Trung Quốc: Thị trường tiềm năng cho ngành sữa Việt

Trung Quốc là quốc gia sản xuất sữa lớn thứ tư trên thế giới và cũng là nước nhập khẩu một lượng lớn sữa bột hàng năm cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay mặt hàng sữa của Việt Nam vẫn chưa xuất sang được thị trường này.

Thị trường 30 tỷ USD/năm

Chiều 31-5, tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã hội đàm với Tổng Cục trưởng Tổng cục giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) Chi Thụ Bình. Tham dự buổi hội đàm, ngoài đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương còn có đại diện một số doanh nghiệp (DN) như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Chuỗi Thực phẩm TH (TH true milk) và một số hiệp hội như sữa, thủy sản, lương thực.

Trung Quốc: Thị trường tiềm năng cho ngành sữa Việt

Ông Chi Thụ Bình - Tổng cục trưởng AQSIQ làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Việt Nam đang có nhiều thương hiệu sữa lớn khẳng định chất lượng tốt trên thị trường nhiều năm qua như TH True Milk, Vinamilk. Đặc biệt TH True Milk sử dụng công nghệ chăn nuôi chế biến sữa của Israel và đang chiếm hơn 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. TH True Milk cũng đang đầu tư dự ánsản xuất chế biến sữa lớn với số vốn lên đến 1,7 tỉ đô la Mỹ tại Nga.

Trao đổi tại hội đàm, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị AQSIQ tiếp tục phối hợp, sớm cho phép các sản phẩm sữa của những DN lớn có chất lượng tốt, thương hiệu mạnh tại Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk… bán hàng vào thị trường Trung Quốc.

Bên lề cuộc hội đàm nói trên, đại diện Vinamilk, cho biết qua đánh giá sơ bộ, ước tổng giá trị thị trường sữa bột của Trung Quốc lên đến khoảng 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Đại diện Vinamilk nhận định Trung Quốc là một thị trường lớn, tiềm năng cho ngành sản xuất và xuất khẩu mặt hàng sữa của Việt Nam.

Việc xuất khẩu các mặt hàng sữa đang đóng góp rất lớn vào doanh thu hàng năm cho các nhà sản xuất sữa của Việt Nam. Chẳng hạn Vinamilk đang xuất khẩu sang 30 thị trường và doanh thu xuất khẩu chiếm 15% tổng doanh thu của Vinamilk.   

Về đề nghị của Việt Nam xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, theo nội dung được ông Chi Thụ Bình thảo luận tại hội đàm, hiện phía AQSIQ đang trong quá trình đánh giá, thẩm định về sản phẩm sữa của Việt Nam và đề nghị phía Việt Nam cung cấp hồ sơ để phục vụ việc đánh giá này. Việc nhập khẩu sữa từ Việt Nam cũng sẽ qua các quy trình đánh giá, giám định từ phía Trung Quốc. Sắp tới các chuyên gia Trung Quốc sẽ đến các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn của Việt Nam để khảo sát thêm.

Tăng cường hợp tác hai bên

Tại hội đàm, ngoài câu chuyện sữa, phía Trung Quốc quan tâm đến việc quản lý hoạt động thương mại biên giới, vấn đề kiểm dịch trong các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung, hợp tác về chứng thư điện tử và mở thêm các cặp cửa khẩu giữa hai nước.

Trong khi đó, phía Việt Nam quan tâm đến việc tăng cường hợp tác, trao đổi các chính sách mới, tạo điều kiện cho thương mại hàng nông sản hai nước; nâng cao năng lực kiểm tra và tạo điều kiện cho hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu mới; công nhận lẫn nhau đối với chứng thư kiểm dịch hàng nông thủy sản và xây dựng cơ chế phối hợp cảnh báo sớm theo thông lệ quốc tế về kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quan hệ thương mại 2 nước hằng năm tăng trưởng tốt, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông, thủy-hải sản và một số sản phẩm công nghiệp tiêu dùng nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ của 2 bên trong các vấn đề về chính sách để giúp các DN 2 bên có chiến lược phát triển thị trường phù hợp.

Đối với thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang tăng vì các sản phẩm Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc nên mong muốn AQSIQ xem xét nghiên cứu có ý kiến với cơ quan hữu quan Trung Quốc để tăng thêm cửa khẩu được phép nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Hiện chỉ một số ít cửa khẩu Trung Quốc được phép nhập khẩu hàng Việt Nam, dẫn đến áp lực tại các cửa khẩu này, gây nên tình trạng ùn tắc, ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản Việt Nam cũng như áp lực lên các cơ quan kiểm soát biên giới.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng mong có sự công nhận lẫn nhau đối với chứng thư kiểm dịch hàng nông, thủy sản và xây dựng cơ chế phối hợp cảnh báo sớm về kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Thống nhất với những đề nghị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Chi Thụ Bình cho biết việc tăng cường hợp tác góp phần tạo thuận lợi trong các hoạt động kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ định thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu hoa quả trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung, qua đó giảm bớt áp lực, tránh tình trạng ùn ứ nông sản, hoa quả tại một số cửa khẩu vào những dịp cao điểm.

Song song đó, hai bên cũng nhất trí sẽ trao đổi tiến tới ký kết một Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong một số nội dung như hàng rào kỹ thuật, xây dựng cơ chế phối hợp cảnh báo sớm theo thông lệ quốc tế khi phát hiện các vấn đề liên quan đến kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trao đổi các chính sách mới và giải quyết các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam.

AQSIQ sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan Việt Nam để sớm hoàn thành các thủ tục đăng ký và đánh giá liên quan để sản phẩm sữa, sản phẩm chăn nuôi như thịt heo và một số loại hoa quả của Việt Nam có thể xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.

Theo P.V (Tieudung24g)