Thực phẩm bẩn: Người Việt thôi đừng tự "giết nhau"



Pa tê, tóp mỡ, dầu ăn tái chế… với các thành phần nguyên liệu siêu bẩn, ôi thiu đến cả cách chế biến rợn người như hiện nay đang khiến không ít người dân ngỡ ngàng, không dám tin vào chính mắt mình sự thật được đưa ra ánh sáng.

Gần đầy, các cơ quan báo chí lần lượt có những phát hiện “không tưởng” về cách chế biến những loại thức ăn quen thuộc mà nhiều người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng ngày. 

Bẩn từ… Nam ra Bắc

Tại chợ Dịch Vọng, pa tê được làm từ thịt ế lẫn bì có lông lợn, mỡ thừa và gan ôi thiu… tất cả được hòa chung vào và đem xay trong một mẻ cối. Sau đó, hỗn hợp được trút vào túi nilon để sẵn sàng cho công đoạn tiếp theo để hoàn tất thành phẩm. Pa tê “siêu bẩn” được bán tại chợ với giá dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/kg và khi rao bán sản phẩm, chủ quán luôn niềm nở gởi đến khách hàng một câu khẳng định chắc nịch: “hàng nhà em làm từ thịt tươi, gan sạch, bảo đảm vệ sinh luôn”.

Không chỉ có pa tê, tóp mỡ cùng với dầu ăn đều là những sản phẩm cũng được chế biến theo công nghệ “siêu bẩn” và được buôn bán công khai tại TP.HCM.

Những thùng phuy đen ngòm bám đầy đất cát chứa dầu ăn tái chế được chất la liệt trên nền đất đen bẩn, bên trong là hàng trăm ký dầu ăn tái chế đen xì, sặc mùi hôi thối. Các thùng dầu ăn tái chế như thế được phân phối rộng khắp tại các quán nhậu vỉa hè với giá bán siêu rẻ chỉ từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Khi sản phẩm đã được những “người dân đam mê sản xuất” tạo màu, khử mùi và đóng nhãn cách bài bản thì sẽ được đưa lên kệ và phân phối đến những “thượng đế”.

Việc sản xuất những bánh tóp mỡ cũng kinh hoàng không kém, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh những thành phẩm “ngon lành, đẹp long lanh” trưng bày trong tủ kính. Nếu độc giả có dịp chứng kiến khâu chế biến với tất cả nguyên liệu đều là mỡ lợn hôi thối cùng những chảo dầu “đen đặc” thì chắn chắn bạn cũng sẽ “lạnh người” như phóng viên chúng tôi. Bên cạnh đó, dụng cụ dùng để chứa như thau, thùng, chảo… cũng dơ bẩn không kém. Khi hoàn tất chế biến, những bánh tóp mỡ được xếp la liệt dưới thành bếp phủ đầy bụi bẩn bám xung quanh và để mặc cho ruồi nhặng tranh nhau “thưởng thức” trước. Giá bán các sản phẩm tóp mỡ bẩn hiện nay trên thị trường dao động từ 40.000 - 220.000 đồng/bánh.

Thời gian vừa qua, trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Thủ Đức, TP.HCM) đã phát hiện và bắt giữ 13 thùng vú heo thối vận chuyển trái phép từ cầu vượt Sóng Thần đến bến xe An Sương để tiêu thụ. Được biết, nếu đường đi của toàn bộ số “của nợ” đang trong tình trạng rỉ nhớt này thuận lợi thì điểm đến sẽ là các quán ăn, quán nhậu. Hình ảnh cuối cùng là khách hàng ngồi thưởng thức “ngon lành” và khen thơm “nức mũi” với những đặc sản vú dê tươi sống, thơm ngon được khuyến mãi tẩm ướp các loại hóa chất.

Mực cũng được… tắm trắng

Cũng bằng cách thức tẩy trắng, làm sạch thực phẩm qua hóa chất, món mực tươi hay “một nắng” khoái khẩu của nhiều người đã trở thành “nỗi ám ảnh kinh hoàng”, khi người tiêu dùng tại Hà Nội, Thanh Hóa phát hiện mực tươi sủi bọt như xà phòng sau khi mua về. Theo tiết lô từ những người đánh bắt hải sản ở đây cho biết, tiểu thương đã sử dụng lượng lớn oxy công nghiệp để tẩy trắng, chỉ sau 30 phút những con mực mềm nhũng, hôi thối đã trở nên trắng tươi và đẹp mắt chỉ với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.
 
“Khiếp vía” với mực sủi bọt khi rửa với nước lạnh
“Khiếp vía” với mực sủi bọt khi rửa với nước lạnh
Chỉ bằng một chút phụ gia, hóa chất, thuốc tẩy trắng… được bán rộng rãi trên thị trường, các sản phẩm bốc mùi, ngã màu, ôi thiu đã “hồi sinh”, trở nên tươi sạch, thơm ngon trong mắt người tiêu dùng. Vấn đề này không phải là câu chuyện mới lạ mà người dân lần đầu nghe thấy, bởi đây có thể là một trong các “chiêu trò” quen thuộc trong cách chế biến và phân phối thực phẩm của các “người bán vô lương tâm”. Đáng nói hơn, hiện trạng mua bán, chế biến thực phẩm bẩn diễn ra ngày càng tinh vi, tỉ mỉ hơn nên đã phần nào “che mắt” số đông người tiêu dùng.

Ngày 20.6 vừa qua, tại văn phòng chính phủ Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tổ chức sơ kết công tác bảo đảm VSATTP sáu tháng đầu năm 2014, triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cũng đã  nhấn mạnh: Các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tiến hành làm điểm và xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực VSATTP, nhất là không để tình trạng thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm nhiều nhưng xử lý ít. Tiến hành rút kinh nghiệm đối với một số mô hình điểm về quản lý an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố, thực phẩm nhập khẩu được triển khai thời gian qua tại một số địa phương. Ðồng thời, các cơ quan truyền thông đại chúng cần coi công tác tuyên truyền VSATTP như hoạt động thời sự hằng ngày, có cơ chế tuyên truyền giống như quảng cáo nhằm cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này đối với cộng đồng...

Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Việt Nam đang nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải tích cực và sâu sát hơn trong quá trình quản lý, kiểm tra, kiểm duyệt các khu vực sản xuất, kinh doanh giết mổ, chế biến. Đồng thời, cơ quan chuyên trách cần thắt chặt hơn trong giám sát các khâu vận chuyển thực phẩm để sớm phát hiện và tiêu hủy sản phẩm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
Theo Thi Trần (Đời sống & Tiêu dùng)
 
Bài trên Báo Đời sống & Tiêu dùng.
Bài trên Báo Đời sống & Tiêu dùng.