VN vượt Indonesia, nhập khẩu bắp nhiều nhất thế giới

Với số lượng bắp nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2015, có thể Việt Nam sẽ vượt qua Indonesia, trở thành nước nhập khẩu bắp nhiều nhất TG.

Đây là thông tin được ông Phạm Quang Diệu, Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), đưa ra tại một hội thảo liên quan đến nông nghiệp cuối tuần qua.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 tháng đầu năm 2015, lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam là 5,72 triệu tấn, giá trị nhập khẩu là 1,26 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 56% về khối lượng và gần 33% về giá trị so với cùng kỳ.

Brazil và Argentina là hai nhà cung cấp chính, trong đó nguồn cung từ Argentina tăng đột biến gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2014 về khối lượng và gần 9 lần về giá trị.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, nước ta đang nhập 90% lượng bắp và đậu nành phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho người (dầu thực vật sản xuất từ đậu nành) chủ yếu từ các thị trường như Mỹ, Brazil và Argentina.

VN vượt Indonesia, nhập khẩu bắp nhiều nhất thế giới
Việt Nam tăng mạnh số lượng nhập khẩu bắp

Trong khi đó, theo website về tin tức thị trường nông nghiệp agweek.com, trong những năm qua, Indonesia là một trong những quốc gia nhập khẩu bắp lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, để khuyến khích người dân tăng sản lượng, Indonesia có lệnh cấm nhập bắp vào tháng 8/2015.

Thế nhưng, với nhu cầu phát triển chăn nuôi thì trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải tăng mạnh nhập khẩu các nguyên liệu như bắp, đậu nành để đáp ứng nhu cầu do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ.

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong một hội nghị chăn nuôi ở TP.HCM từng lắc đầu ngao ngán: “Ngành chăn nuôi chúng ta đang phải nhập khẩu con giống và phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài về công nghệ, chuồng trại”.

Cụ thể, theo dẫn chứng của ông Vang, hiện hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1.000 con giống heo, 7.000 – 8.000 con giống bò sữa và 1,2 triệu con giống gia cầm. Đấy là chưa kể một lượng giống nhập khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào nước ta qua con đường tiểu ngạch không kiểm soát được.

“Không tính giống bò sữa, mỗi năm nước ta tốn khoảng 6 triệu USD nhập giống gia súc, gia cầm. Trong đó khoảng 2 triệu USD nhập giống heo và 4 triệu USD giống gia cầm”, ông Vang cho biết.

Trước đó, ngày 9/9, tại hội thảo tác động của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) đến ngành chăn nuôi Việt Nam, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: "Ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Sản xuất trong nước cũng có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt đối với các ngành thịt.

Đồng quan điểm, GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp nói với chúng tôi rằng những nguyên liệu đầu vào từ con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay phần lớn là sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài.

Do vậy, chưa đợi vào TPP thì ngành chăn nuôi đã bị “đe dọa” ngay khi Cộng đồng Kinh tế Asean được hình thành, những sản phẩm Thái Lan tràn vào đã có thể “bóp chết” sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

“Điểm yếu lớn nhất của ngành chăn nuôi là hệ thống con giống chưa tốt. Thức ăn gia súc của ta đang phụ thuộc vào nước ngoài. Các DN của ta không chú trọng và R&D (nghiên cứu và phát triển), không bỏ tiền ra để làm nên không cải thiện phương thức quản lý, máy móc thiết bị, cách chế biến sản phẩm nên chất lượng sản phẩm kém”, GS. Xuân nói.

Theo Ngân Giang (BDV)