Ống hút làm từ gạo thay ống hút nhựa giá 64.000đồng/hộp: Đắt hay rẻ?

Hưởng ứng chiến dịch tiêu dùng xanh, nói không với rác thải nhựa, khuyến khích thay đổi thói quen sinh hoạt…, các nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM đồng loạt triển khai nhiều giải pháp kêu gọi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên giá thành cao đang là trở ngại và kém hấp dẫn người tiêu dùng.

Sản phẩm thân thiện môi trường lên kệ

Người tiêu dùng TP.HCM đã không còn lạ lẫm với các sản phẩm thân thiện môi trường được bày bán khá nhiều tại kệ hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị trong thời gian qua. Đặc biệt, từ giữa năm 2019, các chuỗi bán lẻ của nhiều doanh nghiệp quyết liệt trong triển khai việc thực hiện thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Nhiều nhà bán lẻ trên thị trường TP sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên để bao gói hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng; trong đó, có thể đến việc nhà bán lẻ khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy, thùng giấy, túi môi trường, túi vải sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường khi mua sắm.

ong-hut-lam-tu-gao-thay-ong-hut-nhua-gia-64-000dong-hop-dat-hay-re

Nhiều điểm bán lẻ dành riêng một góc để bán sản phẩm thân thiện môi  trường.

Tại siêu thị BigC, Vinmart, Lotte, Co.opmart… đồng loạt sử dụng lá chuối bọc rau quả thay cho túi ni lông, nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Cùng với đó, các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng một lần như ống hút làm bằng gạo, cỏ bàng, tre; ly, khay chén làm bằng bã mía; màng bọc, túi đựng thực phẩm, găng tay… làm tự hủy sinh học được bán ở hầu khắp các điểm bán lẻ.

Ngoài những sản phẩm được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, trên thị trường còn xuất hiện những sản phẩm đồ dùng được làm từ inox, thủy tinh, giấy... Người tiêu dùng có thể tái sử dụng đối với các sản phẩm này.

ong-hut-lam-tu-gao-thay-ong-hut-nhua-gia-64-000dong-hop-dat-hay-re

Sản phẩm thân thiện môi  trường được làm từ những nguyên liệu tự nhiên.

Chị Nguyễn Bích Vân (Tân Quý, quận Bình Tân) chia sẻ: Từ mấy tháng nay, gia đình chị đã dùng ống hút sản xuất bằng nguyên liệu gạo thay thế ống hút nhựa trước kia. Mặc dù giá thành có hơi cao hơn ống nhựa nhưng tuyệt đối an toàn. Các con chị Vân rất thích thú khi sử dụng ống hút gạo vì có thể ăn được mà không hề gây độc hại.

Giá thành vẫn còn cao chưa hấp dẫn tiêu dùng

Đó là nhận xét chung của cả nhà sản xuất, phân phối, chuỗi bán lẻ và người tiêu dùng. Ví dụ, đối với ống hút làm bằng gạo, được giới thiệu làm bằng bột gạo, tinh bột khoai mì kết hợp với màu tự nhiên từ rau, củ, quả và mè đen…, giá thành loại ống hút này là 64.000 đồng/hộp. Bộ dao, thìa, nĩa tự phân hủy hoàn toàn giá 13.000 đồng/hộp 10 chiếc.

ong-hut-lam-tu-gao-thay-ong-hut-nhua-gia-64-000dong-hop-dat-hay-re

Sản phẩm thân thiện môi  trường chưa được bán rộng rãi ở các chợ, tạp hóa.

Các loại sản phẩm tái sử dụng giá còn cao hơn loại sử dụng một lần như trên. Hiện ống hút giấy được bày bán trên thị trường nhiều kích thước, màu sắc, thiết kế đa dạng, giá từ 15.000 đồng đến 350.000 đồng/bịch (tùy thuộc vào kích thước, số lượng và màu sắc, thiết kế); ống hút inox có giá 20.000-90.000 đồng/hộp, tùy loại; ống hút tre có giá từ 2.500 đồng-4.000 đồng/chiếc…; chai đựng nước bằng thủy tinh có giá khoảng 50.000 đồng/sản phẩm.

Nhiều đại diện của các chuỗi bán lẻ trên địa bàn TP.HCM băn khoăn: Tuy có ưu điểm thân thiện môi trường nhưng hiện các sản phẩm thay thế đồ nhựa vẫn chưa thực sự làm thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng bởi còn nhiều nhược điểm, kém hữu dụng, và giá thành cao là một trở ngại.

ong-hut-lam-tu-gao-thay-ong-hut-nhua-gia-64-000dong-hop-dat-hay-re

Lá chuối bọc rau thay thế túi ni lông tại nhiều điểm bán lẻ.

Bên cạnh đó, sản phẩm này cũng chỉ mới được bán trong một số các trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các quán cà phê… mà chưa được bán rộng rãi ở chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa… nên người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm thân thiện môi trường.

Thống kê của Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM cho thấy, mỗi ngày địa bàn thành phố sử dụng khoảng 9 triệu túi ni lông, tương đương với khoảng 10% chất thải rắn khó phân hủy thải ra môi trường. Con số này cho thấy số lượng túi ni lông được sử dụng tăng gấp đôi so với năm 2010.

Trong Kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021 vừa được UBND TP.HCM ban hành, đối với  hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... UBND TP yêu cầu đến hết ngày 31/12/2020 theo lộ trình phải sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.

Hiện, 100% các siêu thị trên địa bàn TP.HCM ký kết tiết giảm và thay thế túi ni lông bằng các loại túi thân thiện với môi trường. Một số chợ truyền thống đã kêu gọi tiểu thương giảm sử dụng túi ni lông khi mua bán.

Theo DanViet