Những thói quen khi dùng điện thoại khiến cả người hỏng hóc

Sạm da, mỏi mắt, tổn thương não… chỉ là một trong số rất nhiều tác hại của việc dùng điện thoại sai cách đấy!

Vừa dùng điện thoại vừa sạc pin

Việc làm này vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của chúng ta. Trong quá trình sạch pin, nếu các linh kiện có chất lượng kém, không đảm bảo chất lượng sẽ làm cho mạch nguồn bị đánh thủng, khiến cho điện cao áp “phóng” tới điện thoại liên tục. Nó dẫn tới tình trạng cháy, nổ, điện giật…, vô cùng nguy hiểm đối với người sử dụng. Vì thế, hãy loại bỏ hoàn toàn “lỗi” này khỏi từ điển sử dụng điện thoại của bạn nhé!

Để điện thoại trong người

Để điện thoại trong túi quần, túi áo, sát với cơ thể cũng rất nguy hiểm. Khi đó, sóng điện từ có thể “tấn công” trực tiếp vào cơ thể, gây nên các bệnh tim mạch.

Không chỉ thế, việc làm này còn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của các bạn trai. Theo các nhà nghiên cứu, khi để như vậy, tỷ lệ tinh trùng khỏe mạnh của nam giới sẽ giảm đi 8%. Nguyên nhân là do việc tiếp xúc với bức xạ điện từ phát ra từ điện thoại ảnh hưởng tới sức khỏe của tinh trùng, khiến chúng di chuyển chậm lại. Điều này dẫn tới hệ quả là sức khỏe sinh sản của các XY bị tác động xấu, về lâu dài còn có thể dẫn tới vô sinh.

Để điện thoại bên cạnh khi ngủ

Cũng như nhiều thiết bị điện tử khác, ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại có thể gây ức chế khả năng sản xuất hormone melatonin (có vai trò quan trọng với giấc ngủ), khiến bạn bị mất ngủ, dẫn tới phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể.

Ngoài tác hại trên, việc để điện thoại bên cạnh khi ngủ còn tác động xấu tới sức khỏe của não bộ do những ảnh hưởng của sóng điện từ. Nó có thể làm suy giảm sức khỏe của não, giảm trí nhớ và trí thông minh.

Không làm sạch điện thoại thường xuyên

Theo nghiên cứu của Viện Sử học Vi sinh lâm sàng và Kháng sinh Anh (Annals of Clinical Microbiology and Antimicrobials), lượng vi khuẩn cư trú trên điện thoại di động còn nhiều hơn cả trên bồn cầu và giẻ lau bếp và gấp 18 lần nhà vệ sinh. Khi sử dụng điện thoại, chúng ta đang tự mang vi khuẩn, virus vào cơ thể qua đôi tay. Nó là “cầu nối” dẫn tới rất nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Không chỉ thế, việc nghe điện thoại cũng sẽ ảnh hưởng tới làn da do bạn thường xuyên áp sát mặt vào điện thoại. Đây chính là một trong các nguyên nhân dẫn tới mụn, trứng cá, viêm da… mà chúng ta không hề hay biết.

“Nấu cháo” điện thoại quá lâu

Thành phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất điện thoại là  Nikel, Cobalt và Chromium có thể gây dị ứng ở một số người. Và nếu bạn “nấu cháo” điện thoại liên tục hoặc quá lâu thì những ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.

Dùng điện thoại quá khuya

Ánh sáng từ màn hình điện thoại có khả năng gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Nó không chỉ khiến bạn khó ngủ, gây nhức mỏi mắt mà còn dẫn tới tình trạng mệt mỏi, mắt thâm quầng vào hôm sau. Nghiêm trọng hơn, điều này còn ảnh hưởng tới thị lực, làm gia tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị…

Để độ sáng màn hình quá cao

Trong môi trường tối, ánh sáng của điện thoại quá mạnh có thể ảnh hưởng tới mắt và tác động không tốt tới võng mạc. Nó làm suy giảm sức khỏe của đôi mắt, ảnh hưởng tới thị lực và cũng là một trong các nguyên nhân khiến chúng ta mắc các tật khúc xạ. Lời khuyên cho bạn là chỉ nên để ảnh sáng màn hình ở khoảng 50% khi trời tối hoặc ở trong phòng tối.

Theo Bình Bình (Trí Thức Trẻ)