Thực phẩm bẩn bủa vây người tiêu dùng

Với đặc thù gần 80% sản phẩm rau, quà, thịt, cá... được đưa từ tỉnh, thành khác về nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 10 triệu dân, TPHCM luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

thực phẩm bẩn

Hầu hết thức ăn đường phố tập trung trước cổng trường, bệnh viện...

Thực phẩm bẩn đổ bộ

Những ngày gần đây, các cơ quan chức năng của TPHCM liên tục phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm bẩn quy mô lớn. Nhiều loại thịt, nội tạng động vật ôi thiu, thối rữa vẫn được dùng làm nguyên liệu chế biến.

Chi cục Thú y TPHCM cho biết, đang xác định nguồn gốc hơn 11 tấn sản phẩm động vật tại kho chứa này gồm 6,7 tấn thịt trâu đông lạnh, hơn 3,1 tấn chân và 600kg phổi, 300kg gan trâu bò không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện ATVSTP. Điều đáng nói là những sản phẩm hết hạn này từng được tồn trữ để làm thức ăn cho người thay vì phải chuyển mục đích sử dụng.

thực phẩm bẩn

 Thực phẩm ôi thiu thu hút ruồi

Trước đó, ngày 31-3 đoàn liên ngành huyện Bình Chánh kiểm tra cơ sở sản xuất tại tổ 14, ấp 1, xã Tân Kiên phát hiện tại đây sản xuất da heo trái phép, kèm chất lượng và không rõ nguồn gốc. Tại hiện trường, đoàn lập biên bản thu giữ 526kg hàng hóa, trong đó có 98kg da heo, 398kg da heo ngâm và sợi da heo khô thành, phẩm.

Theo Chi cục Thú y TPHCM, bình quân mỗi ngày thành phố cần khoảng 80 tấn thịt gia súc, đa phần được nhập về từ các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ. Mặc dù tại các trạm kiểm soát lực lượng kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đã tăng cường kiểm tra tuy nhiên thành phố chỉ có thể test nhanh và lấy mẫu, phần nào hạn chế trong việc giám sát tính an toàn của sản phẩm.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại địa bàn giáp ranh giữa TPHCM và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), hàng ngày, nhất là vào lúc tan tầm và cuối tuần, người mua kẻ bán gia cầm sống vẫn tấp nập. Do đây là địa bàn giáp ranh nên khi bên này kiểm tra các đối tượng lại bỏ chạy qua bên kia và ngược lại, tiếp tục mua bán, bất chấp dịch bệnh luôn đe dọa bùng phát trong khu dân cư. Thống kê của Chi cục Thú y TPHCM cho thấy tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép tại các địa phương chưa được xử lý triệt để. Hiện trên toàn thành phố còn hàng chục điểm kinh doanh gia cầm lậu, tập trung chủ yếu tại các quận huyện vùng ven. Tình trạng này luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và mất ATVSTP.

Thức ăn phơi cùng khói bụi

Ghi nhận tại các quán thức ăn đường phố, vỉa hè cho thấy hầu hết đều không đảm bảo vệ sinh.

Tại một quán cơm bình dân trên vỉa hè đường Thành Thái (gần Viện Tim, Bệnh viện 115), thức ăn được bày lộ thiên trên chiếc bàn sắt, xung quanh là cơm, canh, bếp than... Hầu hết chén dĩa sau khi được tráng qua loa trong xô nước váng mỡ lại tiếp tục dùng đựng thức ăn cho thực khách khác. Tương tự, tại một quán trong hẻm trên đường Cống Quỳnh, thịt sơ chế được nhân viên bày la liệt dưới nền gạch. Đáng nói là sàn nhà nhớp nháp trong khi các loại xe cộ chạy ầm ầm bên cạnh, cuốn theo đủ loại bụi đất.

Các quán ăn bình dân, cơm hộp, thức ăn đường phố, hàng rong thường tập trung tại các trường học, bệnh viện, nơi đông dân cư..., trong khi phần lớn khách hàng là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo, có thu nhập thấp nên khó tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết, TPHCM hiện có 20.038 cơ sở thức ăn đường phố (tăng 22% so với năm 2013) với hơn 23.853 người kinh doanh. Qua kiểm tra cho thấy số vụ vi phạm năm sau vẫn cao hơn năm trước. Cụ thể, kiểm tra 16.125/20.038 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, phát hiện 8.062 cơ sở vi phạm ATVSTP; trong đó lỗi chủ yếu là không ghi rõ nguồn gốc thực phẩm, chiếm 74%. Đáng chú ý, còn gần 20% điểm kinh doanh chưa cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, nơi bày bán gia súc, gia cầm...) với gần 20% cơ sở vẫn để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.

Nguy cơ bệnh tật rình rập

Thức ăn vỉa hè luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, vì không đảm bảo ATVSTP. Tác nhân chính gây ô nhiễm thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột...

Hiện TPHCM đã bước vào mùa khô, các loại thực phẩm tươi sống rất dễ ôi thiu. Trong khi đó, hình thức bày bán, chứa trữ thực phẩm sống và chín lại đậy điệm sơ sài, mất vệ sinh, bị phơi nắng, bụi bao phủ, thực phẩm để gần nơi buôn bán bị ô nhiễm, nhiều ruồi nhặng... càng dễ nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ bệnh đường ruột khi ăn.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TPHCM cũng đã xảy ra một số vụ ngộ độc làm nhiều người phải nhập viện. Mới đây nhất là vụ xảy ra tại Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, P7Q3 do dùng thức ăn nhiễm vi sinh Escherichia coli.

Nhằm đảm bảo ATVSTP, nhất là đối với thức ăn đường phố, thời gian qua TPHCM đã nỗ lực không ngừng trong việc chấn chỉnh loại hình kinh doanh này, thành phố cũng đã xây dựng các tuyến đường điểm về thức ăn đường phố an toàn.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, vấn đề cốt lõi hiện nay là tập huấn trang bị kiến thức ATVSTP cho người kinh doanh loại hình này nhằm thay đổi hành vi, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông góp phần làm thay đổi thói quen nhận thức đối với cả đối tượng kinh doanh lẫn người sử dụng.

Riêng về vấn đề cung cấp thực phẩm sạch, theo Chi cục ATVSTP, TPHCM đã ký kết chuỗi ATVSTP với các tỉnh thành lân cận để cung cấp nguồn rau sạch, gia cầm, gia súc và thủy hải sản cho thành phố. Hiện đã có 28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận vào chuỗi với tổng sản lượng 40.050 tấn/ năm; trong đó rau quả: 18.483 tấn/năm, thịt: 17.319 tấn/năm, thủy sản: 3.648 tấn/năm, các sản phẩm khác 600 tấn/năm. Riêng trứng gà là 125.925.000 quả/năm.

Ngoài ra, có 21 cơ sở đang được khảo sát thẩm định để đưa vào chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố. TPHCM cũng đang triển khai thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn.

Theo Một thế giới