Những lời khuyên giúp hạn chế trẻ em dán mắt vào màn hình thiết bị

Việc gia tăng sự tiếp xúc với “màn hình” là một đặc điểm làm nên sự khác biệt giữa kỷ nguyên hiện đại với quá khứ. Nó bắt đầu với phim ảnh, rồi đến truyền hình. Bây giờ điện thoại thông minh và máy tính bảng sẵn sàng cung ứng một thư viện khổng lồ về truyền thông bất cứ khi nào chúng ta muốn.

nhung-loi-khuyen-giup-han-che-tre-em-dan-mat-vao-man-hinh-thiet-bi 1

Những người trẻ tuổi mất nhiều thời gian kết nối với hệ thống màn hình hơn bao giờ hết, và điều đó có thể mang đến những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe của chúng. (Wavebreakmedia / iStock)

Tất nhiên, những ham mê bị điều khiển bởi màn hình cũng là một nhược điểm. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh tim, ADD, chứng khó ngủ, thái độ gây gổ, béo phì… có liên hệ với việc dùng máy tính quá nhiều (hơn hai giờ một ngày).

Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trong tạp chí bệnh học tâm thần JAMA khảo sát những thói quen xem truyền hình của hơn 3.000 người trong 25 năm qua cho thấy rằng những người xem truyền hình nhiều nhất có chức năng nhận thức thấp hơn đáng kể trong các xét nghiệm.

Dựa trên nghiên cứu, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) cho rằng quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện truyền thông có thể giúp ngăn ngừa một số tác nhân nguy hại của chứng nghiện màn hình. Những hướng dẫn gần đây của AAP kêu gọi không cho trẻ em dưới hai tuổi dùng màn hình, và với nội dung giáo dục chất lượng cao cho những trẻ em lớn tuổi hơn thì không xem quá hai giờ mỗi ngày. Theo dự kiến vào cuối năm nay sẽ có một bộ cập nhật những hướng dẫn sử dụng phương tiện truyền thông.

Ngày nay những người trẻ tuổi sử dụng trung bình khoảng bảy giờ một ngày trước màn hình.

Nhưng thông điệp về “hạn chế truyền thông” này thường bị thất lạc giữa một dòng bất tận các thiết bị ngày càng được ưa chuộng. Ngày nay những người trẻ tuổi sử dụng trung bình khoảng bảy giờ một ngày trước màn hình máy tính (không bao gồm bài tập tại trường ngày càng đòi hỏi một giao diện máy tính).

nhung-loi-khuyen-giup-han-che-tre-em-dan-mat-vao-man-hinh-thiet-bi 2

 

“Đứa con năm tuổi của tôi không cần bất cứ một máy tính nào. Không có bài tập nào của trường học yêu cầu điều đó. “(SolisImages / iStock)

Epoch Times đã trò chuyện với Tiến sĩ Jean Moorjani, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện nhi Palmer Arnold ở Orlando, Florida, và nhờ bà tư vấn cho các bậc cha mẹ để có thể quản lý tốt nhất nhu cầu về công nghệ của con cái.

 Epoch Times: Vì sao việc hạn chế thời gian dùng màn hình của trẻ em lại quan trọng đến thế?

Tiến sĩ Jean Moorjani: Bởi vì khi dành nhiều thời gian trước màn hình thì chúng càng ít có thời gian được tương tác trực tiếp thực sự. Ngoài ra, khi trẻ em buồn chán chúng buộc phải sáng tạo và sử dụng trí tưởng tượng của chúng. Chúng chơi. Chúng đứng dậy, và chạy nhảy. Càng dán mắt vào màn hình, chúng càng có một lối sống ít vận động.

Chắc chắn là máy tính có vai trò của nó. Nhưng các bậc cha mẹ nên khống chế những gì được tải về và nên sử dụng quyền kiểm soát của cha mẹ và có những giới hạn. Và hãy chắc chắn rằng trẻ em có thứ gì đó mang tính giáo dục.

Epoch Times: Làm thế nào cha mẹ có thể xác định số lượng và chất lượng của các phương tiện truyền thông mà con cái họ dùng?

Tiến sĩ Moorjani: Nó phụ thuộc vào độ tuổi. Đứa con năm tuổi của tôi không cần bất cứ máy tính nào. Ttrường học không yêu cầu cháu làm gì với máy tính.

Khuyến cáo không cho bất kỳ cháu bé nào dưới hai tuổi dùng máy tính của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ có thể sẽ không thay đổi khi họ cập nhật bản hướng dẫn sử dụng về thời gian sử dụng máy tính và phương tiện truyền thông. Chúng tôi nhận thấy rằng với bất cứ cháu bé nào dưới hai tuổi, nói chuyện thực sự với cha mẹ hoặc người khác tốt hơn rất nhiều cho bộ não của chúng.

Sau hai tuổi chúng đã quen với việc hạn chế thời gian trước màn hình dưới hai giờ một ngày. Nhưng khuyến cáo đó ra cùng lúc với sự xuất hiện của chiếc iPad đầu tiên. Ngày nay, với sự bùng nổ chiếc máy tính bảng này, có quá nhiều những thiết bị và ứng dụng cho trẻ em đến nỗi các bác sĩ nhi khoa đang tập trung nhiều hơn vào chất lượng của nội dung.

