Thị trường BĐS Châu Á TBD: Triển vọng dài hạn vẫn tích cực

Thị trường đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các quỹ tín thác bất động sản và các nhà đầu tư tổ chức.

Báo cáo Triển vọng thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 của CBRE dự báo rằng, nhờ nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng ổn định và tiếp tục vượt trội hơn các khu vực khác trên thế giới trong năm 2016, hoạt động đầu tư tại khu vực sẽ có nhiều hứa hẹn dù bị hạn chế bởi giá cả và giá trị tài sản.

 Thị trường BĐS Châu Á TBD: Triển vọng dài hạn vẫn tích cực

Theo CBRE, năm 2016 thị trường BĐS Châu Á TBD tiếp tục duy trì ổn định và có nhiều tín hiệu tích cực.

Tiến sĩ Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận định: "Thị trường đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các quỹ tín thác bất động sản và các nhà đầu tư tổ chức. Các nhà đầu tư tổ chức sẽ tiếp tục đầu tư vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương để tăng tầm ảnh hưởng của họ tới thị trường bất động sản trong chiến lược đa dạng hóa.

Mặc dù vậy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm đối với thị trường bất động sản thương mại khi hoạt động có khả năng chững lại trong suốt cả năm do ngày càng có nhiều thách thức để tìm nguồn cổ phiếu đầu tư có thể đáp ứng được mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư. Lãi suất vẫn ở mức thấp trong năm 2016 nên lợi tức phần lớn vẫn ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng mức lợi tức cùng với lãi suất sẽ gia tăng vào năm 2017."

"Trong năm 2016, các nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội tốt đến từ những thay đổi trong sự phát triển của thương mại điện tử, du lịch trong khu vực và biến đổi trong cơ cấu dân số. Biến đổi trong cơ cấu dân số sẽ mở ra nhiều cơ hội trong các thị trường nhỏ như dịch vụ tự lưu trữ, nhà ở cho sinh viên và người cao tuổi cũng như các trung tâm dữ liệu," ông Chin cho biết.

Ông Chin cũng bổ sung thêm: "Trong khu vực, Úc và Nhật Bản sẽ tiếp tục dẫn đầu các thị trường phát triển, trong khi Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có một năm tích cực sau khi nới lỏng luật lệ đối với các tiêu chuẩn về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào cuối năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế mặc dù nhu cầu của họ chủ yếu chỉ tập trung vào các thành phố cấp I. Nhìn chung, triển vọng dài hạn vẫn tích cực đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương."

Về thị trường văn phòng, các công ty vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi đây vẫn là thị trường tiềm năng với nhiều công ty quốc tế. Tuy nhiên, trước mắt các công ty vẫn rất thận trọng. Tình hình kinh doanh trầm lắng hơn dẫn đến việc khách thuê văn phòng áp dụng nhiều chiến lược cẩn trọng hơn trong năm nay với việc đặt tiết kiệm chi phí lên hàng đầu. Nhu cầu dự kiến vẫn ở mức ổn định, lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu nguồn cầu văn phòng tại phần lớn các thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tăng trưởng giá thuê văn phòng hạng A tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ giảm 0,5% trong năm 2016 so với mức 2,7% của năm 2015.

Đối với thị trường bán lẻ: Chi phí vận hành cao, đặc biệt là giá thuê mặt bằng và nhân công tại châu Á làm cho các nhà bán lẻ thận trọng hơn trong năm 2016. Nhiều nhà bán lẻ sẽ chuyển trọng tâm chiến lược của họ từ mở rộng mạng lưới cửa hàng sang tái cấu trúc; cải thiện lợi nhuận của cửa hàng; và nâng cấp đến những địa điểm tốt hơn.

Hoạt động cho thuê sẽ có sự đa dạng tại các thị trường, trong đó Úc, Nhật Bản và New Zealand có tín hiệu lạc quan nhất, còn Hồng Kông và Singapore tiếp tục trong tình trạng khó khăn. Được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa hiện nay và thu nhập tăng, hoạt động thuê tại Đông Nam Á cũng sẽ ổn định. Ngành hàng ăn uống sẽ dẫn đầu nguồn cầu trong khu vực. Các thương hiệu cao cấp và bình dân cũng sẽ phát triển.

Mua sắm trực tuyến phát triển sẽ tiếp tục thúc đẩy các trung tâm thương mại áp dụng mô hình bán lẻ sáng tạo và điều chỉnh kinh doanh kết hợp để thu hút nhiều nhà bán lẻ đưa mô hình trải nghiệm nhằm giữ chân khách hàng. Năm 2016 dự kiến sẽ có thêm khoảng 5,9 triệu m2 diện tích sàn mới vào tổng nguồn cung từ trung tâm thương mại. Dù nhu cầu thuê không cao mà nguồn cung mới lại dồi dào, giá thuê mặt bằng bán lẻ nhìn chung được dự đoán sẽ có mức điều chỉnh nhẹ dưới 1,0% trong năm 2016.

Trong khi đó nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ ổn định trong năm 2016. Mặc dù xuất khẩu hiện đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử khi các nhà bán lẻ truyền thống và kinh doanh qua mạng đều sử dụng mô hình bán hàng trực tuyến.

Tất cả các thị trường, đặc biệt là Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốcvà Đài Loan được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc thay đổi cơ cấu này. Những xu hướng nổi bật khác trong năm nay bao gồm hợp nhất để vận hành tốt hơn và chuyển đổi các thiết bị cũ sang thiết bị hậu cần cao cấp như bảo quản lạnh và các trung tâm kết hợp. Năm 2016 dự kiến sẽ có thêm khoảng 4,2 triệu m2 nguồn cung nhà xưởng công nghiệp mới, trong đó khoảng 54% sẽ đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Theo Hoàng Hà (NĐT)