Bánh mứt Tết sốt ruột lo ế

Trong khi các loại mứt “nhà làm” dù giá cao ngất ngưỡng vẫn cháy hàng thì tại các chợ, nhiều chủ quầy bánh mứt Tết đang sốt ruột lo ế.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), khu bán bánh kẹo đang trưng bày hạt dưa, hạt điều, các loại mứt Tết rất bắt mắt. Nhiều năm trong nghề cung cấp sỉ bánh mứt, cà phê tại chợ này, chị G. (quận Bình Thanh), cho hay mặt hàng trà, cà phê lượng bán ra bắt đầu tăng, còn bánh mứt vẫn chưa nhiều khách hỏi. Năm nay cửa hàng chị cũng chuẩn bị lượng bánh mứt chỉ bằng 2/3 năm trước.

Dù đã 20 tháng Chạp nhưng sức mua bánh mứt tại chợ không tăng. Các chủ quầy cho biết khách mua rất khó tính, ngoài trả giá còn “vặn vẹo” kỹ nguồn gốc sản phẩm. Để bán được hàng, cứ gặp bất kỳ khách nào dừng lại xem là người bán trưng câu cửa miệng: Bánh mứt chuẩn hàng Việt Nam, không pha trộn hàng Trung Quốc.

“Sản phẩm phục vụ Tết cửa hàng chủ yếu cung cấp cho mối quen. Khách lấy sỉ về gói quà biếu, hoặc bán lại là chính nên phải đảm bảo về nguồn gốc, vì bán còn giữ mối cho năm sau”, nhân viên một cửa hàng tại chợ này cho biết.

Bánh mứt Tết sốt ruột lo ế

Mứt bày bán tại chợ không che chắn khiến nhiều người e dè. Ảnh: Dạ Lan.

Theo quan sát của phóng viên, các loại bánh mứt, hạt dưa, hạt bí đang bán tại chợ được đóng trong những bao lớn, nhiều loại không có nhãn mác và xỉn màu.

Khi người mua muốn mua hàng nào thì người bán xúc thẳng từ bao lớn ra túi nilon cân theo số lượng khách yêu cầu.

“Do những cái bọc này hơi cũ mà hàng chưa thay nên nhìn mứt không được đẹp, chứ hàng vẫn đảm bảo lắm”, một chủ quầy mứt ở Chợ Lớn (quận 5) thanh minh khi thấy khách thắc mắc mứt nhìn sẫm màu

Còn khi khách hỏi nguồn gốc hạt dưa, hạt hướng dương, nhân viên cũng khẳng định hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhân viên này cũng không giấu diếm chia sẻ có hàng Trung Quốc để bên trong. Tùy nhu cầu khách mua người bán sẽ giới thiệu để dễ lựa chọn.

Giá các loại hạt dưa, hướng dương Trung Quốc được bán tại cửa hàng này rẻ hơn 20.000-30.000 đồng/kg so với hàng Việt. Hạt dưa Việt có giá 120.000 đồng/kg, hướng dương từ 135.000 đồng/kg, hạt dẻ, hạt điều 300.000-350.000kg/kg. Mức giá này không đổi nhiều so với chợ Tết năm ngoái.

Khi được hỏi làm sao khách đảm bảo mua được hàng Việt Nam hay Trung Quốc thì nhân viên cho hay, mỗi loại hạt bày bán là hàng Việt Nam đều có giấy chứng nhận. Vì không chỉ khách mua quan tâm xuất xứ mà đội quản lý thị trường kiểm tra thường xuyên. Chủ cửa hàng phải chuẩn bị “chứng minh thư” sẵn sàng để lấy lòng tin của khách hàng.

Bánh mứt Tết sốt ruột lo ế

Theo nhiều chủ hàng, khách mua mua bánh mứt tại chợ phần nhiều là mua sỉ về gói quà hoặc tự đóng gói bán lẻ. Ảnh: Dạ Lan. 

 “Ngoài ra, hạt dưa của Việt Nam sẽ xấu, hạt nhỏ, lép nhiều. Hạt dưa Trung Quốc thì to, đỏ đều màu nhưng chắc chắn ăn không ngon bằng hạt dưa Việt. Hạt hướng dương và hạt bí cũng vậy. Đặc trưng nhất của hàng Trung Quốc thường hạt lớn, đều màu, đặc biệt cực kì bắt mắt và nhìn...sạch sẽ. Rất nhiều người thay vì lựa hàng Việt thì lại chọn hàng Trung Quốc để đi biếu Tết”, nhân viên này nói.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu xem giấy chứng nhận hàng hóa của hạt dưa thì nhân viên này viện cớ là “nhiều giấy quá nên giờ đợi em lục lại”.

Tỏ ra khá phân vân khi muốn mua hồng sấy khô, chị Dương (quận Bình Thạnh) liên tục hỏi người bán về xuất xứ hàng. Khi được chủ hàng khẳng định có giấy kiểm chứng thì chị đặt liền một lúc 5 ký gồm hồng sấy khô và nhiều loại mứt khác.

"Giờ truy nguồn gốc hay tìm hiểu kĩ thì không biết tới khi nào mua được. Mua liều thôi chớ sao. Tôi cũng đi tham khảo nhiều nơi, giá siêu thị giá đắt gấp 2-3 lần mà mình cũng không chắc là hàng Việt hay Trung Quốc", chị Dương nói.

Tại một cửa hàng chuyên cung cấp mứt và bánh kẹo ở chợ Phạm Văn Hai, chủ cửa hàng cho hay năm nay chị bán chủ yếu là hàng thường, giá mềm cho khách mua lẻ.

“Tất cả các mặt hàng ở đây đều có giá rẻ. Nhu cầu mua bánh mứt Tết vài năm gần đây không như xưa. Đa phần người có thu nhập thì mua hàng cao cấp. Những loại đó chợ không thể cạnh tranh lại vì có quá nhiều nơi cung cấp, nên tôi chủ yếu tập trung vào hàng giá mềm để bán cho khách bình dân”, chủ cửa hàng nói.

Cũng theo chủ cửa hàng này, dù có bán loại hàng bình dân nhất thì khách mua cũng không nhiều như trước.

Chị X., chuyên cung cấp mứt sỉ và lẻ tại chợ Đà Lạt khẳng định việc trộn bánh mứt Trung Quốc vào hàng Việt Nam không thể tranh khỏi. Quan trọng là người mua có đủ "lanh lẹ" để nhận biết.

Đơn cử như mặt hàng hồng khô. Để phân biệt hồng Đà Lạt và hồng Trung Quốc khá đơn giản. 

“Hầu hết các loại hồng Đà Lạt đều có kích thước nhỏ, cỡ chiều rộng hồng ép khô chừng 3 ngón tay. Nhìn hồng nhăn nheo, màu thẫm, thịt dai và có mùi thơm đặc trưng. Còn hồng Trung Quốc rất lớn và căng, thịt hơi trong, mềm và ăn vào sật sật chứ không dai.

Với mứt dừa non, loại đang gây sốt trên thị trường hiện nay thì khách phải cực kỳ chú ý. Nên tránh lựa chọn loại dừa có màu trắng sáng quá. Vì dễ 'ngậm' nhiều thuốc tẩy. Nên lựa chọn loại dừa có màu ngà và hơi nát", chị X. chia sẻ.

Chị X. cũng cho biết chị bán hàng cho khá nhiều tiểu thương tại TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều đầu mối cho rằng hàng Đà Lạt giá cao nên kén khách, bán chậm so với các loại mứt Trung Quốc.

Theo PNO