VN có thể kiểm soát được loài 'Ngưu ma vương' hoành hành thế giới

“Chúng tôi tự tin đã có thể kiểm soát được loài cây này, lại chỉ bằng phương pháp đơn giản và rẻ tiền”, TS Đỗ Thường Kiệt, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM khẳng định với Một Thế Giới khi nói đến “Ngưu Ma Vương” (còn gọi là cây Mai dương, Trinh nữ đầm lầy,...), một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên thế giới, đang hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước hiện nay.

    

Loài "Ngưu ma vương" có thể phát triển thành 1 rừng nhanh chóng, đe dọa hệ sinh thái xung quanh

Theo nhóm nghiên cứu TS Kiệt, bộ môn Sinh lý thực vật, khoa Sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, việc tận dụng thời điểm loài “Ngưu ma vương” yếu nhất khi quang hợp để phun nước muối lên bộ lá của cây, sẽ khiến loài cây này kiệt sức mà chết...

Dùng “bom” xóa 1 vùng cũng không diệt được “Ngưu ma vương”

Theo các nhà khoa học, cây “Ngưu ma vương”, còn gọi là cây Trinh nữ đầm lầy (Mimosa pigra L), Mai dương, cây Trinh nữ thân gỗ, cây Vuốt rồng,... là loài ngoại lai xâm lấn gây hại nguy hiểm, đe dọa đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

“Ngưu ma vương” được xếp là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên thế giới (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên – IUCN).

Loài Trinh nữ đầm lầy này có khả năng phát tán theo dòng nước, bám vào da, lông của động vật, quần áo của người, theo các phương tiện giao thông, vận tải,... nên lan tràn xâm lấn rất nhanh. 

Có mặt tại Australia từ thế kỷ XIX trong sưu tập ở vườn thực vật Darwin, đến năm 1984, ở Oenpelli có 200 ha bị nhiễm “Ngưu ma vương”; và chỉ sau 5 năm, diện tích này đã tăng lên 5.500 ha. 
Chỉ riêng vùng Bắc Australia, khoảng 80.000 ha thảm thực vật bản địa đã bị “Ngưu ma vương” xâm lấn. Vùng đất ngập nước thường xuyên ở lưu vực sông Adelaide (Bắc Australia) vào năm 1990 bị cây này phát tán xâm lấn trên diện tích hơn 450 km2 và đến năm 1995 tăng lên 700 km2 (Forno et al. 1990; Chopping, 2004). 
“Autraulia đã phải mất rất nhiều triệu USD để san bằng cây Mai dương, nhưng vẫn không cản trở được sự trở lại của nó”, TS Đỗ Thường Kiệt cho biết.

Theo TS Kiệt, Mỹ trước đây đã từng chấp nhận cho san bằng một vùng ở Florida (rộng bằng vườn Quốc gia Chàm Chim Việt Nam: 75,88 km²) với mong muốn diệt được cây “Ngưu ma vương”. 

“Toàn bộ hệ thực vật, cây cối ở vùng đó đã bị san bằng theo cùng loài cây này. Khi xem ảnh chụp lại, tôi tưởng như vùng này đã bị ném bom. Nhưng năm ngoái, trong một chuyến đi thực địa đến đây cùng đồng nghiệp Mỹ, chúng tôi thực sự sửng sốt khi phát hiện ra loài “Ngưu ma vương” đã sinh sôi trở lại, từ hạt còn nằm ẩn dưới đất”, TS Kiệt kể.

Ở Việt Nam hiện nay, Trinh nữ đầm lầy có mặt ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, mọc dại khắp nơi và lan nhanh. Chúng đã biến thành 1 rừng ở vườn quốc gia Chàm Chim (Đồng Tháp) và Bến En (Thanh Hóa), đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái tại đây... 


Dù tiến hành diệt cây mai dương liên tục nhưng vô ích

Tận dụng lúc loài “Ngưu ma vương” yếu đuối nhất

Để kiểm soát “Ngưu ma vương” (tác giả và các nhà khoa học trên thế giới hiện đều sử dụng từ “kiểm soát”, vì việc tiêu diệt vĩnh viễn cây này là chưa thể - PV), qua nhiều năm nghiên cứu, TS Kiệt cho biết, anh nhận ra việc tận dụng thời điểm loài cây này yếu nhất để phun nước muối và phụ gia lên lá (không phun lên thân cây) của cây sẽ khiến cây kiệt sức mà chết.

TS Kiệt cho biết, sau nhiều hướng nghiên cứu khác nhau, anh đã tìm đến hướng nghiên cứu thử nghiệm này dựa trên đặc tính cây kém chịu mặn và dễ tress do muối.

“Ngưu ma vương” là loài cây quang hợp mạnh, lại rất ham quang hợp nên nó sẽ bị sốc lúc này. Cây không chết dưới nắng gắt, nhưng lại trở nên cực kì mong manh, nhạy cảm và yếu đuối vào thời gian này, vì vậy khi tác động thêm muối, cây sẽ không chịu nổi mà chết cháy dần”, anh giải thích.

Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là phải phun nước muối vào trưa nắng, thời điểm nắng nhất, hoặc lúc 2-3 giờ chiều, khi có tia cực tím nhiều thì việc “diệt” “Ngưu ma vương” mới hiệu quả. “Cộng thêm phun nước muối vào lúc cây đang ra hoa thì càng hiệu quả hơn, do lúc đó nó bị mất sức gấp đôi vì “sinh nở”, TS Kiệt nói.

Còn nước muối dùng thì pha từ muối ăn, nồng độ chỉ 3% (tương đương nước biển), có thể dùng thêm chất phụ gia tạo bám dính lên lá. Theo TS Kiệt, nước muối phun trên lá không gây nhiễm mặn cho xung quanh, nồng độ muối thấp cũng sẽ không gây chết các loài xung quanh như dùng các loại hóa chất...


Hoa và trái cây mai dương

Tuy nhiên, việc này chỉ dừng ở mức kiểm soát. Nguyên nhân, cây chết cháy xong thì chồi lại tiếp tục mọc lại từ nhánh lá. Theo TS Kiệt, loài Trinh nữ này sinh sản rất nhanh, diện tích cây tăng hàng giờ, hàng năm, đốt trái thì hạt rớt xuống đất không cách nào lấy lên được. Ước tính, 1 năm không kiểm soát thì sẽ có khoảng 1 triệu hạt dưới đất, chỉ trên 100m2.    

Nhưng nghiên cứu cho thấy, sau 3 lần phun nước muối, chồi phát triển ít hơn, sau 6 tháng nữa, hoa ra không đáng kể vì đã kiệt sức.
“Bằng cách này, chúng ta đã ngăn cản được sự tạo hạt của Mai dương tiếp tục tích trữ dưới lòng đất. Và kế hoạch dài cần làm tiếp là: giảm hạt, ngăn ra hoa và tiêu diệt quần thể còn lại. Việc này không thể làm một sớm một chiều, và cần nghiên cứu thêm để ra hướng triệt để hơn...”, TS Kiệt nói.

Hiện nay thế giới đã tiến hành nhiều cách phòng trừ loài “Ngưu ma vương” như: chặt, đốt, nhổ; nhân nuôi các loài côn trùng, sâu bọ để diệt cây; hoặc sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ cỏ... tuy nhiên, vẫn không đạt hiệu quả. Loài cây này cao tới 10m, có thể nhanh chóng tạo thành 1 rừng chằng chịt gai và khiến các loài cây phía dưới chết hết...

Lê Quỳnh - MTG