Nuôi nhầm con 29 năm ở Hà Nội: "Hãy cẩn thận khi nhận con ở nhà hộ sinh”

Người phụ nữ bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Đống Đa, Hà Nội cách đây 29 năm nhắn gửi các bà mẹ: "Hãy cẩn thận khi nhận con ở nhà hộ sinh”.

“Công khai câu chuyện về bí mật cuộc đời mình, tôi chỉ muốn gửi bức thông điệp đến những con người làm công tác trong ngành hộ sinh, hãy cẩn thận để đừng để xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc như trường hợp của tôi”, đó là những lời gan ruột mà chị Lê Thanh Hiền, sinh năm 1987, người vừa mới công khai mình là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội bị trao nhầm ở nhà hộ sinh cách đây 29 năm. 

Chị Hiền cho rằng con gái rất giống mình trong khi chị chẳng có nét gì của cả bố và mẹ.

Chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam về câu chuyện hy hữu của cuộc đời mình, chị Hiền vẫn không thể giấu nổi những giọt nước mắt, dù chị đã đối diện với sự thật này nhiều năm nay. 

Từ khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên báo chí, chị nhận được sự quan tâm của nhiều người thân, bạn bè nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin gì mới về gia đình lưu lạc của chị. 

Nhớ về khoảnh khắc hy hữu trong cuộc đời mình cách đây 29 năm, chị nói trong nước mắt: “Sau khi đẻ xong, 4 tiếng đồng hồ sau mẹ tôi mới được nhận con (từ 4 h sáng đến 8 h sáng). Ngay từ lúc đón tôi từ tay cô y tá, mẹ đã thốt lên: “Ôi sao con tôi khác thế này, sao con tôi lại có làn da trắng và đôi môi đỏ đẹp thế này”. Nhưng rồi những ngạc nhiên nhanh chóng qua đi nhường chỗ cho niềm vui vì được chào đón đứa con đầu lòng đẹp đẽ, khỏe mạnh. 

Càng lớn, sự khác biệt giữa tôi và bố mẹ, những người thân trong gia đình càng rõ ràng. Nhưng ai cũng nghĩ, tôi may mắn nhặt được những nét đẹp của hai người và hai bên nội ngoại. 

Tôi sống trong niềm tin ấy suốt những năm tháng tuổi thơ, hạnh phúc, bình yên bên bố mẹ. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói cho đến lúc tôi lấy chồng rồi mang bầu. Đi xét nghiệm máu, tôi được biết mình thuộc nhóm máu B trong khi cả nhà tôi đều nhóm máu O. Kể cả cô, gì, chú, bác, họ hàng thân thuộc cũng đều nhóm máu O. Trong một dịp cả đại gia đình gặp mặt, biết được điều này, tôi đã  thốt lên: “Cả nhà đều nhóm máu O, mỗi con là nhóm máu B, hóa ra con là đứa lạc loài à”. Câu nói tưởng như rất bâng quơ với mọi người nhưng trong tôi bắt đầu đặt dấu hỏi về mình? Tôi nhận ra, các con tôi càng lớn càng giống tôi và chồng, trong khi tôi chẳng có nét gì của cả bố lẫn mẹ. 

Tôi quyết định lấy mẫu tóc của bố mẹ đi xét nghiệm và nhận được kết quả. Lúc đó tôi thực sự rất sốc, một tuần liền tôi không thể nói chuyện với mẹ hay bố. Kể cả khi nghe tôi nói ra sự thật, cả mẹ và bố tôi đều không tin và phủ nhận mọi chuyện. Nhưng khi tôi đưa kết quả phân tích AND và nghe tôi nói về tất cả những nghi ngờ của mình thì họ bắt đầu khóc. 

Bố tôi một mực khẳng định, ông chỉ có hai đứa con là tôi và và em gái nhưng với mẹ tôi, dù mẹ nói vẫn yêu tôi, không muốn mất tôi nhưng tôi tin tận trong thẳm sâu bà vẫn muốn biết đứa con ruột của mình đang ở đâu. Tôi hiểu mẹ tôi, dù bà không nói ra , dù bà có thể nói dối tất cả mọi người về cảm xúc thật nhưng không thể lừa dối chính bản thân mình được. Tôi cũng như mẹ tôi đều muốn biết sự thật rằng bố mẹ ruột của tôi, người con gái ruột lưu lạc của mẹ tôi là ai? 

Tôi tin mẹ tôi cũng là người mạnh mẽ, bởi bà là người muốn công khai bí mật này đầu tiên. Khi xem chương trình của cô Mai Hạnh (Người 42 năm đi tìm đứa con bị trao nhầm ở nhà Hộ sinh Ba Đình, Hà Nội - PV) mẹ tôi đã ngay lập tức gọi điện thoại cho tôi và nói trong nước mắt: “Con ơi, tại sao lại có người có hoàn cảnh giống mẹ con mình thế. Người ta suốt hơn 40 năm đi tìm lại người thân trong mòn mỏi và đến nay vẫn đi tìm thì không có lý do gì mà mẹ con mình không làm thế. 

