Tinh chất mầm đậu nành: Thần dược hay độc dược?

Được quảng cáo rầm rộ như một loại "thần dược" giúp níu kéo tuổi xuân, nhiều chị em phụ nữ đã sử dụng tinh chất mầm đậu nành một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, hàng loạt nghiên cứu của các nhà khoa học uy tín của thế giới lại chỉ ra tinh chất mầm đậu nành gây ra vô số tác hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Có tinh chất mầm đậu nành, khỏi lo triệu chứng tiền mãn kinh?

Bước vào tuổi ngũ tuần, chị Nguyễn Kim Anh (Q.Tân Bình, TP HCM) không khỏi lo lắng với những triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh. Chị thường xuyên bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, tính tình khó chịu,... khiến cả gia đình cũng phải chịu "khổ" theo.

Chia sẻ nỗi buồn "khó nói" này với nhóm bạn, chị được mách nước dùng tinh chất mầm đậu nành. Được biết, trào lưu này đang là "mốt" níu kéo tuổi xuân không chỉ của chị em phụ nữ tuổi ngũ tuần mà của cả giới trẻ với mong muốn làm đẹp. 

Tuy nhiên, công dụng thực sự của tinh chất mầm đậu nành vẫn mới chỉ nằm trên những dòng quảng cáo và lời đồn thổi. Thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy đậu nành có thể giúp chị em việc này.

Nghiên cứu mới nhất “Phytoestrogens trong điều trị triệu chứng vận mạch mãn kinh” của các nhà khoa học được đăng trên Thư viện Cochrance - là thư viện lớn nhất thế giới về y học đã chỉ ra rằng, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc bổ sung phytoestrogen có trong tinh chất mầm đậu nành có hiệu quả làm giảm tần suất hay mức độ của bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm trên phụ nữ gần mãn kinh hay sau mãn kinh.

Một nghiên cứu khác về Đậu nành, phylate, và hấp thu sắt ở người được đăng tải trên tạp chí về dinh dưỡng lâm sàng hàng đầu của Mỹ (The American journal of Clinical nutrition) cũng cho thấy acid phytic trong chiết xuất protein đậu nành chính là yếu tố ức chế việc hấp thu sắt. Thậm chí, khi sử dụng các sản phẩm chiết xuất từ tinh chất đậu nành trong thời gian dài, có thể khiến cơ thể bị thiếu máu do thiếu sắt.

tinh-chat-mam-dau-nanh-than-duoc-hay-doc-duoc
Tinh chất mầm đậu nành được các nghiên cứu chỉ ra có nhiều tác hại. Ảnh: Internet.

Giật mình tinh chất đậu nành kích thích sự phát triển ung thư vú

Từ năm 1995, các chuyên gia nghiên cứu ung thư tại TP HCM đã khuyến cáo việc sử dụng tinh chất mầm đậu nành sẽ làm tăng genistein kích thích sự phát triển ung thư vú. 

Điều này cũng được Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ đồng tình. Nghiên cứu của Hiệp hội này cho thấy sử dụng đậu nành dạng tinh chất sẽ làm tăng genistein kích thích sự phát triển ung thư vú. 

Thậm chí, khoa y học cộng đồng của trường ĐH Loma Linda (Hoa Kỳ) tiến hành nghiên cứu trên 11.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 50. Kết quả cho thấy phytoestrogens trong đậu nành khiễn phá vỡ chức năng nội tiết và có khả năng gây vô sinh.

Ở những phụ nữ dùng nhiều isoflavine đậu nành (>40mg/ngày) thì khả năng có con bị giảm đi 3% so với phụ nữ dùng đậu nành ít hơn (<10mg/ngày). Từ đó, các nhà khoa học này kết luận: Dùng nhiều isoflvone đậu nành trong chế độ ăn có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh sản.

Một nghiên cứu khác của Mỹ cũng chỉ ra, nếu một phụ nữ sử dụng khoảng 45mg tinh chất mầm đậu nành/ngày, sau 1 tháng sẽ xuất hiện những triệu chứng tương tự như đang dùng thuốc tamoxifen (một loại kháng estrogen chuyên dùng cho phụ nữ bị ung thư vú). Phụ nữ dễ gặp các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi...

Tìm “thần dược” cẩn thận rước họa vào thân 

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Sỹ Sâm - Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết: "Nhiều nghiên cứu độc lập gần đây từ các nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh… được công bố, chỉ ra nhiều vấn đề về tác dụng có lợi cũng như có bất lợi của phytoestrogen có trong đậu nành, tinh chất mầm đậu nành, chất có nguồn gốc thực vật Phytoestrogen trong đậu nành.

Tuy nhiên tác dụng của phytoestrogen là rất yếu. Trong ung thư vú, khối u ác tính của mô tuyến vú có hai loại, một loại u phát triển mà không “phụ thuộc oestrogen”, và một loại u thì “phụ thuộc oestrogen” tức là u ác tính này phát triển nhanh và mạnh khi có nội tiết tố oestrogen".

Vì vậy, trong điều trị ung thư vú, khi u đã được phẫu thuật, hóa trị bổ trợ hoặc xạ trị tùy theo giai đoạn bệnh thì bước điều trị tiếp theo cho khối u phụ thuộc oestrogen là các thuốc kháng lại thụ thể oestrogen bằng đường uống ngay sau đó.

“Tinh chất phytoestrogen có trong tinh chất mầm đậu nành như đã trình bày là có tác dụng như estrogen, khi kết hợp với thụ thể estrogen sẽ thúc đẩy sự phát triển những u vú phụ thuộc estrogen”, Tiến sĩ Sâm cảnh báo.

Cũng theo bác sĩ Sâm tác dụng của phytoestrogen có trong tinh chất mầm đậu nành, cụ thể là chất Isoflavon sẽ thúc đẩy tiến triển của bệnh ung thư vú hay ngăn ngừa bệnh ung thư vú là phụ thuộc vào nồng độ chất phytoestrogen đưa vào cơ thể.

“Tuy nhiên, các cảnh báo đưa ra ít khi nêu rõ về cơ chế tác động của nó nên không nhiều người hiểu được và cảm thấy lo lắng. Vì vậy, việc tự ý sử dụng hormone thay thế (HRT) từ tinh chất mầm đậu nành hay bất cứ các loại hạt, cây nào khác nếu chưa được chứng minh lâm sàng bằng khoa học thì các chị em ở tuổi “xế chiều” cần phải lưu ý. Chị em nên đến các cơ sở y tế hay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Nếu không thì nguy cơ tìm “thần dược” lại rước họa vào thân” - Bác sĩ Sâm khuyến cáo.

Theo Sông Hương (phapluatplus)