Việc quan trọng cần làm ngay để cứu người bị bỏng axit…

Khi gặp người bị tai nạn do hóa chất a xít gây ra, mọi người cần bình tĩnh thực hiện sơ cứu bằng nước sạch và gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Trong những ngày qua, thông tin một nữ sinh bị tạt a xít giữa Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị mù mắt khiến du luận hết sức bàng hoàng. Thực tế cho thấy, hàng năm những vụ trả thù và tai nạn do a xít xảy ra không phải là hiếm. Tuy nhiên, nhiều người khi bị tai nạn do a xít gây ra do sơ cứu không đúng cách khiến bệnh càng nặng hơn.

Theo các chuyên gia hóa học, a xít có nhiều loại, trong đó có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl). Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp qua da.

Axit gây tác động ngay lập tức và gây ra những biến chứng lâu dài lên cơ thể nạn nhân. Khi tác động lên cơ thể người, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... theo cơ chế đông vón protein của cơ thể gây hoại tử từ ngoài vào trong. Phần da tiếp xúc với axit sẽ chết, chuyển sang màu đen và để lại những vết sẹo khủng khiếp.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia, mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với axit, nếu càng lâu, vết bỏng và tình trạng hoại tử càng sâu và mức độ phục hồi sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, nếu bị axit bắn vào miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, việc ăn uống trở nên rất khó khăn. Nguy hiểm nhất là khi bắn trực tiếp vào mắt, người bệnh có thể bị mù lòa.

Theo các bác sĩ, khi bị bỏng a xít biện pháp sơ cứu là dùng nước sạch rửa vùng bị thương nhằm tránh việc a xít hút nước từ cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý khi rửa dưới vòi nước cần giữ tư thế sao cho không để axit chảy vào các vùng khác của cơ thể. Nếu hóa chất gây bỏng ở dạng bột như vôi, hãy chải sạch nó khỏi da trước khi rửa.

Không cởi quần áo người bị bỏng vì như thế rất dễ gây lột da. Các vùng hoá chất hoặc axit chỉ mới bám vào quần áo thì cần nhẹ nhàng cắt bỏ, không tiếp xúc bằng tay không.

Trong trường hợp a xít vào mắt, nên dùng nước sạch chảy từ vòi nước ấm trong ít nhất 20 phút. Có thể dùng vòi hoa sen phun nước ấm lên trán cho nước chảy tràn qua bên mắt bị hóa chất. Hoặc hướng vòi phun vào phần sống mũi giữa hai mắt nếu cả hai mắt đều bị dính hóa chất. Đồng thời, cúi đầu dưới vòi nước và nghiêng sang một bên. Sau đó cố mở bên mắt bị hóa chất trong khi cho nước chảy nhẹ nhàng.

Cùng với việc sơ cứu, cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay.

Theo Nam Lê (GĐVN)