Tin sáng 13/11: Tìm thấy anh trai mất tích suốt 40 năm nhờ rà soát làm CCCD; bắt 2 chị em cầm đầu đường dây đẻ thuê với giá 1,5 tỷ đồng/lần

Qua xác minh danh tính, làm CCCD bất ngờ phát hiện người được đề nghị xác minh là anh trai mình đã mất liên lạc gần 40 năm; Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 chị em cầm đầu đường dây đẻ thuê với giá 1,5 tỷ đồng/lần.​

Tìm thấy anh trai mất tích suốt 40 năm nhờ rà soát làm CCCD

tin-sang-1311-tim-thay-anh-trai-mat-tich-suot-40-nam-nho-ra-soat-lam-cccd-bat-2-chi-em-cam-dau-duong-day-de-thue-voi-gia-15-ty-donglan

Ông Phong (hàng trên, thứ 6 từ trái qua) đoàn tụ với người thân tại Quảng Bình sau 39 năm không liên lạc (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Câu chuyện hy hữu xảy ra tại gia đình anh Trương Văn Thường, Phó Xã đội trưởng xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Vào đầu tháng 11, UBND xã An Ninh, nhận được điện thoại từ Công an phường Xuân Thanh (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đề nghị xác minh danh tính một người đàn ông trên địa bàn.

Người được đề nghị xác minh là ông Trương Văn Phong (SN 1964), quê quán ở xã An Ninh, mục đích đề nghị làm căn cước công dân (CCCD) cho người này.

Qua rà soát, chính quyền địa phương xác định, ông Trương Văn Phong từng sinh sống tại thôn Cao Xuân, xã An Ninh. Tuy nhiên người này đã mất tích 39 năm.

Thông tin ông Phong đang ở Đồng Nai và cơ quan chức năng đang xác minh danh tính để làm CCCD khiến người thân bất ngờ, đặc biệt là em trai ông Phong là anh Trương Văn Thường.

Sau quá trình liên hệ, anh Thường đã đón ông Phong về xã An Ninh sau 39 năm xa cách. Qua nhận diện và các thông tin được lật lại một cách chính xác, anh em đã nhận nhau trong niềm vui vỡ òa. Ông Phong đoàn tụ gia đình sau thời gian dài đằng đẵng không liên lạc.

Được biết, ông Phong là anh cả trong gia đình có 9 anh chị em, bố là Trương Văn Phát và mẹ là bà Trần Thị Thẻo (đều đã mất). Vào năm 1984, vì biến cố gia đình, ông Phong bỏ đi biệt tích. Gia đình tìm kiếm nhiều năm nhưng không có thông tin.

Chính quyền địa phương sau một năm tìm kiếm cũng đưa ông Phong vào diện mất tích.

Khi vào Đồng Nai, ông Phong khai tên là Trương Văn Thạch và lập gia đình tại đây, chỉ nói quê gốc ở Quảng Bình, không nói nguyên quán.

Đầu tháng 11, do làm căn cước công dân, địa phương rà soát mới biết ông Thạch có tên thật là Phong.

Theo lãnh đạo xã An Ninh, Công an tỉnh Quảng Bình đã trích lục tàng thư để cấp lại giấy khai sinh, từ đó mới có cơ sở cấp CCCD và định danh cá nhân đối với ông Phong.

Bắt 2 chị em cầm đầu đường dây đẻ thuê với giá 1,5 tỷ đồng/lần

tin-sang-1311-tim-thay-anh-trai-mat-tich-suot-40-nam-nho-ra-soat-lam-cccd-bat-2-chi-em-cam-dau-duong-day-de-thue-voi-gia-15-ty-donglan

Hai đối tượng bị bắt giữ.

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận Đống Đa, Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Bích Thuận (SN 1976, ở phường Phương Liên, quận Đống Đa) và Trần Thị Bích Vân (SN 1983, ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa).

Theo tài liệu của cơ quan Công an, Vân có 1 tiền án về tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại".

Trước đó, tổ công tác của Đội Cảnh sát Hình sự - Công an quận Đống Đa phối hợp với Công an phường Phương Liên tiến hành kiểm tra ngôi nhà ở ngõ 70 Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, phát hiện đối tượng Trần Thị Bích Thuận và một số phụ nữ đang mang thai, có dấu hiệu bất minh.

Tại cơ quan công an, người phụ nữ tên M (quê Cà Mau – người đang mang thai) trình bày, thông qua mạng xã hội M biết Thuận môi giới trong việc đẻ thuê. Do đang có nhu cầu kiếm tiền từ việc mang thai hộ nên đã liên hệ với Thuận. Thuận ra giá sẽ trả cho M 280 triệu đồng/lần mang thai hộ. Số tiền này sẽ được chia thành nhiều đợt theo giai đoạn phát triển của thai nhi. Chị M khai nhận mang thai hộ giúp vợ chồng anh T (quê quán Nghệ An).

Ngày 11/4/2023, M được Thuận đưa đi cấy phôi thai thành công tại bệnh viện. Đến giai đoạn này, chị M nhận được 50 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đã tiến hành triệu tập làm việc với vợ chồng anh T. Hai người này trình bày do đã lớn tuổi, không có khả năng mang thai nhưng có nguyện vọng sinh thêm nên đã liên lạc với Trần Thị Bích Vân là người có thể tìm được người mang thai hộ.