Tôi biết sự thật mình không phải là con gái ruột của bố mẹ từ cách đây 3 năm và im lặng đi tìm sự thật mà không dám thổ lộ với bất cứ ai ngoài bố mẹ. Nhưng bây giờ, khi quyết đinh  nói ra sự thật, chấp nhận một sự đảo lộn lớn lao trong cuộc sống, chấp nhận đối diện với sự thật dù nó có nghiệt ngã và khó khăn đến đâu, chỉ với một mong muốn duy nhất, sẽ có thông tin gì đó về nguồn gốc của mình. Nếu may mắn, tôi sẽ tìm lại được bố mẹ đẻ, bố mẹ tôi cũng tìm lại được người con gái lưu lạc của mình.

Còn nếu trong trường hợp không có được may mắn đó, tôi vẫn muốn gửi bức thông điệp đến những ai đang làm việc trong ngành y tế, hộ sinh hãy luôn cẩn trọng với công việc của mình. Đừng để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như gia đình tôi. Bởi rất có thể họ đã làm thay đổi cả một cuộc đời. Và tôi khuyên những bà mẹ đang chuẩn bị sinh con, hãy hết sức cẩn thận trong việc tiếp nhận đứa con của mình từ các y, bác sĩ ngay sau khi đã vượt cạn thành công. 

Dẫu vậy, tôi vẫn cám ơn cuộc đời đã tạo nên mối lương duyên với bố mẹ hiện tại, với cô em gái, với những người thân trong gia đình. Tôi không có gì phải tiếc nuối khi được làm con, làm chị, làm một thành viên trong nhà bởi bố mẹ đã cho tôi tất cả những đủ đầy từ tình yêu đến vật chất, dù gia đình tôi không quá giàu có, sung túc nhưng tôi vẫn được hưởng đúng nghĩa của hai từ hạnh phúc suốt mấy chục năm qua. 

Tôi nói với mẹ tôi, chúng ta không được buồn vì không ai trong chúng ta có lỗi. Mà nguyên nhân của câu chuyện này thuộc về những người làm công tác hộ sinh ở nhà Hộ sinh Đống Đa năm 1987. Tôi và những người thân xem đây là một sự sắp đặt của ông trời. Dù có chuyện gì xảy ra thì tình cảm trong gia đình chúng tôi vẫn không hề thay đổi”. 

Chị Hiền có chiều cao vượt trội so với người mẹ hiện tại.

Theo chị Hiền, năm 2013, chị bắt đầu biết về sự thật mình bị nhầm lẫn ở nhà hộ sinh Đống Đa, cô đã tìm đến nơi đây để trình bày sự việc và mong muốn nhờ cơ quan chức năng này giúp đỡ trong việc tìm kiếm lại người thân. Nhưng ngay tại thời điểm đó, chị chỉ nhận được câu trả lời thờ ơ của lãnh đạo Nhà Hộ sinh Đống Đa. “Họ cũng không một lời hỏi thăm về hoàn cảnh trớ trêu của gia đình tôi từ lúc đó đến nay”, chị nói. 

Trong câu chuyện của chị Hiền, có chi tiết được chia sẻ khiến nhiều người quan tâm và tò mò, đó là khi chị tìm đến nhà cô Tạ Thị T. (Ở Khâm Thiên, Hà Nội, người phụ nữ cùng sinh con gái giống mẹ chị trong ngày 12/12/1987) nhưng bị từ chối cung cấp thông tin và nói chuyện. “Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nhạy cảm nên tôi hoàn toàn có thể hiểu về thái độ của họ”, chị nói.

Câu chuyện hy hữu của chị Lê Thanh Hiền một lần nữa khiến dư luận giật mình về những trường hợp trao nhầm con ở các nhà hộ sinh Hà Nội. 26 năm sau ngày chào đời, chị phát hiện ra mình không phải là con đẻ của bố mẹ. Sự thật được lý giải là chị đã bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Đống Đa, Hà Nội vào tháng 12 năm 1987. 

Cho đến nay, chị Hiền và gia đình vẫn mong chờ những tin tức từ bạn đọc để có được những manh mối trong việc tìm lại người thân của mình. Về phía lãnh đạo Nhà hộ sinh Đống Đa, Hà Nội, mặc dù báo chí đã phản ánh sự việc và PV đã tìm cách liên lạc nhưng đại diện cơ quan này vẫn chưa đưa ra bất cứ câu trả lời nào. 

Theo Đào Bích (GĐVN)