Tiểu thương chợ An Đông bỏ bao nhiêu tiền mới được "quyền sử dụng quầy sạp"?

Năm 1990, những tiểu thương đầu tiên của chợ An Đông đã đóng 22 triệu đồng để xây dựng chợ và được sở hữu diện tích quầy sạp là 1,4mx1,5m. Được biết số tiền này tương đương với 50 chỉ vàng và có thể mua được một căn nhà mặt tiền đường lúc đó...

Ngày 20/9, sau một ngày đồng loạt đóng quầy sạp, tập trung phản đối về những bất cập trong hoạt động quản lý, hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông, quận 5, TP.HCM đã trở lại buôn bán bình thường. Các ý kiến của tiểu thương đã được Ban tiếp công dân, Văn phòng UBND TP.HCM tiếp nhận.

Theo đó, đại diện các tiểu thương chợ An Đông yêu cầu UBND quận 5 bãi bỏ hợp đồng cho thuê quầy sạp có thời hạn, bởi chợ truyền thống thì không được thu tiền cho thuê quầy sạp.

Với việc buôn bán trong điều kiện cơ sở hạ tầng chợ xuống cấp, xập xệ như hiện nay, tiểu thương yêu cầu bàn giao 217 tỷ đồng để tiến hành sửa chữa, nâng cấp chợ.

Ngoài ra, các tiểu thương còn đề nghị được công nhận quyền sở hữu quầy sạp vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng góp xây dựng mà nên.

Tiểu thương chợ An Đông bỏ bao nhiêu tiền mới được

Những ý kiến của tiểu thương chợ An Đông đã được Văn phòng UBND TP.HCM tiếp nhận. 

Trong đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng, 17 người đồng ký tên đại diện cho hơn 2.300 chủ quầy sạp đang kinh doanh tại chợ An Đông trình bày: Vào năm 1990, những tiểu thương đầu tiên của chợ An Đông đã đóng góp tiền để xây dựng chợ.

Mỗi tiểu thương đóng 22 triệu đồng, số tiền có giá trị lớn tại thời điểm ấy, để sở hữu diện tích quầy sạp là 1,4mx1,5m. Theo nhiều người, số tiền này tương đương với 50 chỉ vàng và có thể mua được một căn nhà mặt tiền đường lúc đó. Sau đó các tiểu thương được cấp một bản hợp đồng “Chủ quyền sử dụng quầy sạp”.

Sau 20 năm, các tiểu thương nhận thấy cơ sở hạ tầng của chợ đã xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng cần được nâng cấp, sửa chữa. Ban quản lý chợ đã vận động, kêu gọi mọi người đóng góp tiền để sửa chữa.

Vào tháng 4/2013, tiểu thương chợ An Đông, đa số phải vay ngân hàng, đã đóng góp được tổng cộng 217 tỷ đồng với mục đích sử dụng cho việc sửa chữa, nâng cấp chợ.

Theo đại diện các tiểu thương, mục đích sử dụng số tiền 217 tỷ đồng này được xác nhận trong biên bản của Ban quản lý chợ ngày 27/2/2013.

Gần đây nhất là biên bản ngày 12/5/2017 của UBND quận 5, trong đó bà Huỳnh Trang, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sau hơn 1 tháng thanh tra hoạt động quản lý chợ đã khẳng định: “Chợ truyền thống là không thu tiền thuê quầy sạp, chỉ thu phí và lệ phí, số tiền 217 tỷ đồng được sử dụng đầu tư, nâng cấp sửa chữa chợ".

Tuy nhiên, theo đại diện tiểu thương, qua nhiều lần phát biểu, lãnh đạo UBND quận 5 lại khẳng định số tiền 217 tỷ đồng thu qua Hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn là tiền ngân sách nên quận 5 đã nộp vào kho bạc. Khẳng định này khiến tiểu thương chợ An Đông bức xúc.

Các tiểu thương cho rằng từ tháng 4/2013 đến nay, họ phải trả lãi ngân hàng hơn 80 tỷ đồng trong khi Ban quản lý thu được 217 tỷ đồng nhưng không “đẻ” ra đồng lãi nào. Chưa kể tiền thuế tiểu thương phải đóng mỗi năm lên đến 62 tỷ đồng.

Những bất cập về quản lý, sử dụng số tiền 217 tỷ đồng nói trên trên cộng với hạ tầng chợ ngày một xuống cấp, sập sệ nhưng không được nâng cấp khiến doanh thu của tiểu thương sụt giảm.

Các tiểu thương cho hay, nếu sau 10 ngày, UBND TP.HCM vẫn không giải quyết thoả đáng quyền lợi thì họ sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cấp.

Theo infonet