Tử vong do biến chứng "thuốc tiên"

Nhiều bệnh nhân (BN) vì không được tư vấn kỹ hoặc do thời gian điều trị bệnh quá lâu khiến họ nản lòng, “liều mình” sử dụng corticoid.

Hiện, số lượng BN bị biến chứng do corticoid đang gia tăng. Riêng tại khoa Nội Cơ Xương Khớp của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, mỗi tháng có trên 30 BN nhập viện do lệ thuộc hoặc bị biến chứng nguy hiểm bởi corticoid.

Uống thuốc nam cũng bị... biến chứng corticoid

Với nhiều ổ loét khắp người, BN V.V.T. (59 tuổi, ngụ TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vừa thoát án tử do biến chứng của việc dùng thuốc corticoid. Bà P. - vợ ông T. bức xúc kể:

“Ổng bị gout suốt 20 năm nay. Hơn bốn tháng trước, hai bàn chân nổi cục như quả trứng cút rồi đỏ tấy lên, sốt cao nên tôi đưa vô BV tỉnh. Các bác sĩ (BS) mổ, nạo bỏ u. Đến lần mổ thứ hai, vết thương không lành, lần thứ ba thì nhiễm trùng. Nằm suốt hai tháng tại BV, bệnh càng lúc càng xấu, tình trạng nhiễm trùng không khỏi, tôi hỏi thì BS không giải thích rõ. Lo cho chồng, tôi tìm mọi cách xin chuyển vào Sài Gòn điều trị nhưng BS không chuyển. Tôi bức bối nên quyết định xuất viện về nhà tìm thuốc khác uống. Về nhà, ổng liên lạc với một người rao bán thuốc điều trị gout bằng cây cỏ, không cần dùng thuốc Tây”.

Được biết, sau khi chuyển khoản 1,8 triệu đồng ra Hà Nội, vợ chồng ông T. nhận thuốc gồm các cây thuốc Nam cùng với bịch thuốc tễ, chia thành 10 chén thuốc sắc. Uống một - hai chén, ông T. thấy hết đau ngay, thèm ăn. Bỗng dưng đến chén thứ sáu thì bụng ông T. trướng lên, tức ngực, mí mắt sụp xuống, hai bắp chân bắt đầu tích nước, sưng to. Gia đình đã thuê xe đưa ông T. vào TP.HCM chữa trị.

Khi chuyển đến BV Chợ Rẫy, BN T. được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi, hôn mê sâu với tiên lượng bệnh rất nặng. Các BS cho biết, ông T. bị biến chứng của corticoid. Trong trường hợp này, corticoid được rắc trên các lá thuốc và pha trộn vào thuốc tễ.

“Qua một tháng trị biến chứng, chi phí đã hơn một trăm triệu đồng. Vậy mà trước khi vào Sài Gòn, ổng còn tiếc, đòi uống cho hết thuốc. Nếu chậm chút nữa chắc ổng không sống nổi”. Bỗng bà P. hạ giọng, chỉ xuống chân BN: “Bắp chân ứ nước sưng to, giờ xẹp hẳn, thiệt mừng”.

Nằm giường kế bên, ông H.V.K. (68 tuổi, nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu) mắc bệnh gout suốt 10 năm nay. Người nhà ông than thở: “Cũng vì BS không giải thích rõ quá trình điều trị và quá nôn nó ng nên ông ấy tìm đến corticoid. Lúc mới bị bệnh, BS ở trạm y tế nói phải uống thuốc ít nhất bốn năm may ra mới khỏi. Nhà nghèo mà mỗi ngày chi phí điều trị lên 200.000đ, uống nhiều tháng trời bệnh vẫn không thay đổi. Nghe người ta đồn ở đâu điều trị hay, gia đình tôi đều tìm đến. Sau thời gian dùng thuốc, bụng phình to, chân tay tong teo, da rạn nứt. Gần đây, ổng không đi đứng được mà phải bò, lết. BV Lê Lợi ở Vũng Tàu chẩn đoán ông bị thoái hóa cột sống, gout… nhưng có dấu hiệu của lệ thuộc corticoid nên chuyển lên BV Chợ Rẫy”.


