Phân biệt giấm thật và giấm pha axit

Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Nghệ An) đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất giấm gạo giả tại địa bàn phường Vinh Tân, TP Vinh.

Phân biệt giấm thật và giấm pha axit
Giấm pha axit nhìn trong hơn giấm thật. (Ảnh minh họa)

Công thức sản xuất giấm gạo của cơ sở này là dùng axit axetic pha với nước lã rồi đóng vào chai loại 500ml và 1,5l. Dù đã bị phanh phui nhưng số hàng tiêu thụ cũng khá lớn. Vì vậy người tiêu dùng đáng quan ngại.

Các chuyên gia cho biết rất nguy hiểm nếu người ta sử dụng loại axit axetic công nghiệp để pha chế giấm. Trong axit axetic công nghiệp có lẫn rất nhiều tạp chất là những chất độc có hại với sức khỏe như andehit axetic hoặc metanol… tùy thuộc vào phương pháp sản xuất nó. Do vậy, nếu ăn phải loại giấm này lâu dài có thể gây đau đầu, rối loạn thần kinh, mù lòa hoặc có thể tử vong nếu dùng lượng lớn.

Nếu tỷ lệ axit axetic trong giấm quá nhiều sẽ gây hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó có thể có các tạp chất khác. Khi các tạp chất này đi vào cơ thể sẽ thẩm thấu nhanh, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, ảnh hưởng dạ dày, nguy cơ ngộ độc thần kinh, thậm chí là chết người.

Để phân biệt được giấm gạo thật và giấm pha axit axetic công nghiệp, chuyên gia cho hay, rất khó để phân biệt vì thành phần của chúng cùng là axit axetic. Tuy nhiên, có thể có một gợi ý để người tiêu dùng có thể phân biệt.

Phân biệt bằng mắt

Vì được làm từ các loại thực phẩm chứa tinh bột nên thành phẩm dù có lọc tốt thì giấm gạo thật vẫn hơi đục một chút, nếu để lâu sẽ bị lắng đục dưới đáy bình chứa. Còn giấm pha từ axit axetic công nghiệp sẽ trong suốt và để lâu cũng không bị lắng đục.

Dù bảo quản 1-2 năm thì giấm pha axit axetic vẫn giữ được độ trong. Với giấm lên men tự nhiên, độ trong thấp và thời gian giữ độ trong ngắn hơn.

Phân biệt bằng mùi hương

Người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là giấm pha axit với giấm lên men tự nhiên thông qua mùi hương, màu sắc... Giấm pha axit axetic sẽ rất trong, do không có các thành phần tinh bột, các chất cao phân tử. Do phải bổ sung chất tạo hương trong quá trình sản xuất nên mùi hương của giấm pha axit axetic không bền và không có mùi đặc trưng như giấm gạo thông thường.

Phân biệt bằng vị

Giấm pha axit axetic có vị chát, còn giấm lên men tự nhiên thì không. Vị chát này rất dễ nhận thấy vì nó gắt, không thanh như giấm thật được chế biến từ hoa quả hoặc từ gạo.

Để đảm bảo an toàn, khi lựa chọn giấm ăn, người tiêu dùng nên mua ở các cơ sở uy tín, quan sát kỹ bao bì sản phẩm, tránh mua lại giấm công nghiệp kém chất lượng. Ngoài ra, cũng có thể làm giấm tại nhà để sử dụng.

Theo Khánh Phương (BXD)