"Phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến dịch xấu hơn"

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung cho phòng, chống dịch, mua trang thiết bị, vaccine, bồi dưỡng cho lực lượng chống dịch tuyến đầu.

Kết luận Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía nam từ Phú Yên đến Cà Mau sáng 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần tận dụng "giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng" để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Tận dụng "giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng"

Các ý kiến thống nhất đánh giá tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp tại TP HCM, ĐBSCL, Đông Nam Bộ và một số tỉnh duyên hải miền Trung. Dự báo trong những ngày tới, tình hình có thể phức tạp hơn nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả.

Dự báo sắp tới, diễn biến dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam còn phức tạp, khó lường, các ca lây nhiễm có thể tăng lên. Còn các ổ dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng. Nếu không có giải pháp tốt thì dễ xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. 

Theo Thủ tướng, việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm dễ dẫn tới chủ quan và gây ra hậu quả nặng nề hơn, do đó, phải có giám sát, kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.  

Thủ tướng nêu rõ 6 mục tiêu trong thời gian tới. Theo đó, quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại TP HCM, các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung. 

"Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống; tập trung cứu chữa các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các ca tử vong" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kiểm soát chặt chẽ biên giới và các khu cách ly, phong tỏa. Nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường. Bảo vệ vững chắc các nhà máy, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và toàn quốc...

phai-chuan-bi-cac-kich-ban-phuong-an-cao-nhat-cho-tinh-hinh-dien-bien-dich-xau-hon

Thủ tướng nêu rõ tinh thần nhất quán chống dịch như chống giặc, tích cực, hiệu quả hơn nữa trong chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu công tác xét nghiệm phải chủ động, nhanh chóng, khoanh vùng, bao vây, dập dịch hiệu quả ở những nơi nguy cơ cao, những nơi có dịch bệnh, đặc biệt là những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thực hiện chiến dịch tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên đã được quy định, bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả, khoa học, không gây phiền hà cho nhân dân, không gây ách tắc giao thông, không gây lây nhiễm cho cộng đồng.

Trong lúc này, với TP HCM và các tỉnh có diễn biến dịch bệnh phức tạp, ưu tiên số 1 là tập trung phòng chống dịch hiệu quả, nhưng không bỏ qua những cơ hội tận dụng được để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thủ tướng lưu ý chỉ những nơi nào đủ điều kiện an toàn mới đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, căn cứ điều kiện cụ thể để đưa ra những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo...

Lập bộ phận chỉ huy tiền phương nếu cần thiết

Về các nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất, xuyên suốt. Cấp uỷ, chính quyền phải bám sát, nắm chắc, dự báo đúng tình hình để chỉ đạo quyết liệt và quyết định các biện pháp phù hợp. "Khi nào quyết định áp dụng biện pháp gì, ở đâu, bao lâu phải rất cụ thể. Khi đã quyết định thì phải chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện thật nghiêm, kiểm tra giám sát thật chặt chẽ, không được buông lỏng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các địa phương có nhiều nguồn lây thì phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể, sớm ổn định tình hình.  

Những địa phương có ít ca nhiễm thì tập trung dập dịch, không để lây lan, bùng phát diện rộng, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời tận dụng mọi cơ hội có thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo tinh thần "3 tại chỗ".

Các tỉnh phải thành lập các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi khi người dân cần trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành với địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thông tin sai lệch, kích động cũng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra.

"Các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu hơn, không để bị động, lúng túng" - Thủ tướng yêu cầu cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung cho phòng, chống dịch, mua trang thiết bị, bồi dưỡng cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, tập trung cho mua vaccine.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp… "bảo vệ an toàn các pháo đài này từ xa, từ sớm, từ cơ sở", tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K+vaccine.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ giải pháp, bổ sung các biện pháp phù hợp; có thể thí điểm, nhân rộng những giải pháp, cách làm, mô hình hiệu quả.

Thực hiện việc chủ động đánh giá nguy cơ dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia để xây dựng phương án ứng phó cho phù hợp, trong đó chia làm 4 mức độ: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và bình thường mới.

Khoanh vùng phạm vi rộng ngay khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 để điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, sau đó thực hiện việc phong tỏa hẹp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Tiếp rà soát năng lực xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm. Tổ chức, điều phối công tác lấy mẫu theo khu vực nguy cơ, trong đó tại khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm.

Tại khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình.

Thực hiện hướng dẫn mới về quản lý cách ly và quản lý, điều trị ca bệnh (F0); Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID19 an toàn, hiệu quả và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng, để giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tăng nặng bệnh và giảm tử vong. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo GiaDinh