Ông T. đang điều trị tại BV Chợ Rẫy

Đã có nhiều trường hợp tử vong

Những BN mắc bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ, viêm da cơ, viêm khớp dạng thấp… khi nghe BS giải thích bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời nên chán nản. Không ít BN bỏ tái khám, cầm toa cũ có corticoid liều cao uống liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến biến chứng nặng nề.

L.H.P. (18 tuổi, tỉnh Bình Định) nằm liệt trên giường bệnh vì cơ thể “phát phì” do không tái khám bệnh lupus ban đỏ mà tự ý mua thuốc uống theo toa cũ có kê corticoid liều cao. BS hỏi: “Em có tái khám đều đặn không?” - “Dạ, có lúc bỏ, tự mua thuốc uống”. Nghe con gái kể, mẹ của P. chống chế: “Không có bỏ bữa nào đâu BS. Vẫn tái khám đều theo dặn dò của BV mà”. “Tái khám đều thì BS sẽ giảm liều dần, không gây biến chứng như vậy”.

BS Cao Thanh Ngọc, khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV Chợ Rẫy chia sẻ: nhiều BN khi nghe bệnh của họ phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời thì thiếu kiên nhẫn. Người bệnh thường quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” nên hễ nghe thầy nào chữa giỏi, thuốc gì hay là tự tìm đến mà không cần biết thầy đó có qua trường lớp y khoa hay không, thuốc đó có chứa những gì. Buồn một điều là BS giải thích thì không nghe, lại đi nghe “mách nước”.

Vì vậy, không ít BN bỏ điều trị, khi bị biến chứng, nhập viện họ lại không khai cụ thể cho BS. Trong khi, với những bệnh lý tự miễn, BS sẽ kê toa có corticoid liều tùy theo tình trạng bệnh, thời gian đầu điều trị có thể dùng liều cao, nhưng sau sẽ giảm dần rồi ngưng hẳn.

Tuy nhiên, người bệnh không biết lại cứ cầm toa cũ đi mua corticoid liều cao uống liên tục gây ra nhiều biến chứng: loãng xương, tiểu đường, cao huyết áp, xẹp đốt sống, giảm sức đề kháng, nhiễm trùng, viêm phổi… và đã có nhiều trường hợp tử vong vì lạm dụng corticoid.

Cũng theo BS Cao Thanh Ngọc, BN không kiên nhẫn điều trị theo liệu trình kéo dài và lạm dụng corticoid do nhiều nguyên nhân: có thể do BS chưa giải thích cặn kẽ giúp người bệnh yên tâm điều trị.

Mặt khác, việc mua corticoid ở tiệm thuốc Tây quá dễ, chỉ cần có toa cũ của BS, thậm chí không có toa vẫn mua được. Người bán cũng chưa có ý thức và chưa được đào tạo bài bản trong việc hướng dẫn người bệnh dùng thuốc.

Ngoài ra, người bệnh do điều trị lâu đã xin xuất viện để tìm “thầy giỏi”. Đáng nói, không ít BN biết corticoid nguy hiểm nhưng vẫn dùng vì “thiếu thuốc là đau nhức không chịu nổi”. Không ít BN bị thoái hóa khớp, không cần dùng corticoid cũng tìm mua uống.

Corticoid giúp giảm đau nhanh, ăn được, ngủ ngon nên nhiều BN ví như “thuốc tiên”. Khi đã lệ thuộc corticoid, người bệnh sẽ bị béo thân người, cơ tay chân teo nhỏ, kèm theo mệt mỏi, trầm cảm, cáu gắt, giảm ham muốn tình dục cùng nhiều biến chứng khác như cao huyết áp, tiểu đường, loãng xương... Nếu người bệnh tự ý ngưng thuốc đột ngột sẽ bị suy thượng thận, tụt huyết áp và tử vong.

Theo Văn Thanh ( PNO )