên, trổ buồng rồi ngã xuống, cây khác lại mọc lên. Thường đúng dịp tuần lễ húy nhật (ngày giỗ) của 8 liệt sỹ TNXP hy sinh ở hang Tám Cô. Cây chuối rừng ở trước cửa hang lại trổ buồng ra đúng 8 nải. Chuyện cây chuối rừng có buồng trổ 8 nải không chỉ một lần mà lặp đi, lặp lại.

Những người gần gũi di tích hang Tám Cô như anh Vỵ tâm niệm, việc cây chuối luôn tươi xanh bên cửa hang giống như sức trẻ bền bỉ của những con người đã nằm lại nơi đây.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Buồng chuối nở 8 nải trước cửa hang Tám Cô (ảnh: N.H.).

Rồi chuyện tắc kè đẻ 8 trứng. Trong Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng có một đôi tắc kè đến trú ẩn, mọi người gọi đó là đôi tắc kè Trường Sơn. Chúng làm bạn với những cán bộ quản lý ở đền thờ gần 10 năm nay.

Sau đó, cán bộ quản lý phát hiện tắc kè đẻ đúng 8 quả trứng. Một thời gian, từ 8 quả trứng nở ra 8 chú tắc kè con, không hỏng một quả nào. Những người đến viếng đền bất ngờ về sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy.

nhung-chuyen-la-ve-hang-tam-co-tren-cung-duong-20-quyet-thang

Hang Tám Cô không chỉ là biểu tượng của sự hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường của các thế hệ TNXP mà đã trở thành một địa điểm tâm linh, gắn với nhiều huyền tích.

Ngoài ra, vào đêm diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại (14/11/2022) trong khi hàng nghìn khách thập phương về dự đang lặng mình tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ thì bất ngờ từ trong hang Tám Cô, những tiếng "tắc kè, tắc kè" vang lên trong vắt. Điều khó thể tin được là những âm thanh dứt khoát, dõng dạc ấy phát ra đúng 8 lần rồi im bặt.

Ngày 22/3/1996, lực lượng tìm kiếm sử dụng mìn để phá hòn đá chắn cửa hang và tiến hành thu thập được toàn bộ hài cốt 8 liệt sỹ TNXP, tất cả đều quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 4/6/1996, tỉnh Quảng Bình làm lễ bàn giao, đưa tiễn 8 liệt sỹ về an táng tại quê nhà.

Di tích đường 20 - Quyết Thắng thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1986.

Theo GiaDinh