Tương lai mịt mờ chờ Bitcoin



Sau hàng loạt những vụ những thông tin trái ngược về Bitcoin vừa qua, không chỉ ở thị trường quốc tế mà còn cả trong nước, tương lai của đồng tiền ảo Bitcoin đang là một dấu hỏi lớn, dù thực tế Bitcoin có thể sẽ chỉ là một cơ chế thanh toán chứ không phải một đồng tiền.

 

Vậy còn ở Việt Nam, vị thế của đồng tiền này sẽ ra sao? Tuy có một số ít nhân tố tích cực đóng góp vào sự phổ biến của Bitcoin nhưng nhìn chung chặng đường phát triển của đồng tiền này tại thị trường trong nước sẽ còn khá gian nan.

1. Thanh toán điện tử

Như chúng ta đã biết, một trong những ưu điểm lớn nhất khi thanh toán bằng đồng Bitcoin là chi phí rất rẻ. Do không phải thông qua nhiều khâu trung gian mà chỉ đơn giản là chuyển qua internet một cách trực tiếp nên chi phí khi bạn chuyển tiền gần như bằng 0.

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam có giá trị hơn 700 triệu USD và theo một vài dự đoán, nó sẽ đạt 1.3 tỷ USD vào năm 2015. Vì vậy nên đây là thị trường có tiềm năng phát triển còn rất lớn. Kéo theo đó là sự phát triển của các hình thức thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên thanh toán dạng này ở Việt Nam còn nhiều rào cản. Ví dụ như với thanh toán qua ngân hàng, người dùng có thể chuyển khoản hay high tech hơn là dùng Internet Banking với một khoản phí từ 3 000 Đ đến 11 000 Đ cho mỗi giao dịch chưa kể mức phí trích phần trăm trên lượng tiền chuyển. Hoặc nếu người dùng thanh toán bằng thẻ cào ĐTDĐ hay thẻ game, nhà cung cấp sẽ lấy đi khoảng 15% mệnh giá.

Trong khi nếu là SMS thì kinh khủng hơn nhiều, tối thiểu họ sẽ lấy 55% và tối đa có mạng lấy đến 90%. Còn với Bitcoin, dù bạn thanh toán 0.01 BTC hay 100 BTC đi chăng nữa thì mức phí bạn phải trả sẽ là khoảng vài cent tức khoảng dưới 1 nghìn Đồng. Hơn nữa chỉ với một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại là người dùng đã có thể thực hiện xong một giao dịch.

Với tiềm năng tạo ra phương thức thanh toán có chi phí thấp và an toàn hơn so với thẻ tín dụng, Bitcoin được sử dụng rộng rãi trong việc mua hàng từ các nhà bán lẻ hợp pháp. Bên cạnh đó, nó còn có tính thực tiễn như mức độ bảo mật và ứng dụng cho thanh toán quốc tế, giao dịch xuyên biên giới. Rõ ràng đây là một lợi thế rất lớn khi thanh toán bằng đồng Bitcoin so với các hình thức thanh toán truyền thống nếu được sử dụng tại Việt Nam.

2. Công nghệ và Internet phát triển nhanh

Việt Nam hiện là một trong những nước có mức tăng trưởng smartphone rất nhanh, thậm chí là một trong những thị trường tăng trưởng nóng nhất của các sản phẩm Apple trên toàn cầu.

Tính đến tháng 1/2014, Việt Nam có hơn 36 triệu người dùng Internet với 134 triệu thuê bao di động, trong đó có 17.6 triệu người dùng smartphone. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để giúp cho việc sử dụng Bitcoin trở nên phổ biến hơn.

3. Động lực phát triển từ giới đầu cơ

Yếu tố lớn ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và sự phát triển của bất kì mặt hàng nào luôn là các thương lái hay những người mua buôn và giới đầu cơ. Với Bitcoin yếu tố này có tác động lớn hơn rất nhiều so với hàng hóa thông thường. Theo báo cáo của Viện tài chính quốc tế (IIF) “ước tích có từ 50% – 90% chủ sở hữu Bitcoin là nhà đầu cơ” trên toàn cầu.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Anh Lê Huy Hòa, thành viên chủ chốt một diễn đàn về bitcoin tại Việt Nam khẳng định, cộng đồng chơi Bitcoin tại Việt Nam gia tăng với tốc độ chóng mặt. Đà phát triển chưa dừng lại, dù đồng Bitcoin trên thế giới đang rớt thảm. Một nhà đầu tư cho biết: “Hiện nay, cộng đồng “đào” Bitcoin của Việt Nam vẫn phát triển rất mạnh.

Số nhà đầu tư nắm tiền tỷ Bitcoin không phải ít. Tuy nhiên, hầu hết các “cao thủ” này đều ẩn danh để ẩn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng”. Nhờ đó, đầu cơ trở thành một động lực khá mạnh mẽ giúp thúc đẩy phổ biến Bitcoin tại Việt Nam.