Nếu các bậc cha mẹ muốn tìm kiếm một ứng dụng có tính giáo dục, thì họ có thể có đôi chút khó khăn vì có khoảng 80.000 ứng dụng tự thừa nhận là có tính giáo dục. Các phụ huynh và các nhà giáo dục thực sự cần phải xem xét những thứ này và quyết định ứng dụng nào có tính giáo dục và sáng tạo, cái nào là ứng dụng vô vị và vô bổ.

Một nguồn mà tôi thường khuyên các phụ huynh và các gia đình là CommonSenseMedia.org Trang web này xếp hạng và đánh giá tất cả các ứng dụng khác nhau dựa trên chất lượng giáo dục.

Epoch Times: Có bất kỳ dấu hiệu nào về hành vi ở trẻ em sử dụng phương tiện truyền thông quá nhiều?

Tiến sĩ Moorjani: Nếu chúng bỗng nhiên trở nên thu mình hơn, không muốn nói chuyện, hoặc biểu lộ các hành vi bất thường thì đó luôn là một dấu hiệu cảnh báo.

Các phương tiện truyền thông xã hội (như facebook) là một lĩnh vực khác mà các bậc cha mẹ và các bác sĩ nhi khoa có thể phải đưa ra hướng dẫn vì nơi đây có thể xảy ra bắt nạt trên mạng. Nếu cha mẹ để cho con cái có một tài khoản trực tuyến, họ nên biết tên đăng nhập và mật khẩu của chúng. Hãy nói với chúng điều gì là tốt và điều gì là không tốt. Nếu ai đó làm phiền hay quấy rối chúng, hãy chắc chắn rằng chúng cho bạn biết ngay lập tức. Thiết lập trước một số nguyên tắc cơ bản là một phương cách giáo dục tốt để cho bọn trẻ biết những gì đang xảy ra trên mạng.

Tôi nhớ cha mẹ tôi dạy tôi quy tắc gọi điện thoại. Tôi đã được dạy để nói, “Xin chào, cháu là Jeannie, xin cho cháu được nói chuyện với bạn của cháu.” Và bạn chỉ gọi vào những thời điểm thích hợp. Có thể tôi sẽ không dạy cho con tôi những nghi thức xã giao khi dùng điện thoại mà cha mẹ tôi đã dạy tôi, nhưng tôi sẽ giảng cho chúng những gì là nên làm khi vào một trang web truyền thông xã hội. Đây là một con đường mới đối với các bậc làm cha mẹ chúng ta.

Các gia đình có thể sắp đặt thời gian không động đến màn hình tại những thời điểm có tác dụng tốt nhất cho chúng.

Epoch Times: Làm thế nào chúng ta dạy cho trẻ em cách quản lý thời gian dùng màn hình của chúng một cách thích hợp?

Tiến sĩ Moorjani: Điều đó phụ thuộc vào tuổi của chúng, và cũng phụ thuộc vào từng đứa trẻ. Một số có thể có kỷ luật tốt hơn so với những cháu khác, nhưng tôi nghĩ rằng trong vai trò làm cha mẹ chúng ta phải để cho chúng biết rằng, có được iPad hoặc điện thoại thông minh chắc chắn là quyền của cha mẹ chứ không phải là quyền của chúng. Nó đi kèm với các quy tắc và giới hạn.

Không phải tất cả mọi trẻ em đều có khả năng tự giới hạn mình. Vì vậy, khi một đứa trẻ có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, phụ huynh phải có một quy tắc là trong nhà chúng ta có cái mà tôi muốn gọi là thời gian không dùng máy. Điều đó có nghĩa là không ai, kể cả bố và mẹ, được động đến màn hình vào thời điểm đó. Ví dụ, bất cứ lúc nào gia đình dùng bữa cùng nhau chúng ta nên cất tất cả điện thoại và máy tính bảng đi để cho gia đình có thể tương tác và nói chuyện với nhau.

Các gia đình có thể sắp xếp thời gian không động đến màn hình vào những thời điểm tốt nhất cho chúng. Một số gia đình không cho phép dùng sau bữa tối để trẻ em có thể làm bài tập về nhà. Nếu nhà trường yêu cầu dùng máy tính để làm bài tập, rõ ràng là chúng sẽ cần phải có máy tính để giải quyết bài tập về nhà của chúng.

Một thời điểm nên hạn chế màn hình là khi đi ngủ. Khi đến thời điểm trẻ em cần đi ngủ, cha mẹ nên giữ điện thoại hoặc máy tính bảng, bởi vì tôi nghĩ rằng những thứ đó có thể quá cám dỗ vào ban đêm. Con cái chúng ta cần ngủ.

Tôi có người bạn bắt gặp đứa con 11 tuổi gửi tin nhắn vào 11 giờ đêm. Và tôi nói, “Hãy lấy điện thoại của con bé. Lẽ ra con bé phải đi ngủ.” Là một bác sĩ nhi khoa đôi khi bạn phải nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng, “Bạn là phụ huynh. Bạn phải quy định điều này là một đặc ân đối với chúng.”

Epoch Times: Liệu các bậc cha mẹ có cần hạn chế thời gian dùng màn hình của chính mình?

Tiến sĩ Moorjani: Rất dễ mải mê dùng iPhone hoặc iPad, tôi cũng mắc lỗi đó. Nhưng là cha mẹ chúng ta là hình mẫu lớn nhất đối với con cái. Vì vậy, sẽ rất khó khăn để dạy con trẻ một khi chúng ta đang phá vỡ tất cả các quy tắc này.

Theo tác giả Conan Milner, Epoch Times - Dịch giả Xuân Dung (Việt đại kỷ nguyên)