Tại sao món dạ dày lợn luộc của bạn vừa dai vừa hôi?

Bạn đã sai ở khâu nào mà món dạ dày lợn luộc bạn làm luôn dai và hôi chứ không ngon như hàng quán? Hãy tự kiểm tra nhé.

Món dạ dày lợn luộc của bạn lần nào cũng hôi dù bạn đã rửa rất kỹ, và dai nữa.

Nguyên nhân thực ra rất đơn giản:

Dạ dày hôi vì quá trình rửa làm sạch dạ dày chưa đủ các thao tác hoặc không đúng cách. Dạ dày bị dai là do bạn luộc quá kỹ.

Còn nếu món dạ dày lợn luộc bị đen, đó là do lỗi của bạn sau khi vớt dạ dày ra hoặc do đổ nước quá ít khi luộc .

Để dạ dày lợn sạch, hết mùi hôi, cần có bí quyết riêng khi chế biến. Theo các chuyên gia ẩm thực, dạ dày lợn nếu chỉ được bóp muối và rửa bằng nước lạnh thì vẫn không thể hết mùi hôi.

Trong bước làm sạch dạ dày, đầu tiên bạn phải chần sơ qua nước đun sôi, sau đó dùng dao cạo sạch trong ngoài, xả trôi chất bẩn dưới vòi nước chảy. Tiếp đó, ngâm dạ dày trong dấm loãng khoảng 15 phút rồi rửa sạch với nước một lần nữa. Cuối cùng, bóp kĩ dạ dày với muối và rửa sạch bằng nước.

Một cách khác khá phức tạp, nhưng đảm bảo miếng dạ dày sẽ rất ngon, là lộn trái dạ dày lợn ra, rửa trực tiếp dưới vòi nước, lấy dao cạo sạch màng nhầy, sau đó cho bột mì vào bóp thật mạnh để làm tan nhớt.

Tiếp đến, lấy muối bóp thêm vài lần nữa trước khi cho vào nồi nước sôi chần sơ. Sau khi chần, vớt miếng dạ dày ra, dùng chanh chà xát cho thật trắng. Cuối cùng, lộn ngược bao tử lại và cạo bỏ lớp mỡ dính bên ngoài là sạch.

Bước luộc dạ dày lợn cần lưu ý, không nên bỏ luôn dạ dày sống vào cùng với nước lạnh vì luộc như thế sẽ khó căn tính thời gian khiến dạ dày bị đun quá lửa, dễ bị dai.

Thay vào đó, bạn hãy bắc nồi luộc lên bếp, đun sôi nước mới cho dạ dày vào luộc. Tính từ lúc cho dạ dày sống vào nồi thì 10 phút sau vớt ra ngay vì thời điểm này miếng dạ dày vừa chín tới, ăn rất giòn. Bạn chỉ cần đun cố 3-5 phút nữa là miếng dạ dày sẽ dai không tưởng nổi.

Để dạ dày trắng và giòn, ngay sau khi vớt ra, hãy nhúng vào bát nước sôi để nguội pha sẵn vài giọt chanh rồi mới thái miếng và thưởng thức

Theo Thu Minh (KT)