4. Doanh nghiệp lạnh nhạt

Mặc dù tại Việt Nam đã có một số đơn vị chấp nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin nhưng con số này thực sự còn quá ít. Điều đó tạo ra một khoảng trắng lớn ngăn cách người dùng tiếp cận sử dụng đồng tiền ảo này. Thế nhưng để doanh nghiệp đồng ý sử dụng đồng Bitcoin không phải là việc đơn giản. Rào cản đầu tiên họ gặp phải là các sản giao dịch Bitcoin còn quá thưa thớt.

Là một doanh nghiệp nên các công ty này sẽ thường xuyên phải rút hoặc bơm thêm tiền mặt vào tài khoản Bitcoin của mình để phục vụ cho việc kinh doanh, nếu muốn trao đổi hay mua bán Bitcoin thông qua chuyển khoản ngân hàng họ sẽ phải chi thêm một khoản phí phụ trội và nếu làm việc liên tục, số tiền phải bỏ ra cho các dịch vụ của ngân hàng là không hề nhỏ.

Chưa kể đến việc họ bị giam một khoản vốn vào tài khoản Bitcoin của mình trong khi thị trường chưa có nhiều người dùng Bitcoin để thanh toán. Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn phải chịu rủi ro từ việc biến động giá rất thất thường của đồng tiền này. Mặt khác, đứng từ góc độ của người mua hàng, do các giao dịch bằng đồng Bitcoin có tính ẩn danh hoàn toàn nên nếu bị lừa thì họ sẽ mất trắng số tiền của mình và chẳng được ai bảo vệ. Qua đó, chưa xét đến yếu tố có bị nhà nước kiểm soát hay không, thị trường Bitcoin tại Việt Nam còn rất sơ khai với tương lai khá mù mịt.

5. Rửa tiền và trốn thuế

Một trong những ưu điểm lớn nhất của việc giao dịch bằng Bitcoin là sự ẩn danh. Các giao dịch này mang tính ẩn danh cao nên trở thành công cụ tuyệt vời dành cho việc rửa tiền và trốn thuế. Lượng tiền Bitcoin được sử dụng dành cho những việc này chỉ đứng sau đầu cơ. Tuy nhiên việc pháp luật Việt Nam còn nhiều lỗ hồng là điều khá rõ ràng.

Điều này khiến việc rửa tiền và trốn thuế bằng đồng Bitcoin dường như là không cần thiết. Chúng tôi sẽ không phân tích sâu thêm về vấn đề này để khỏi bị lạc đề. Chỉ có điều làm hai việc phạm pháp trên tại Việt Nam mà thông qua Bitcoin thì thực sự là “Dùng dao mổ trâu để giết gà”.

6. Chính quyền “quét”…

Luật pháp của hầu hết các quốc gia đều cấm các tổ chức hay tư nhân phát hành một đồng tiền song song với đồng tiền quốc gia. Độc quyền phát hành tiền là một biện pháp hiệu quả để một nhà nước có thể thu thuế của dân, trực tiếp qua các thể loại thuế trực thu/gián thu hoặc gián tiếp qua lạm phát và phát hành tiền.

Bên cạnh đó còn để đảm bảo sự độc lập và tránh bị tri phối bởi các đồng tiền khác thông qua việc bơm hay rút tiền từ những quốc gia bên ngoài. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, có lẽ ở thời điểm hiện tại Việt Nam chưa cần thực sự phải lo lắng về việc Bitcoin làm thất thoát thuế ra sao. Ở bài Vì sao Bitcoin nên được giữ ngoài vòng pháp luật? chúng tôi đã phân tích khá chi tiết vì lý do nào các chính quyền nói chung và Việt Nam nói riêng nên cổ vũ việc sử dụng Bitcoin.

Có lẽ do chưa thực sự có một cái nhìn rõ ràng và đầy đủ về đồng tiền này cũng như hệ sinh thái Bitcoin chưa phát triển hoàn thiện nên chính quyền hiện không cấm giao dịch bằng Bitcoin nhưng cũng không cổ vũ việc này. Hiện tại, Việt Nam không công nhận Bitcoin là một dạng tiền tệ hay hàng hóa. Cách làm này cũng tương tự khá nhiều nước khá trên thế giới như Pháp, Ấn Độ, Châu u, Phần Lan, Thái Lan … Tuy nhiên gần đây, chúng ta đã chứng kiến việc 2 người bị khởi tố vì sử dụng Bitcoin. Đây là một động thái khá cứng rắn thể hiện việc chính quyền trong nước có chiều hướng không ủng hộ việc phổ biến đồng tiền này.

Như vậy mặc dù có đã có những động thái ban đầu tại Việt Nam nhằm giúp nhân rộng việc sử dụng Bitcoin ra cộng đồng nhưng “Cánh én chẳng làm nên mùa xuân”. Chúng ta còn thấy khá nhiều rào cản cho việc phổ biến đồng tiền ảo này tại Việt Nam. Bên cạnh đó việc thanh toán trực tuyến hay hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vẫn còn chưa thực sự phát triển. Cộng thêm với đó là tâm lý e ngại trước những công nghệ mới của người dân nên họ muốn đặt niềm tin của mình vào hệ thống thanh toán truyền thống hơn là Bitcoin. Có lẽ trong tương lai, đồng tiền ảo này sẽ được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu bởi giới đầu cơ chứ khó có khả năng trở nên phổ biến rộng rãi.

Theo Techinasia