Vân đã hướng dẫn vợ chồng anh T đến bệnh viện tạo phôi và lưu trữ phôi. Toàn bộ hồ sơ, thủ tục về việc lưu trữ phôi được giao lại cho Vân. Chi phí trọn gói là 800 triệu đồng. Số tiền này được chia thành nhiều đợt chuyển cho Vân qua tài khoản ngân hàng.

Chị M là người được Thuận và Vân móc nối giúp vợ chồng anh T mang thai hộ. Đến thời điểm bị phát hiện, vợ chồng anh chị T đã chuyển khoản cho Vân 500 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Công an quận Đống Đa đã mời vợ chồng anh D (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có liên quan đến vụ việc. Anh D cho biết vợ chồng anh đã thỏa thuận với Vân để tìm người mang thai hộ với giá 1 tỷ đồng thai đơn và 1,5 tỷ đồng với thai đôi. Anh D đã chuyển cho Vân 200 triệu đồng để tiến hành cấy phôi cho người phụ nữ nhận mang thai hộ.

Căn cứ lời khai của những người liên quan, Cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng Trần Thị Bích Vân. Tại cơ quan công an, đối tượng Trần Thị Bích Vân và Trần Thị Bích Thuận đều có thái độ quanh co, chối tội, bất hợp tác. Tuy nhiên, với các tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an xác định chị em Trần Thị Bích Vân và Trần Thị Bích Thuận đã có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Sẽ có gần 290.000 biển số xe ô tô trong đợt đấu giá lần 2

tin-sang-1311-tim-thay-anh-trai-mat-tich-suot-40-nam-nho-ra-soat-lam-cccd-bat-2-chi-em-cam-dau-duong-day-de-thue-voi-gia-15-ty-donglan

Phiên đấu giá biển số xe ô tô lần 2 được tổ chức với gần 290 nghìn biển số xe được lên đưa lên sàn.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) chính thức thông báo về việc tổ chức phiên đấu giá biển số xe ô tô lần 2 theo Quyết định Số: 4653/QĐ-BCA-CSGT của Bộ Công An.

Theo đó, phiên đấu giá lần 2 sẽ có sự xuất hiện của 288.668 biển số ô tô tại 63 tỉnh thành, danh sách biển số được đưa ra đấu giá trực tuyến sẽ công bố trên cổng thông tin đấu giá trực tuyến trong thời gian tới.

Theo thống kê, các biển số đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẽ chiếm đa số (lần lượt là 49.689 và 41.989 biển số xe) trong phiên đấu giá lần 2, trong khi đó các biển số đến từ Bạc Liêu, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu chiếm thiểu số với chỉ dưới 1.000 biển.

Giống như phiên đấu giá đầu tiên, phiên đấu giá biển số xe ô tô lần 2 vẫn do Công ty Đấu giá hợp Danh Việt Nam tổ chức thực hiện. Giá khởi điểm của 1 biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là vẫn là 40.000.000 đồng. Tương tự, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số xe ô tô đưa ra đấu giá và bước giá vẫn sẽ được giữ nguyên.

Liên quan đến thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá, Cục CSGT cho biết, đối với mỗi biển số xe ô tô đấu giá thành công, thù lao dịch vụ đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm. Ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản là 10.000 đồng trên một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá.

Đơn vị được giao quản lý, giám sát thực hiện việc thực hiện phiên đấu giá biển số xe ô tô lần 2 là Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an. Trong khi đó, đơn vị được giao kiểm tra, giám sát an ninh, an toàn thông tin, bảo đảm an ninh mạng, chống xâm nhập trong quá trình đấu giá là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Viễn thông và Cơ yếu, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an.

Nhận thông báo "khóa sim", người phụ nữ mất 900 triệu đồng

tin-sang-1311-tim-thay-anh-trai-mat-tich-suot-40-nam-nho-ra-soat-lam-cccd-bat-2-chi-em-cam-dau-duong-day-de-thue-voi-gia-15-ty-donglan

Ảnh minh họa.

Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Cát Văn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cho biết một người phụ nữ trên địa bàn mới trình báo bị lừa đảo qua mạng mất 900 triệu đồng.

Trước đó, ngày 11/11, bà D (SN 1977, trú xã Cát Văn) nhận được một thông báo đến sẽ khóa 2 chiều sim điện thoại của mình đang dùng. Lo lắng sim điện thoại bị khóa 2 chiều, bà D hỏi hướng dẫn cách mở lại sim của mình. Sau đó bà D đã bị đối tượng này yêu cầu và đã chuyển số tiền 900 triệu đồng.

Nhận được trình báo của bà D, cơ quan công an đang vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.

Ảnh hưởng không khí lạnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chuyển mưa, rét

tin-sang-1311-tim-thay-anh-trai-mat-tich-suot-40-nam-nho-ra-soat-lam-cccd-bat-2-chi-em-cam-dau-duong-day-de-thue-voi-gia-15-ty-donglan

Không khí lạnh ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành nước ta.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều 12/11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành nước ta. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa và gây ra đợt rét đầu tiên của mùa Đông 2023-2024.

Theo diễn biến, chiều tối 12/11 không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến vùng núi và trung du Bắc Bộ, tiếp đến khu vực đồng bằng, sau đó là Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.

Từ chiều tối 12-13/11, Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ chiều tối 12/11 đến ngày 17/11, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo GiaDinh