TPHCM: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm không đạt chuẩn

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, có tới 76% cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo đó, đoàn thanh tra đã kiểm tra 24 cơ sở sản xuất, chế biến và một cơ sở kinh doanh nhưng có đến 19 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 76%), xử phạt tổng số tiền gần 180 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 5 cơ sở, thông tin trên báo Thanh Niên.

Cụ thể, theo Thanh tra Sở Y tế, đoàn thanh tra đã giám sát và tiêu hủy hơn 1.300 kg nước tương do không đảm bảo an toàn thực phẩm, 225 kg mắm nêm không đạt chất lượng; niêm phong chờ xử lý gần 1.500 lít nước mắm thành phẩm, nước mắm nguyên liệu không đảm bảo chất lượng; giám sát tái chế gần 400 lít nước mắm không đạt chất lượng. “Các hành vi vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa (gần 31%); vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm (33%); vi phạm điều kiện vệ sinh trong chế biến, bảo quản, khu súc rửa vỏ chai, bình... (hơn 20%).

TPHCM: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm không đạt chuẩn

 Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm tại TP HCM không đạt chuẩn. Ảnh minh họa

Kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm 30 mẫu nước tương, nước mắm, mắm nêm của 25 cơ sở cho thấy có 18 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý, 3 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh. Có 8 mẫu nước mắm có chỉ tiêu Asen vượt giới hạn cho phép 2 - 3 lần (cho phép 1 ml/lít) - đây là chất gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.

Thanh tra Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế cần ban hành quy trình quy định về việc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn và đình chỉ hoạt động có thời hạn cơ sở thực phẩm để đảm bảo pháp lý cho việc xử phạt.

Theo báo Pháp luật Việt Nam, không chỉ có ở TP HCM mà Hà Nội thời gian gần đây báo chí cũng đưa thông tin rầm rộ về chất lượng nước mắm, nước chấm công nghiệp không đảm bảo chất lượng, thậm chí nước mắm hay nước chấm có chứa thạch tín,...

Trước thực trạng trên, để kịp thời kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã yêu cầu các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm nước mắm lưu thông trên địa bàn. 

Trong đó, chú trọng kiểm tra về nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa, hồ sơ công bố về tiêu chuẩn sản phẩm/công bố hợp quy/quy định phù hợp an toàn thực phẩm (đối với những sản phẩm phải công bố). Nếu có dấu hiệu vi phạm, các Đội xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn thanh tra đi thanh tra, kiểm tra nước mắm đóng chai trên toàn quốc.

Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết. sau khi có kết quả thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ thông tin tới các cơ quan truyền thông.

Thông tin thêm, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, được biết thời gian qua Bộ Y tế nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm nước mắm, nước chấm đóng chai. Do vậy Bộ Y tế quyết định tiến hành thanh tra hai mặt hàng này.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, hiện nay trên thị trường có loại nước mắm không có thành phần cá mà chỉ có hương vị cá, khác hoàn toàn và không đúng với nước mắm truyền thống. Đó là chưa kể có nhiều loại phụ gia được sử dụng trong sản phẩm đang gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng về độ an toàn.

Theo ông Chính, đây là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây. Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra nhãn mác, chất lượng, phụ gia, hương liệu sử dụng trong nước mắm, các đoàn thanh tra sẽ lấy mẫu sản phẩm nước mắm để kiểm nghiệm chất lượng.

Theo An Dương (Vietq)