Thua lỗ, "vua cá tra" Hùng Vương vẫn tìm lợi nhuận... "khủng"

 Năm 2017, Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng. Đây là một con số khá bất ngờ bởi năm 2016, HVG đã lỗ 49 tỷ đồng sau kiểm toán.

Liệu những bước đi tiếp theo của “ông vua cá tra” có mang về kết quả như kế hoạch đã đặt ra hay không khi doanh nghiệp này quyết định “tập trung chính” vào chăn nuôi ngoài ngành thế mạnh là thủy sản?

Mới đây, HVG đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2017 (kỳ kế toán 01.10.2016 đến 31.03.2017), theo đó thay vì chỉ lỗ 31 tỷ đồng như báo cáo tự lập trước đó, khoản lỗ tại HVG lại tăng lên đến gần 173 tỷ đồng.

Thua lỗ,

Thủy sản Hùng Vương tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận khủng năm 2017

Tiếp tục thua lỗ sau soát xét bán niên 2017

Theo giải trình của HVG, do giá vốn hàng bán sau soát xét tăng 127 tỷ đồng nên lãi gộp chỉ còn hơn 470 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau soát xét chi phí quản lý tăng thêm lên gần 116 tỷ đồng trong khi theo báo cáo tự lập là 97,4 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động liên doanh liên kết thay vì có lãi gần 26 tỷ đồng chuyển sang chịu lỗ hơn 10 tỷ đồng và lỗ khác cũng lên tới gần 9 tỷ đồng trong khi tại báo cáo tự lập trước đó hoạt động khác lãi 1,2 tỷ đồng.

Với hàng loạt các điều chỉnh bất lợi như vậy khiến HVG chịu lỗ ròng gần 173 tỷ đồng trong nửa đầu năm niên độ 2017, tăng lỗ thêm 140 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Điều này cũng không gây bất ngờ nhiều với giới đầu tư bởi chuyện ghi nhận sai kết quả kinh doanh tại HVG không phải chuyện lạ. Còn nhớ, năm 2016  trên BCTC tự lập của Thủy sản Hùng Vương báo lãi ròng đến 308 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán thì lại trở thành lỗ 49 tỷ đồng. Nguyên nhân chênh lệch này, theo giải trình từ phía công ty là do... ghi nhận sai về doanh thu.

Diễn biến sau soát xét khiến khoản lỗ bán niên tăng thêm hơn 140 tỷ đồng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HVG “chao đảo” về vùng giá 6.000 - 7.000 đồng/CP. Tuy nhiên, với giới đầu tư thì cổ phiếu HVG càng nguy cơ hơn khi HVG bị đồng thời đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2017 là số âm (-172,74 tỷ đồng) và trong diện cảnh báo do vi phạm quy định công bố thông tin từ bốn lần trở lên trong vòng một năm.

Hiện, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu HVG sẽ căn cứ vào BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017 của doanh nghiệp này.

Được biết, tính đến 31.3.2017, tổng tài sản Hùng Vương đạt 15.390 tỷ đồng. Trong đó tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 6.666,8 tỷ đồng và hàng tồn kho chiếm 3.870,7 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh mới của “vua cá Tra”

Thực tế, việc đưa ra mục tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2017, theo giải thích của HVG thì đây là kế hoạch khá... khiêm tốn bởi, công ty còn dự trữ đến 33.000 tấn fillet thành phẩm. Với giá trị xuất khẩu như hiện tại, chỉ riêng việc bán hàng tồn kho cũng mang về cho Hùng Vương khoản lợi nhuận tương đối lớn, cộng thêm cá trong ao thì Hùng Vương có thể thu về trên 700 tỷ đồng lợi nhuận. Dù vậy, HVG vẫn chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận là 400 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo kế hoạch của HVG, từ năm 2017 doanh nghiệp này dự kiến sẽ tập trung vào 2 hướng chính là thuỷ sản và chăn nuôi. Trong đó, ngoài cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của HVG cả về giá trị lẫn sản lượng; dự án chăn nuôi heo sẽ là bước đi mới trong chiến lược của  Thủy sản Hùng Vương. Hiện tại, công ty đang phát triển lĩnh vực này tại An Giang và Bình Định với công nghệ từ Đan Mạch (từ nguồn heo giống, hệ thống thiết bị chuồng trại, đến đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn, thuốc thú y…).

Trong năm 2017, HVG sẽ tiếp tục phát triển, trong đó chuyển trước 2.500 con heo giống ra Bình Định để hoàn thành mục tiêu phát triển trên 10.000 con heo bố mẹ. Tại An Giang, đây sẽ là trung tâm giống 1.500 con cụ kị cộng tái đàn, 1.000 con ông bà.

Với quy hoạch đó, năm 2017, HVG dự kiến sẽ hoàn thành chương trình phát triển con giống.

Ngoài ra, HVG cũng tập trung phát triển các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới. Cụ thể, đối với dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng tại Long An, HVG đã khởi công vào tháng 6.2017. Riêng nhà máy Remic ở Long An, từ tháng 4.2017, HVG đã góp 25% vốn và dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, cung cấp cho 4 thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Philippin và Hàn Quốc.

Theo kế hoạch của HVG, năm 2017 công ty sẽ tích cực thu hồi lợi nhuận từ các công ty con và công ty liên kết. Năm 2016, việc này đã không được thực hiện do Việt Thắng và Sao Ta đang thực hiện nhiều dự án đầu tư mở rộng kinh doanh nên cần giữ lại lợi nhuận; hoạt động kinh doanh của Agifish và các đơn vị khác không thuận lợi nên lợi nhuận không khả thi...

Theo danviet