Trái cây nhập khẩu: Mập mờ "gắn lộn mác" xuất xứ

Mặc dù là quốc gia có sản lượng lớn trái cây đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhưng hàng năm nước ta vẫn nhập một lượng lớn trái cây từ các nước. Trong đó, một lượng lớn trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trái cây nhập khẩu: Mập mờ

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu gần 38.600 tấn táo. Hàng nhập khẩu chính từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Úc, Canada, trong đó mặt hàng táo từ Trung Quốc đứng đầu về số lượng nhập khẩu. Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- cho biết: Mặt hàng táo Úc, New Zealand và Mỹ chiếm khoảng 42%, còn táo Trung Quốc nhập về chiếm 58%.

Tại các điểm bán lẻ ở khu vực TP.HCM, theo khảo sát của phóng viên mặc dù táo nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc khá nhiều nhưng các loại táo phần nhiều lại dán tem xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Úc… Trên các bao gói hoặc trên từng trái cây, một con tem nhỏ hay một mẫu giấy trắng được dán lên ghi chú nơi xuất xứ của sản phẩm. Điều đáng nói, con tem này không có dấu chỉ đặc biệt (như tem dán lên rượu, mũ bảo hiểm, tem chống hàng giả…) nên ai cũng có thể in và dán lên được, điều này khiến cho người tiêu dùng hoài ghi về tính xác thực nguồn gốc của các loại trái cây nhập khẩu.

Thông thường tem, nhãn ghi xuất xứ của các loại trái cây nhập khẩu bán tại Việt Nam là do nhà cung cấp ở nước ngoài dán nhưng không ít trường hợp công đoạn này do công ty nhập khẩu trong nước hoặc siêu thị, người bán lẻ thực hiện. Như vậy khi một trái táo Trung Quốc được dán nhãn xuất xứ nguồn gốc từ Mỹ người tiêu dùng ngoài mất tiền mua hàng đắt còn chuốc thêm khả năng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc “gắn lộn mác” của người kinh doanh?

Không biết có phải do “mặc lộn áo” hay do nguyên nhân nào khác khi cùng một loại trái cây có cùng xuất xứ nhưng ở trên thị trường giá bán chênh lệch nhau rất lớn. Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, loại trái cây kiwi xanh xuất xứ New Zealand giá 79.500 đồng/kg, loại trái cây này ở chợ truyền thống giá trên dưới 100.000 đồng/kg, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức giá chỉ có 70.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Đực- Phó giám đốc Công ty TNHH Bình Lục (quận Bình Tân), chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu các loại trái cây- cho biết: Đối với các loại trái cây nhập khẩu đang tiêu thụ tại thị trường TP.HCM giá bán chênh lệch nhau giữa các điểm bán từ 5- 10%, nếu mức chênh lệch 20- 40% giá bán lẻ thì cần coi lại nguồn gốc của loại trái cây đó.   

Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường- Viện cây ăn quả miền Nam, hiện trái cây nội vẫn chiếm thị phần lớn nhưng thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng trái cây ngoại. Vì mẫu mã bắt mắt, đẹp, chất lượng ngon, có những loại giá còn thấp hơn trái cây Việt Nam… Do đó, nhập trái cây ngoại là bình thường vì thị trường phải nhập một số loại mà Việt Nam không sản xuất được, như bom lê, ki wi… nhưng việc không quản lý tốt về xuất xứ của sản phẩm sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu gần 316 triệu USD mặt hàng rau quả từ 13 nước trên thế giới, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó nhiều nhất là Thái Lan với kim ngạch gần 106 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng giá trị nhập khẩu rau quả và tăng 34% so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt 71,4 triệu USD (chiếm 20% thị phần), Myanmar gần 40 triệu USD… (Nguồn Hiệp hội Rau quả Việt Nam)

Theo Thế Vĩnh (Báo Công thương)